Sốt ruột với nhà ở cho công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có câu “An cư mới lạc nghiệp”. Vậy công nhân trong các khu công nghiệp ở đâu? Con cái họ học hành như thế nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà ở cho công nhân là vấn đề lớn, được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Từ lâu, tỉnh/thành nào cũng rất sốt ruột với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Dòng dịch chuyển lao động từ quê ra phố là quy luật tất yếu. Các trung tâm công nghiệp lớn bao giờ cũng có sức hút với nông dân, người lao động thôn quê và cần đến họ.

Có câu “An cư mới lạc nghiệp”. Vậy công nhân trong các khu công nghiệp ở đâu? Con cái họ học hành như thế nào?

Trong đại dịch COVID-19, hình ảnh những dòng người phải “tháo chạy” khỏi các khu công nghiệp để trở về quê hoặc buộc phải ở lại trong những “túp lều thời chiến” – nhà trọ tồi tàn, để chấp hành “3 tại chỗ” đã lộ rõ những bất cập về nhà ở cho công nhân.

Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (phê duyệt theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011), về quan điểm chưa có nội dung “nhà ở cho công nhân”. Tuy nhiên, ở mục tiêu cụ thể (Mục III) đã có nhắc đến và xác định: “...khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở” (giai đoạn 2016 – 2020).

Thực tế, nhà ở xã hội ở các đô thị lớn mới đạt khoảng 58% kế hoạch, riêng nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Tại địa bàn TP Hà Nội, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Khu nhà ở dành cho công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là dự án đầu tiên của cả nước dành cho công nhân, có quy mô 28 đơn nguyên, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở.

Tóm lại, cho đến nay, nhà ở cho công nhân chủ yếu mới ở trên văn bản. Đấy là chưa nói “nhà ở xã hội” sau khi xây dựng xong, ở không ít nơi “quyền có nhà” lại chưa đến lượt công nhân có nhu cầu thực sự. Trong khi nhiều người dù đã có nhà nhưng do “bắt mối” được “lợi ích nhóm” đã mua thêm được nhà rồi bán lại hưởng chênh lệch.

Ngày 22/12/2021, Chính phủ có Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với nhà ở công nhân, Chính phủ nêu quan điểm: “Đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn; theo phương thức phù hợp với yêu cầu của hoạt động sản xuất, quy định nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp”.

Quyết định cũng xác định mục tiêu: “Quan tâm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất... tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội”. Đây là bước tiến mới về nhận thức so với Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.

Để hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho công nhân, nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là “điệp khúc”: vướng luật, thiếu tiền, thiếu đất.

Đọc thêm