Stephen William Hawking sinh năm 1942. Tốt nghiệp chuyên ngành vật lý của trường Đại học Oxford, ông tiếp tục theo học ở trường Cambridge. Hawking mới 21 tuổi và đang theo học năm nhất tại Cambridge khi ông được chẩn đoán mắc ALS - một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển khiến não bộ dần mất khả năng điều khiển các cơ trong cơ thể.
Hiệp hội những người bị bệnh ALS cho biết, chỉ một nửa số người bị bệnh sống thêm được khoảng 3 năm và 10% có thể sống quá 10 năm. Trong trường hợp cụ thể của Hawking, các bác sỹ cho rằng ông chỉ có thể sống được không quá 2,5 năm. “Biết mình mắc căn bệnh không thể chữa được và sẽ chết vì bệnh tật chỉ trong vài năm thực sự là một cú sốc”, Hawking viết trong hồi ký của ông.
“Thế giới đã mất vì sao sáng nhất”
Tuy nhiên, chứng kiến một cậu bé qua đời vì ung thư máu trên giường bệnh, ông nhận thấy rằng tình cảnh của mình còn khá hơn nhiều người, ít nhất là ông còn được sống và không bị đau đớn. Hawking vì thế dần vui vẻ trở lại. Ông lạc quan đến mức ngay cả việc không thể đi lại được, phải gắn chặt với chiếc xe lăn và chỉ có thể giao tiếp qua một thiết bị chuyển giọng nói cũng được ông xem như một điều tốt. “Tôi không phải đi dạy và cũng không phải ngồi vào những ủy ban tẻ nhạt, tốn thời gian. Nhờ đó tôi có thể cống hiến hết sức mình cho việc nghiên cứu”, ông viết.
Nhờ tinh thần lạc quan đó và bộ óc thiên tài của mình, Hawking đã không chỉ sống được thêm 2,5 năm như lời bác sỹ tiên đoán mà lên 55 năm. Ông cũng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có tính đột phá. Cùng với nhà khoa học Roger Penrose, Hawking đã kết hợp thuyết tương đối của Einstein với thuyết lượng tử để chứng minh rằng không gian và thời gian có thể bắt đầu với vụ nổ vũ trụ “The Big Bang” và kết thúc với những hố đen. Hawking cũng phát hiện ra rằng hố đen không hoàn toàn màu đen nhưng phát ra bức xạ và cuối cùng có thể bay hơi và biến mất.
Năm 1974, ở tuổi 32, ông trở thành một trong những học giả trẻ nhất của Hiệp hội hoàng gia - cơ quan nghiên cứu khoa học danh giá nhất của Anh. Hawking cũng là Giáo sư toán học Lucasian tại trường Đại học Cambridge từ năm 1979 đến 2009 – vị trí từng thuộc về Issac Newton. Hawking nổi tiếng khắp thế giới sau khi xuất bản cuốn sách “Lược sử thời gian” vào năm 1988.
Trong suốt hơn 237 tuần, cuốn sách xuất hiện trong danh sách sách bán chạy nhất thế giới được tờ Sunday Times thống kê với khoảng hơn 10 triệu bản được bán ra. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học và sách khác, được nhận 12 huân chương danh dự cùng nhiều phần thưởng cao quý của Anh và các nước.
Câu chuyện về nghị lực vượt lên nghịch cảnh của ông cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới. Chính vì vậy nên thông tin về sự ra đi của ông đã khiến nhiều người bàng hoàng thương tiếc. Thủ tướng Anh Theresa May trong phát biểu tưởng nhớ nhà vật lý nổi tiếng cho rằng ông là một “trí tuệ phi thường và tuyệt vời, một trong những nhà khoa học vĩ đại của thế hệ ông”.
|
Stephen Hawking |
Tại Ấn Độ, Tổng thống Ram Nath Kovind, Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng khoa học Harsh Vardhan đều bày tỏ tiếc thương Hawking. “Thật buồn khi nghe tin nhà khoa học Stephen Hawking qua đời. Trí tuệ tuyệt vời của ông đã khiến thế giới và vũ trụ của chúng ta trở thành một nơi ít bí ẩn hơn. Lòng dũng cảm và sự kiên cường của ông sẽ vẫn là niềm cảm hứng cho các thế hệ”, Tổng thống Ấn Độ viết.
Nhà vật lý lý thuyết và nhà vũ trụ học Stephen Lawrence Krauss trên Twitter ví sự ra đi của Hawking như việc một ngôi sao vừa rời khỏi vũ trụ. Tim Berners-Lee – người sáng lập World Wide Web – thì cho rằng chúng ta đã mất đi một trí tuệ khổng lồ và một con người có nghị lực phi thường.
Hôn nhân không trọn vẹn
Bệnh tật khiến Hawking làm việc chăm chỉ hơn, đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân khiến đời tư của ông không trọn vẹn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của nhà vật lý nổi tiếng này là với một người bạn của em gái ông tên Jane Wilde.
Theo lời kể của bà Jane trong cuốn hồi ký được xuất bản năm 2013, 2 ông bà lần đầu chạm mặt nhau trên phố vào năm 1962. Ngay từ lần đó, bà đã có cảm tình với chàng trai trẻ có mái tóc màu nâu lòa xòa rủ xuống che cả khuôn mặt có vẻ như lạ lùng. Sau cuộc gặp, giữa 2 người dần nảy sinh tình cảm. Khi Hawking được chẩn đoán mắc bệnh nan y và được tiên lượng xấu, Jane vẫn kiên quyết ở bên cạnh ông.
Năm 1964, bất chấp tình trạng của bạn trai cũng như cảnh báo từ một người bạn cho rằng bà chuẩn bị kết hôn với một gia đình điên rồ, Jane vẫn chấp nhận gắn bó với Hawking dù chính mẹ của Hawking mới là người ra sức phản đối. 2 người đính hôn vào năm 1964. Hawking về sau thú nhận việc đính hôn đó giúp ông có lý do để sống. Đám cưới của họ được tổ chức vào tháng 7/1965.
Kể từ khi kết hôn, bệnh tật của ông Hawking ngày một nặng. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi việc trong nhà và gia đình đều dồn lên vai bà Jane. Sau một thời gian chật vật, Jane đề xuất và Hawking đồng ý để các sinh viên đến sống cùng và giúp chăm sóc ông. Nhờ đó mà bà Jane có thời gian để theo đuổi việc học hành của mình.
Trong 14 năm sau khi kết hôn, bà Jane lần lượt sinh 3 đứa con. Năm 1985, Hawking phải nhập viện do bị viêm phổi. Tình trạng của ông xấu đến mức các bác sỹ đề nghị bà Jane cho rút ống thở nhưng bà từ chối và quyết định đưa chồng tới một bệnh viện khác với hy vọng mong manh “còn nước còn tát”. Quả thực, ở đó, ông Hawking được cứu sống nhưng vĩnh viễn mất đi giọng nói của mình .
Dù vậy nhưng cuộc hôn nhân của họ cũng chỉ kéo dài đến năm 1991. Theo lời bà Jane, nguyên nhân là do ông Hawking quá đam mê nghiên cứu, đến mức gần như bỏ mặc gia đình. Thêm vào đó là tình trạng bệnh ngày càng xấu đi của Hawking, những yêu cầu ngày càng quá đáng của ông với bà và cả việc ông không bao giờ chịu chia sẻ về tình trạng bệnh tật của mình với vợ. “Hawking là một đứa trẻ có “cái tôi” quá lớn và ngang bướng”, bà viết trong hồi ký và cho rằng theo thời gian chung sống bà cảm thấy mối quan hệ giữa bà và chồng giống như giữa “nô lệ” và “ông chủ”.
Tuy nhiên, Hawking cho rằng cuộc hôn nhân của họ tan vỡ có một phần nguyên nhân từ bà Jane, khi bà đưa một nhạc sỹ về sống trong nhà của họ. Dù và người nhạc sỹ đều giữ gìn gia đình của riêng họ nhưng Hawking vẫn ngày càng khó chịu về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa vợ với người đàn ông khác. Cuối cùng, năm 1990, ông quyết định chuyển ra ngoài sống cùng với một trong những y tá của ông tên Elaine Mason. Cùng năm, ông ly hôn với bà Jane và đến năm 1995 thì kết hôn với Elaine.
Năm 2006, Hawking và vợ 2 lặng lẽ ly hôn sau 11 năm chung sống. Có những đồn đoán cho rằng Elaine đã bạo hành Stephen nhưng Hawking một mực bác bỏ. Sau đó ít lâu, ông dần trở nên quan hệ gần gũi với vợ cũ. Thời gian này, bà Jane đã tái hôn với người chồng mới nhưng vẫn dành thời gian thăm nom, chồng cũ, giúp ông vượt qua những năm cuối đời trong sự ấm áp của tình cảm gia đình.
Trong cuốn hồi ký “Lược sử của tôi” được xuất bản năm 2013, Hawking kể rằng ông từng cảm thấy vô cùng tồi tệ khi lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh. “Tôi cảm thấy thật không công bằng. Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi? Lúc đó, tôi từng nghĩ rằng cuộc đời mình như vậy là kết thúc. Tôi cũng chưa từng nghĩ bản thân mình có tiềm năng đến đâu. Nhưng giờ đây, sau 50 năm, tôi có thể hoàn toàn mãn nguyện với cuộc đời mình”, ông nói.