Sử dụng lao động trẻ em trong hộ gia đình: Vẫn khó khăn trong thanh tra, kiểm tra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm gần đây hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em ngày càng hoàn thiện; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ngành và sự tham gia của các tổ chức liên quan, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ngày càng nhiều.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Qua khảo sát quốc gia lần 2 năm 2018 của Bộ LĐ-TB&XH về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi đã giảm từ 9,6% năm 2012 xuống còn 5,4% năm 2018 thấp hơn tỷ lệ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 2%. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại và hội nhập toàn cầu; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi tập huấn báo chí, truyền thông về bảo vệ trẻ em và phòng, chống lao động trẻ em do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM tổ chức mới đây, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, vẫn còn tình trạng lao động trẻ em, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp khó khăn trong thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động trẻ em trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Từ đó, dẫn đến tình trạng một số trẻ em phải tham gia lao động để có thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, đặc biệt tại địa phương có trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn thiếu và hạn chế về năng lực; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về lao động trẻ em còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em còn thiếu...

Do vậy, để giảm thiểu, phòng ngừa lao động trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, giảm tỷ lệ lao động trẻ em còn 4,9% vào năm 2025; 4,5% vào năm 2030 thì cần nâng cao nhận thức cho khoảng 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, hộ gia đình đặc biệt; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; cần tăng cường truyền thông, nhất là về nhận thức vị trí, tầm quan trọng của việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong cộng đồng; các vấn đề về kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện như: thể chất, trí tuệ, cảm xúc, giao tiếp xã hội, an toàn thể chất, tinh thần, sinh mạng. Đồng thời, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình là không thể thay thế; kiến thức, kỹ năng của cha mẹ, các thành viên gia đình; kiến thức, kỹ năng của trẻ em, của cộng đồng dân cư, hàng xóm, phòng ngừa và lên tiếng tố cáo…

Đọc thêm