“Sứ giả” của tổ ấm tình yêu

(PLO) - Dù ở nơi biên giới, hải đảo hay nước bạn xa xôi, những cánh thư vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là gia đình các quân nhân như “sứ giả” của niềm tin và tình yêu. Thư đi - thư đến, hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn để xây đắp nên những câu chuyện giản dị nhưng hạnh phúc, ấm áp giữa đời thường.
Chị Duyên đang dạy các con vẽ tranh gửi thư ra đảo Trường Sa cho bố.
Chị Duyên đang dạy các con vẽ tranh gửi thư ra đảo Trường Sa cho bố.
Con đọc nội dung nhờ mẹ viết thư gửi bố
Tháng 6/2015, khi biết tin mẹ là Đàm Thị Duyên (giáo viên ở xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai) sắp ra đảo Trường Sa thăm bố, bé Đặng Anh Kiên (6 tuổi) con trai Thượng úy Đặng Quốc Hiếu (công tác tại đảo Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đã đọc và nhờ mẹ viết lại bức thư gửi bố. Đây là lá thư đầu tiên của bé Kiên gửi cho bố, cũng là món quà đặc biệt gây bất ngờ, xúc động nhất đối với Thượng úy Đặng Quốc Hiếu từ trước tới nay. 
Quen biết rồi yêu nhau từ ngày còn là sinh viên, chị Duyên kết duyên cùng anh Hiếu vào năm 2008. Đã 7 năm thành vợ, thành chồng nhưng có đến 5 năm anh Hiếu công tác xa nhà, vì vậy những lá thư tay, cuộc gọi điện thoại trở thành phương tiện kết nối trái tim giữa chồng với vợ, giữa cha và con. 
Năm 2005, khi điện thoại chưa phổ biến, những lá thư đi, đến đã giúp cô sinh viên trẻ tuổi thêm vững tin vào tình yêu của anh bộ đội. Trong mỗi lá thư, họ kể cho nhau nghe những tâm sự buồn vui, dự định trong cuộc sống, học tập và có cả những giận hờn đầy nước mắt, để rồi qua năm tháng, tình yêu ấy lớn dần, đơm hoa, kết trái ngọt. 
Nhớ về quãng thời gian nhiều kỷ niệm với chồng, chị Duyên không giấu được niềm hạnh phúc: “Ngày ấy, mỗi tuần gửi và nhận thư người yêu 1 - 2 lần. Mỗi lần nhận, gửi thư là bao hồi hộp, xao xuyến, mong chờ. Hành động đó lặp lại nhiều lần trở thành thói quen, đến nỗi tôi trở thành khách hàng quen thuộc của bưu điện. Có lần bận không ra nhận thư được, nhân viên bưu điện còn mang thư tới tận phòng trọ giúp tôi. Đến bây giờ, mỗi lần đi qua bưu điện tâm trạng tôi vẫn vẹn nguyên sự bồi hồi xao xuyến đó…”.
Năm 2012 Thượng úy Đặng Quốc Hiếu được đơn vị cử đi công tác tại quần đảo Trường Sa. Đã quen với việc chồng đi công tác xa, vắng nhà nhưng khi biết tin, chị Duyên vẫn không khỏi lo lắng bởi khoảng cách địa lý từ đất liền ra đảo rất xa xôi, cách trở. Giấu tâm tư trong lòng, chị động viên anh yên tâm nhận nhiệm vụ. Ở nhà, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy 2 con, đảm nhiệm tốt công việc tại trường học. Bao khó nhọc, vất vả chị âm thầm vượt qua, không một lời than phiền. 
Những năm gần đây, thông tin liên lạc giữa thân nhân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã có nhiều thuận lợi. Hàng ngày sau giờ làm việc, anh chị vẫn thường trò chuyện qua điện thoại, qua chat với nhau. Những bức thư tay dần thưa vắng nhưng chị Duyên vẫn duy trì thói quen cũ, thỉnh thoảng tranh thủ thời gian rảnh viết thư thăm chồng như một cách đặc biệt để gắn kết tình cảm vợ chồng.
Ngoài ra, chị còn khuyến khích con trai vẽ tranh, viết thư để gửi bố. Trong chuyến ra đảo thăm chồng gần đây, món quà từ đất liền chị mang ra ngoài những sản vật địa phương còn có cả bức thư của con trai cả và 3 bức tranh của con trai út vẽ tặng bố. Những tình cảm ấm áp ấy giúp khoảng cách giữa đất liền với Trường Sa muôn trùng sóng vỗ như ngắn lại, gần gũi hơn.
Nối dài yêu thương như thuở ban đầu
Thời gian gần đây, chị Bùi Kim Thoa (ở tổ 1, phường Bắc Cường, TP.Lào Cai) cũng bận hơn thường lệ. Sau giờ làm việc tại cơ quan, chị Thoa tất tả tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chăm sóc mẹ chồng đang nằm điều trị bệnh. Chồng chị là Đại tá Lê Văn Lương, công tác tại Công ty Hợp tác Quốc tế 705 (Bộ Quốc phòng), đóng tại nước bạn Lào. 
Trong bức thư điện tử gửi cho chồng, chị kể cho anh biết về bệnh tình của mẹ và những lo lắng bởi gần một tuần nay, anh đi làm nhiệm vụ tại cơ sở mà vùng này chưa có sóng điện thoại, chưa có mạng internet. Bức thư chưa tới 500 chữ nhưng chất chứa trong đó nỗi niềm, tâm tư của người phụ nữ một lòng một dạ vì chồng, vì con và luôn tròn đạo hiếu.
Sự cách trở về địa lý và công việc bận rộn khiến anh Lương ít có thời gian nghỉ phép về thăm nhà. Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, thư tay là phương tiện liên lạc chủ yếu giữa hai vợ chồng. Chị tâm sự: “Mỗi tháng, vợ chồng tôi gửi cho nhau 1 - 2 bức thư. Thư anh viết không dài nhưng nội dung cô đọng, tình cảm. Có lần mang thư chồng gửi cho đồng nghiệp xem, mọi người tấm tắc khen anh viết chữ đẹp”.
Cách đây 4 năm, trong dịp anh Lương về phép, con gái lớn của anh chị đã cài đặt, hướng dẫn bố mẹ sử dụng mạng xã hội, thư điện tử để tiện liên lạc, trao đổi thông tin. Dù không phải là bức thư tay truyền thống nhưng những lá thư điện tử ấy vẫn chứa chan tình cảm của những người thân yêu dành cho nhau. Nhờ thư điện tử mà mọi việc trong nhà, ngoài xã hội đều được anh chị bàn bạc, chia sẻ hàng ngày. Tuy vậy, thi thoảng chị vẫn không quên viết thư tay cho chồng, tâm sự với anh mọi vui buồn như cái thuở ban đầu…

Đọc thêm