Sự gian dối trong giáo dục do phụ huynh 'nuôi dưỡng'?

(PLO) - Chuyện "phù phép" điểm thi THPT Quốc gia ở một số tỉnh miền núi phía Bắc khiến không ít người thoảng thốt về sự xuống cấp của giáo dục. Đồng thời với việc lên án những cán bộ vi phạm, câu hỏi được đặt ra: Phải chăng sự gian dối trên còn do phụ huynh "nuôi dưỡng"? Được bao bọc con quá nên những đứa trẻ đến trường ỷ lại việc học và cả tương lai cho cha mẹ?
Phụ huynh đạp đổ công trường Thực nghiệm ở Hà Nội để đăng ký học cho con.

Tình trạng đó không chỉ nằm ở miền núi xa xôi mà ngay ở thành phố, nơi được coi là văn minh. Điều kiện sống tốt hơn khiến nhiều cha mẹ đua ganh, nuôi dưỡng con mình với điều kiện tốt nhất theo cách họ nghĩ  là sẵn sàng bỏ tiền ra với điều kiện thu lại "con phải học trường tốt, điểm cao".

Ở Hà Nội từng có hiện tượng phụ huynh thức cả đêm trước cổng rồi giẫm đạp lên nhau để đăng ký cho con học trường được cho là tốt hơn trường khác. Nếu không đăng ký được, họ sẽ “đi đêm”, bằng quan hệ, mua chuộc, phong bì để đạt được mục đích. Không ít đứa trẻ cứ lớn lên, học lên bằng "tấm thảm" cha mẹ trải sẵn như vậy, không phải quá lo lắng khi đến trường hay chọn trường. Việc học hành không còn là nỗ lực của trẻ nhỏ mà là nỗ lực của cha mẹ. 

Nghề giáo vốn được xã hội rất coi trọng, hình ảnh người thầy vốn rất trang nghiêm đã bị ảnh hưởng do một số cá nhân dễ dãi, chịu khuất phục bởi sức mạnh của đồng tiền, bởi quan hệ, chỉ đạo từ cấp trên. 

Không ít phụ huynh và cán bộ, giáo viên đã tiếp tay, nuôi dưỡng sự gian dối trong giáo dục như vậy.

Ngược dòng lịch sử, năm Tân Sửu (1841), Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, chữa văn sĩ nhân (cụ thể là chữa 9 chữ trong một số quyển thi phạm húy). Bộ Lễ và Viện Đô sát đã tra xét, nghị tội: Quát và Nhạ phải tội xử tử. Nguyễn Văn Siêu (làm Phân khảo) phải tội trượng, đồ. Chủ khảo và Giám khảo bị cách chức, giáng chức. Vua xét lại, tha cho Quát, Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu. Siêu chỉ bị cách chức, tha cho tội đồ; Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến bị cách lưu làm việc. 5 cử nhân có bài được sửa đều phải thi lại cả ba kỳ và đều được lấy đỗ trở lại" ( sách Đại Nam Thực lục viết)

Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày đi "dương trình hiệu lực" (tức đi phục dịch để lấy công chuộc tội).

Đây là cách mà Triều đình nhà Nguyễn xử phạt những người phạm tội sửa bài cho thí sinh để nói rằng luật pháp người xưa dành cho tội gian dối trong giáo dục rất nặng nề. Nên ngày xưa người có đỗ đạt đều có trình độ thực chất, việc gian dối trong thi cử rất hiếm có.

Chuyện gian dối điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La đã phơi bày. Cách nhìn nhận của xã hội về việc thi cử, chất lượng thi cử nói riêng, về giáo dục nói chung hiện nay thế nào có thể nói tùy thuộc rất lớn vào cách xử lý sai phạm của Bộ Giáo dục - Đào tạo và cơ quan chức năng.