12 dự án kém hiệu quả của ngành Công thương - Bài học cần phải thuộc

(PLVN) - Báo cáo của Chính phủ gửi các Đại biểu Quốc hội mới đây đã cập nhật việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương.
12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương nợ hơn 63.300 tỷ đồng.
12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương nợ hơn 63.300 tỷ đồng.

Theo đó, báo cáo của Chính phủ cho biết: Đến nay, số liệu thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước của 12 doanh nghiệp/dự án thuộc Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương chưa được xác định đầy đủ.

Lý do là có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Do đó, chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án nêu trên. Theo số liệu, ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương vẫn khá ảm đạm.

Trong đó, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 7.200 tỷ đồng. Tổng tài sản là trên 59.100 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng. Đáng nói, lỗ lũy kế của các dự án này lên đến trên 26.300 tỷ đồng. Như vậy là, không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà những vấn đề pháp lý nảy sinh của 12 dự án này cũng vô cùng phức tạp, chưa biết đến bao giờ giải quyết được rốt ráo.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với đầu tư công trong vài thập kỷ qua luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư công trong một thời gian tương đối dài. Bài học thành công và thất bại như 12 dự án “đắp chiếu” cho thấy cần xem xét chính sách đầu tư công một cách toàn diện, dài hạn và đồng bộ để định hướng cho giai đoạn tiếp theo.

Một thời “hội chứng”, chúng ta đã đầu tư dàn trải. Chính sách đầu tư cần đạt hiệu quả, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không muốn làm, không đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân đang hoạt động để bảo đảm không có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế. Với hình thức PPP, cũng cần tính toán cẩn trọng hài hòa với lợi ích của khu vực tư nhân tham gia đầu tư công.

Bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng, bắt buộc phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Cần có một trật tự ưu tiên, phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm. Rõ ràng, sớm có bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư, là cần thiết.

Ngoài ra, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát. Bên cạnh việc giám sát tại cơ sở, địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình, từ đó làm rõ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.