16 nghìn tỷ chống đại dịch, đừng cơ hội trục lợi, kiếm chác

(PLVN) - Hàng chục nghìn tỷ được chi cho phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó không ít là danh cho mua sắm trang thiết bị y tế. Nếu không kiểm soát chặt, tình trạng chi tiêu vô tội vạ, gây lãng phí ngân sách sẽ xảy ra.

Cảnh báo tình trạng lãng phí trang thiết bị y tế

Tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ dự kiến phải tăng chi khoảng 52 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống, dập dịch, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội.

Trong đó, khoảng 12-16 nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế; thực hiện một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 (phụ cấp cho lực lượng phòng chống dịch, tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly,... ).

Mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch là điều không phải bàn cãi. Nhưng mua với giá nào, số lượng ra sao là điều cần phải minh bạch, rõ ràng để tránh trục lợi, tham nhũng, lãng phí ngân sách.

Thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế đã dính phải không ít điều tiếng, rõ nhất đã được thể hiện trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước hồi năm 2018.

16 nghìn tỷ chống đại dịch, đừng cơ hội trục lợi, kiếm chác
Việc mua máy xét nghiệm Covid-19 ở nhiều địa phương đang có tình trạng loạn giá.

Qua cuộc kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 và các năm trước sau có liên quan đối với Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Bình Dương), Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện việc đầu tư, mua sắm thiếu kế hoạch, lập danh mục mua sắm chưa sát nhu cầu thực tế, thiếu căn cứ xây dựng giá kế hoạch; công tác đấu thầu thiếu chặt chẽ, khách quan...

Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số đơn vị do chưa xác định nhu cầu cấp thiết hay xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nên khi đầu tư mua sắm chưa đưa vào khai thác, sử dụng hoặc ít sử dụng gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Theo kết quả kiểm toán tại 8 tỉnh, thành phố, tổng số trang thiết bị hỏng, sử dụng còn hạn chế là 1.225 thiết bị với tổng nguyên giá là hơn 371 tỷ đồng, trong đó số lượng trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng là 456 thiết bị, tổng nguyên giá 151 tỷ đồng. Cá biệt, còn khá nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng...

Với hàng nghìn tỷ đồng được chi ra cho việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch, những lo ngại về việc dồn dập mua sắm trang thiết bị nhưng không sử dụng hoặc ít sử dụng, để lãng phí lại dấy lên. Thậm chí nạn rút ruột, nâng khống giá trị để trục lợi sẽ xảy ra. Câu chuyện ở CDC Hà Nội và dấu hiệu ở một số tỉnh vừa qua là tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ.

Mặt trái của chỉ định thầu

Trong cơ chế cấp bách, nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng đã được các đơn vị chi ra để mua trang thiết bị, vật tư y tế bằng hình thức chỉ định thầu. “Chỉ định thầu” là một trong những lý do khiến không ít cán bộ thời gian qua, kể cả lãnh đạo từng nắm chức quyền rất cao dính vào vào lao lý.

16 nghìn tỷ chống đại dịch, đừng cơ hội trục lợi, kiếm chác
Ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong vụ việc ở CDC Hà Nội.

Vụ việc ở CDC Hà Nội với vai trò đứng đầu của Giám đốc Trung tâm Nguyễn Nhật Cảm là minh chứng rõ nhất. Từ đầu năm 2020 đến nay, CDC Hà Nội đã công bố 28 kế hoạch lựa chọn nhà thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 với tổng mức đầu tư là 210 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu thuộc 28 kế hoạch lựa chọn nhà thầu này đều sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch, được chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn. Ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm bị khởi tố cũng vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến việc mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19.

Khi kiểm toán việc mua sắm trang thiết bị y tế, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện hiện tượng chia nhỏ gói thầu để thực hiện chỉ định thầu. Cùng với đó, việc thẩm định kế hoạch, lựa chọn nhà thầu còn mang tính hình thức, bất cập khi xác định theo báo giá do chủ đầu tư thu thập từ các DN cung cấp (không phải là đơn vị nhập khẩu chính thức), thiếu sự phân tích, đánh giá của đơn vị chuyên môn nên chưa phản ánh chính xác, khách quan giá thị trường.

Những kết luận ấy của Kiểm toán Nhà nước giờ đây vẫn còn nguyên giá trị khi đối chiếu với các lùm xùm về mua sắm trang thiết bị y tế gần đây. Nó trùng khớp với những gì một lãnh đạo Sở Y tế giãi bày trên báo chí. Thật khó tin khi một thiết bị được chốt giá 7,2 tỷ đồng, nhưng sau khi “có động” thì giảm xuống còn 4,8 tỷ đồng, thậm chí đơn vị mua hàng vẫn xin trả lại.

Tại báo cáo về công tác đấu thầu hàng năm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Bộ này cũng chỉ ra tình trạng cố tình chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rộng rãi... Hành vi “thông thầu”, “quân xanh”, “quân đỏ”, dàn xếp giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với bên mời thầu...

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 hình thức chỉ định thầu là có số lượng gói thầu lớn nhất với hơn 153 nghìn gói thầu, đứng thứ hai về tổng giá gói thầu với hơn 74 nghìn tỷ. Thế nhưng giá trị tiết kiệm của các gói thầu hình thức này thấp nhất.

Điều đặc biệt là chào hàng cạnh tranh đứng thứ ba cả về tổng số gói thầu, tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu. Còn đấu thầu hạn chế có số lượng gói thầu ít nhất nhưng có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất.

Những dữ liệu trên cho thấy, chỉ định thầu và chỉ định thầu rút gọn vẫn đang được “ưu ái” hơn cả dù không tiết kiệm được bao nhiêu cho ngân sách. Nhưng nó vẫn diễn ra và tồn tại, bất chấp dư luận cũng như pháp luật. Ai cũng hiểu vì sao, chỉ một số người cố tình lờ đi vì lợi ích cá nhân. Tất cả rồi sẽ phải trả giá khi cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Rõ ràng, những số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ để phòng chống dịch Covid-19 đang thử thách sự liêm chính của không ít cán bộ có chức quyền.