Đơn giản thủ tục để hóa giải lãng phí, tại sao không?

(PLO) - Báo cáo của Bộ GTVT và các địa phương cho thấy, tính đến hết năm 2017, tổng số các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm là 82.581 phương tiện, trong đó có 2.433 ô tô, 79.419 mô tô, xe gắn máy và 729 loại phương tiện khác. Trong đó, tổng số các phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ là 52.432, chiếm hơn 63%.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Như vậy có thể thấy, số lượng các phương tiện quá thời hạn tạm giữ là tương đối lớn. Song song với đó là sự lãng phí về vật chất (của bản thân phương tiện, của chủ phương tiện khi phải tìm cái khác thay thế, của đơn vị trông giữ), về nhân lực các bên... Biết vậy, thế nhưng, tại sao sự lãng phí này không hóa giải được?

Hiện nay có thể thấy, đối với các giải pháp xử lý phương tiện vi phạm hiện đang rất vướng mắc. Như khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ tang vật để các định giá trị tài sản không được quá 24h kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ là chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là những phương tiện tự chế. Bởi trong các trường hợp này, việc xác định giá phương tiện gặp nhiều khó khăn và thường phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá. 

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm, nên khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ luôn phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mới được thực hiện thủ tục xử lý phương tiện dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ kéo dài. 

Còn theo khoản 7 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định. Không thu phí lưu kho, phí bến bãi và phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi, hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện...

Những quy định này khi áp dụng vào thực tế đã đặt ra câu hỏi: Ai phải chịu chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác đối với các trường hợp người vi phạm vì lý do nào đó không đến xử lý theo đúng thời hạn, quá thời hạn tạm giữ quy định khi pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể? 

Đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc mà lực lượng thực thi pháp luật thường gặp phải trong quá trình thực hiện do quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các lực lượng chức năng không có đủ kho, bãi, phải hợp đồng thuê kho bãi ở bên ngoài, chi phí phát sinh rất lớn. Mặt khác, kinh phí cho việc thanh lý phương tiện bị tạm giữ còn hạn chế, trong khi thủ tục thanh lý rườm rà, phức tạp....

Mới đây, ngày 5/7 tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị  Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính đề xuất quy định đơn giản hoá thủ tục xử lý phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn mà chủ phương tiện không đến thực hiện quyết định xử phạt (hoàn thành dứt điểm trong năm 2018). 

Được biết, cũng liên quan đến đề nghị này, trước đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất đơn giản hóa thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và giảm các chi phí không cần thiết. Đơn cử, sẽ rút ngắn thời gian, số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để xác minh chủ sở hữu đối với các phương tiện vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý phương tiện vi phạm. 

Đối với các phương tiện có giá trị thấp mà chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp không đến nhận lại hoặc phương tiện không đủ điều kiện kỹ thuật tham gia giao thông (xe bị đục số khung, số máy, thay đổi kết cấu...) thì có thể tiến hành ngay các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh hư hỏng, tồn đọng phương tiện. Đối với các phương tiện cũ nát, hư hỏng, không còn giá trị thì nên tịch thu tiêu hủy, vì nếu thực hiện thanh lý, các phương tiện tiếp tục được sử dụng để lưu thông sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bộ Tư pháp cũng kiến nghị các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ GTVT nghiên cứu quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký xe cần có các thông tin cần thiết của chủ xe như ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cụ thể, chi tiết.