Dự thảo luật phải chính xác, rõ ràng

(PLO) - Dự thảo một thông tư về điều kiện hành nghề, sản xuất, kinh doanh, nhưng lại quy định về đối tượng sử dụng mặt hàng này. Đó là khoản 3, Điều 4 trong Dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm định vị nhưng lại mở rộng phạm vi điều chỉnh sang những người sử dụng nó, cụ thể chỉ các cơ quan chuyên trách là được dùng thôi.
Dự thảo luật  phải chính xác, rõ ràng

Quy định tại Dự thảo này đã dấy lên một mối lo ngại không nhỏ trong dư luận và cũng đã có nhiều ý kiến phản bác quy định này. Lo ngại, bởi việc ghi âm, ghi hình “tự phát” đã là một phương tiện hữu hiệu lưu chứng cứ, tố giác tội phạm, phục vụ công tác điều tra, đặc biệt có tác dụng trong việc phòng chống tội phạm tham nhũng. Phản bác, bởi quy định này có thể trái luật, vi hiến và gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Chỉ có thế thôi nhưng tốn kém không ít giấy mực, thời gian về vấn đề gây tranh cãi này.

Thực ra, bình tâm hơn một chút thì chẳng phải đến mức làm dư luận “dậy sóng” đến thế. Đơn giản, đây là một thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, nếu “lấn sân” sang lĩnh vực khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư đó thì loại bỏ, tất yếu là vậy. Dù người dự thảo có cố tình đưa vào thì cũng chỉ là một động tác thừa, “thăm dò dư luận” mà thôi. Giống như chuyện người ta quy định điều kiện việc sản xuất vũ khí nhưng không thể cùng trong cái văn bản pháp luật ấy, “tiện thể” quy định luôn cả đối tượng nào mới được dùng vũ khí. Cái này đã có văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

Mặt khác, cũng cần đọc kỹ hơn cái quy định “tiện thể” này và cố gắng hiểu nó một cách chính xác nhất. Đây là “thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị”, vậy nếu có cấm dùng thì chỉ đối với những công cụ “ngụy trang” thôi, còn những thiết bị mà ta thường sử dụng như điện thoại có chức năng ghi âm, ghi hình hoặc máy ghi âm, máy quay ca-mê-ra,... thì đâu có phải “ngụy trang” gì, hoàn toàn có thể sử dụng theo ý muốn của mình.

Tất cả những vấn đề đó được làm sáng tỏ và trở nên đơn giản, dễ hiểu sau câu trả lời của đại diện Bộ Tư pháp trong một cuộc họp báo về vấn đề này. Chốt lại, phạm vi điều chỉnh của thông tư này là điều kiện kinh doanh chứ không phải giới hạn người sử dụng, quy định này nằm ngoài phạm vi đó.

Điều đọng lại là bài học kinh nghiệm về việc soạn thảo, xây dựng các văn bản pháp luật cho đúng với phạm vi điều chỉnh, không gây mâu thuẫn với “luật mẹ” và các luật khác, văn phong càng sáng sủa, rõ ràng, đơn giản càng dễ hiểu càng tốt. Với trường hợp cụ thể trên đây thì việc tiếp tục tranh cãi không còn ý nghĩa nữa!