Ghét ở cái thái độ

(PLO) - Khi đưa các người đẹp vào chương trình bình luận bóng đá World Cup hoặc nữ dẫn chương trình dự đoán kết quả mặc đồ lót, có lẽ ý đồ của nhà đài là tốt, muốn mang lại sự mát mẻ trong một mùa hè nóng bỏng và sôi động cùng bóng đá. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Song le, việc đưa hình ảnh phụ nữ đẹp, ăn mặc hở hang lên phương tiện truyền thông đã là “thủ pháp” cũ lắm rồi và không chỉ dư luận phê phán mà cả những nhà quản lý, nhà văn hóa cũng chỉ trích, coi đó là cách “câu khách’ rẻ tiền, chạy theo thị hiếu thiếu lành mạnh trong một bộ phận xã hội, thậm chí còn cho là lợi dụng thân xác phụ nữ,...

Hoàn toàn đây không phải sự sáng tạo cũng như làm mới để hấp dẫn người xem, phục vụ công chúng. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng đây là sự sáng tạo của nhà đài và nếu chỉ trích là ngăn trở sự sáng tạo. 

Nếu chỉ trích ngăn trở sự sáng tạo hay áp dụng công nghệ mới để đạt tới sự công bằng thì đúng với trường hợp các ý kiến chê bai “trọng tài VAR” – công nghệ xác thực trong những trường hợp còn nghi ngờ phạm lỗi gây nên những quả phạt 11m. Họ cho rằng như thế “làm mất vẻ đẹp của bóng đá”, “xóa đi những trường hợp gây tranh cãi vốn là một phần của bóng đá”. Có người còn phát biểu trên truyền hình là mong trở lại cái thời mà Maradona ghi bàn bằng tay, họ tiếc không còn được chiêm ngưỡng “bàn tay của Chúa”(?!). Một sáng kiến áp dụng công nghệ để đảm bảo sự công bằng cho những phán quyết tại sao lại bị chê bai trong khi chính sự công bằng trong thi đấu bóng đá là yếu tố hấp dẫn người xem bởi sự công khai, diễn ra dưới mắt hàng triệu người, sự thiên vị của trọng tài ngay lập tức nhận được sự la ó từ phía khán đài.

Một diễn biến khác, không thuộc bóng đá, xảy ra trong xã hội chúng ta nhưng cũng được rất nhiều quan tâm và... chỉ trích. Đó là đoạn video dài 4 phút quay cảnh ông Bí thư Huyện ủy vào nhà nghỉ với nữ cán bộ tỉnh.

Ông này lý giải với báo giới là chỉ uống cà phê với những người bạn, chị cán bộ này đau bụng nên phải thuê phòng nằm nghỉ, ông chỉ lên thăm “xức dầu gió” mà thôi,... đáng chú ý là ông đổ cho mình bị “gài bẫy”. Tuy nhiên, chẳng ai tin ông cả bởi đã có nhiều trường hợp tương tự như vậy xảy ra được giải thích, nếu với thẩm phán là “tư vấn pháp luật”, với cán bộ là “tâm sự trong sáng” hoặc “trao đổi công việc”.

Thà rằng cứ như một quan chức bóng đá Việt Nam khi bị phát hiện qua đêm với gái trẻ trong khách sạn thì thừa nhận đó là “tình yêu đẹp” và từ chức luôn thì dư luận chẳng thèm để ý gì nữa. Đằng này, cứ ra sức biện minh thì càng lòi ra sự thật. Cách ứng xử văn hóa trong trường hợp này là nên giữ im lặng và xin từ chức là biểu hiện sự tôn trọng bản thân mình, tôn trọng mọi người chung quanh, tôn trọng cái địa vị xã hội và cương vị công tác của mình đang đảm trách.