Lạm dụng 'quyền lực ảo'

(PLVN) - Mạng xã hội đã trở thành nơi “cư ngụ” của nhiều mạnh thường quân, nhiều Lục Vân Tiên và cũng là nơi nhiều người gửi gắm tâm sự, cầu xin cứu giúp, mong đòi công bằng. Nhưng, không ít lần, sức mạnh ấy đi quá đà, bị lạm dụng, tạo nên những hệ lụy không hay.
Người phụ nữ bị hiểu nhầm bắt cóc bé trai 2 tuổi bức xúc khi hình ảnh, thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ trên mạng với những lời chửi mắng cay nghiệt.
Người phụ nữ bị hiểu nhầm bắt cóc bé trai 2 tuổi bức xúc khi hình ảnh, thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ trên mạng với những lời chửi mắng cay nghiệt.

Nói cách khác, khi mục đích "giải cứu" được dùng đúng nơi, đúng lúc sẽ tạo được nhiều câu chuyện đẹp. Nhưng, một khi “quyền lực” ấy bị lạm dụng, thì sẽ là những hậu quả khó lường.

Như câu chuyện đang "nóng hổi" gần đây, sự việc hai vợ chồng diễn viên Tr. H. chia tay trong ồn ào. Sự việc được biết đến khi người vợ, vốn là một cô giáo, hot girl tung hê lên mạng tất cả những bằng chứng từ clip, ghi âm cho thấy người chồng ngoại tình, đối xử tệ hại với vợ và gia đình vợ.

Một làn sóng “đòi công bằng” cho người vợ, tấn công anh chồng diễn viên và gia đình anh ta nổ ra, khiến anh này bị áp lực, khủng hoảng tinh thần. Chân dung của "kẻ thứ ba" cũng bị đào bới lên, chửi bới với tất cả những lời sỉ vả, xúc phạm nặng nề. Đến khi người chồng và gia đình bắt đầu lên tiếng tố cáo ngược vợ cũ bịa chuyện, dàn dựng clip và kêu cứu thì một bộ phận cư dân mạng lại “quay mũi giáo” tấn công cô vợ nọ.

Không ít lần khác, với "một nửa sự thật", cư dân mạng đã ồn ào "đòi công bằng" tấn công những người liên quan. Hay có những lúc, sự nhiệt thành, giúp đỡ trở nên quá đà, quá mức cần thiết, không đúng người đúng việc. Để đến khi sự thật được hé lộ, bộ phận cư dân mạng hàm hồ đã bị "dắt mũi" bởi những kẻ muốn mượn mạng ảo để thực hiện những ý đồ xấu: Trả đũa, hãm hại người khác, trục lợi tiền bạc, thậm chí chỉ là trò đùa...

Hay như những câu chuyện thường gặp giữa mùa Covid này: Những bệnh nhân mắc Covid-19 bị chia sẻ rộng rãi lịch trình di chuyển, kèm thêm phân tích, bình luận, thậm chí suy diễn. Có trường hợp bị "chế" là ghé vào nhà "bồ nhí" có trường hợp hàng xóm lây nhiễm, bị đồn là ngoại tình...

Nhân danh sự "trừng phạt" những người đã nhiễm Covid-19 có nguy cơ lây cho cộng đồng, một bộ phận cư dân mạng quá khích không tiếc lời bịa đặt, xúc phạm nặng nề đến các bệnh nhân. Nhiều trường hợp báo chí đăng bài viết tắt tên họ người bệnh, lập tức những người trùng tên, cư ngụ khu vực nơi người bệnh bị "vạ lây", bị bêu xấu và tấn công trên mạng.

Hay như vụ việc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc mới đây. Đằng sau sức mạnh giúp đỡ mà cộng đồng mạng đem lại, cũng có mặt trái không hay. Một phụ nữ ở cùng phòng với nghi phạm bắt cóc bị tung hồ sơ lên mạng, mọi người cho chị là kẻ bắt cóc, kéo nhau vào tấn công trang cá nhân, số điện thoại của chị này, khiến nạn nhân ngơ ngác sợ hãi không biết vì sao mình đột nhiên bị chửi bới, lăng mạ.

Mạng ảo, tình người là thật. Nhưng ở một khía cạnh khác, mạng ảo, tổn thương lại là có thật. Đem đến những cuộc giải cứu đầy nghĩa hiệp, đem đến những câu chuyện đầy tình người, hay gieo rắc bạo lực tinh thần, tổn hại và đớn đau, cũng từ mạng ảo mà ra.

Điều đó phụ thuộc vào những con người thật, ngồi trước bàn phím, dùng con chữ để viết lên điều tốt đẹp hay xấu xa. Điều này đòi hỏi ở cư dân mạng sự tỉnh táo, sáng suốt và biết đâu là giới hạn, đâu là điểm dừng cần thiết của lòng tốt, nghĩa hiệp hay đấu tranh chống lại bất công.