'Mỏ vàng' của Đà Nẵng

(PLVN) - Bài phát biểu cuối cùng tại kỳ họp HĐND TP trên cương vị Chủ tịch Đà Nẵng của ông Huỳnh Đức Thơ vào sáng 9/12/2020 vừa qua gây chú ý dư luận khi đã nói thẳng vào vấn đề “mỏ vàng Đà Nẵng” và “tập trung giải phóng nguồn lực đất đai”.
Trước khi rời ghế Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng trước hết, TP cần tập trung giải phóng, đưa vào sử dụng nguồn lực đất đai.
Trước khi rời ghế Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng trước hết, TP cần tập trung giải phóng, đưa vào sử dụng nguồn lực đất đai.

Trước khi rời ghế Chủ tịch UBND Đà Nẵng, ông Thơ cho rằng trước hết, TP cần tập trung giải phóng, đưa vào sử dụng nguồn lực đất đai.

“Đây thực sự là mỏ vàng nguồn lực của thành phố, có thể tạo ra nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, tạo việc làm và tăng trưởng (…) Việc khó nhất là công tác giải phóng mặt bằng, mở mang các khu đô thị thì TP đã làm được, vấn đề bây giờ là cách khai thác đất đai hiệu quả, đưa vào thu hút đầu tư”, ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng đề cập đến thực tế hiện nay nhiều khu đất và dự án còn treo lại vì nhiều vướng mắc, dẫn đến sự lãng phí tài nguyên rất lớn. Trong khi đó, TP cần nguồn vốn rất lớn cho nhu cầu đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, tái thiết đô thị. “Nhiều năm qua, UBND TP đã đưa ra các đề xuất tháo gỡ, triển khai kế hoạch đưa đất vào sử dụng nhưng kết quả chưa như mong muốn”, ông Thơ nói.

Ông Thơ cho rằng những năm qua Đà Nẵng đã trải qua nhiều biến động với “một giai đoạn oằn mình, vừa đấu tranh, vừa sửa sai”; trong đó “nhiều lúc không ít rủi ro và nguy hiểm đến bản thân”.

Theo ông Thơ, giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 5 năm qua, TP đã kiên quyết điều chỉnh các hoạt động quản lý điều hành của chính quyền với quan điểm phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Giai đoạn cuối nhiệm kỳ, TP phải đối diện và giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, với hàng trăm các hồ sơ dự án có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.

TP cũng trải qua biến động về cán bộ chủ chốt từ nửa đầu nhiệm kỳ; nhiều vụ án xảy ra đã có tác động ít nhiều đến thái độ công việc của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, các chủ trương như điều chỉnh hoặc dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất, dự án đầu tư do ảnh hưởng môi trường; khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển… cũng là những thay đổi đáng kể chi phối tư duy phát triển trong nhiệm kỳ qua.

Cần lưu ý về bối cảnh bài phát biểu trên. Trước đó hai ngày, số liệu chính thức công bố cho thấy lần đầu tiên sau hơn 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương (từ năm 1997), kinh tế của Đà Nẵng tăng trưởng âm và kéo giảm tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2020-2025 xuống.

Ít tháng trước đó, hai đời cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phải hầu tòa, nhận mức án nhiều năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý đất đai.

Nhiều năm nay, liên tục nhiều cuộc thanh kiểm tra, điều tra cũng đã phát hiện ra hàng loạt những sai phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai tại Đà Nẵng. Hậu quả của những vụ án này chưa biết đến khi nào mới có thể khắc phục.

“Cơm không ăn, gạo còn đó”. Điều quan trọng hơn là phải hiểu, áp dụng pháp luật đúng đắn để đất đai Đà Nẵng thực sự trở thành “mỏ vàng” hợp pháp, nguồn lực hợp pháp.