Môi trường bị “bức tử” vì bãi rác Đèo Sen

(PLO) - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân đang phải sống chung với ruồi muỗi và các mầm bệnh, cùng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác. Nghiêm trọng hơn, mỗi ngày có hàng trăm mét khối nước thải rỉ rác đen kịt chảy trực tiếp ra vịnh Hạ Long. 
Nước thải rỉ rác đen kịt, hôi thối được xả thẳng ra môi trường.
Nước thải rỉ rác đen kịt, hôi thối được xả thẳng ra môi trường.

Bỏ mặc người dân sống trong nỗi thất vọng

Được đưa vào hoạt động từ năm 2006, đến nay bãi rác khu Nghĩa trang Đèo Sen thuộc Cty Môi trường đô thị TP Hạ Long tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long đã trở thành núi rác khổng lồ, rộng tới 6,8 ha và chứa hàng 100 nghìn tấn rác được chôn lấp từ 10 năm nay khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây thực sự nghiêm trọng.

Từ năm 2013, vì không thể chịu được mùi hôi thối và lo sợ sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, 26 hộ dân thuộc khu 3 làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền mong được khẩn cấp “giải cứu”. 

Thế nhưng, lời “cầu cứu” từ năm 2013 của 26 hộ dân vẫn không được các cấp, các ngành và đặc biệt là Công ty Môi trường Hạ Long xem xét và có phương án khắc phục, đảm bảo môi trường sống cho người dân. Trong khi, cứ vào những ngày mưa bão, mực nước trong bể chứa nước rỉ thải rềnh lên, chảy tràn vào nhà dân, gây ngập úng ruộng, vườn khiến người dân rất bức xúc. Cùng với đó, nhiều người dân bắt đầu mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, ngoài da, nhiều người thường xuyên bị chóng mặt, nhức đầu… không rõ nguyên nhân.

Trao đổi với anh Nguyễn Lâm Tặng, người sống cách bể chứa nước thải vài chục mét, anh Tặng cho biết, hiện nay bãi rác này ô nhiễm rất nặng nề, mùi hôi thối đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu nhiều lần, nhưng không có chuyển biến gì mà ngược lại ngày càng ô nhiễm hơn, nhiều hộ dân đã chuyển đến sinh sống nơi khác, còn tôi vì điều kiện khó khăn nên bắt buộc vẫn phải để gia đình sống tại đây, điều mong mỏi lớn nhất là được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sớm xem xét, cứu lấy cuộc sống của người dân nơi đây.

Đến thời điểm hiện tại, người dân cho biết môi trường tại đây ô nhiễm đến mức ăn cơm cũng phải mắc màn và đeo khẩu trang cả lúc đi ngủ, nhà dân phải đóng cửa cả ngày vì sợ ruồi muỗi gây bệnh dịch.

Hiện lượng rác đang chôn lấp gần 200 tấn/ngày, diện tích chôn lấp có hạn, do đó bãi rác được chất lên ngày càng cao. Môi trường nước, không khí bị ô nhiễm tới mức báo động đỏ, mỗi ngày có hàng trăm mét khối nước thải rỉ rác đen kịt chảy trực tiếp ra moong nước Thành Công, từ moong này thoát ra cống Hai Cô và chảy thẳng ra vịnh Hạ Long. Kế hoạch đóng cửa bãi rác được công bố từ lâu nhưng đến nay không thay đổi gì khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Doanh nghiệp gian dối, chính quyền thiếu trách nhiệm

Theo phản ánh của người dân sống xung quanh bãi rác, mặc dù đã thấy lực lượng chức năng vào cuộc nhưng tình hình ô nhiễm vẫn không được cải thiện, bãi rác trở thành núi rác khổng lồ tiến dần bao vây khu dân cư giáp gianh, làm đảo lộn cuộc sống và đe dọa đến sức khỏe người dân.

Còn nguyên nhân được Cty Môi trường đô thị TP Hạ Long liên tục giải thích do hệ thống thoát nước thải, khí thải sử dụng lâu ngày nên đã bị hư hỏng nhiều, các bể xử lý và chứa nước rỉ rác thải đã bị xuống cấp sau nhiều năm hoạt động quá tải, vượt công suất thiết kế. 

Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị, người dân đã chỉ đích danh và có bằng chứng khẳng định, nguyên nhân gây ô nhiễm phần lớn do bãi rác thải chôn lấp không có đủ bạt lót đáy, khối lượng đất dùng để lấp không đủ kín rác, đặc biệt là 5 bể lắng nước thải ngày càng bốc mùi hôi thối nồng nặc khi nắng nóng và nghi ngờ về hoạt động của bể xử lý nước rỉ thải.

Bằng chứng đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây đã phát tán rộng hơn, ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, hiện số hộ dân chịu ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường đã lên đến 185 hộ, từ khu 3 và lan sang khu 4 của phường Hà Khánh. 

Theo quy định đối với những bãi rác có công suất 20.000 - 50.000 tấn/năm như bãi rác Đèo Sen thì khoảng cách đến khu dân cư phải từ 3 - 5 km. Trên thực tế, khoảng cách từ bãi rác Đèo Sen đến khu dân cư xung quanh chỉ vài trăm mét, một số nhà chỉ cách bãi rác vài chục mét. Từ nhiều năm nay, người dân ở đây không dám sử dụng nước giếng khơi. 

Ngày 18/7/2016, 185 hộ dân đã cùng nhau ký tên gửi lên  UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan báo chí để phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn của bãi rác Đèo Sen. Sau một tuần, ngày 26/7 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 4459 chỉ đạo UBND T.P Hạ Long.

Văn bản chỉ đạo rõ: “Giao cho UBND TP Hạ Long căn cứ quy định của pháp luật, kiểm tra, xem xét, nội dung kiến nghị của các hộ dân, chỉ đạo đơn vị xử lý rác có kế hoạch xử lý, giải quyết trước mắt nguồn rác thải và xử lý khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, nguồn nước, không khí để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân trên”.

Chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể ở bãi rác này. Trong khi, từ năm 2009 đến nay, Cty Môi trường đô thị TP Hạ Long đã nhiều lần bị lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra, kết luận có nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường tại bãi rác này. Sai phạm phổ biến như, Công ty không dùng phương pháp hóa học, sinh học theo quy định để xử lý nước thải, nước thải được xả qua rãnh hở ra hồ và chảy ra biển.

Bên cạnh đó, không phân loại rác thải trước khi chôn lấp, không dùng chôn lấp rác thải cuối ngày, việc sử dụng chế phẩm vi sinh, vôi bột, thuốc diệt ruồi không đủ liều lượng, nhiều điểm đổ rác đã dừng đổ thải nhưng không chôn lấp…

Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi xây dựng nhà máy xử lý rác thải mới, quá trình xử lý rác thải tại khu vực Nghĩa trang Đèo Sen của Cty Môi trường TP Hạ Long cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt rất cần có sự tham gia giám sát của chính người dân sống xung quanh khu vực ô nhiễm.