Phạt nặng lái xe có nồng độ cồn - không để trục lợi chính sách

(PLVN) - Ngày 30/12/2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới và Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. 

Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Cao hơn so với mức xử phạt của Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng….

Trả lời báo chí về vấn đề phạt nặng người uống rượu bia thì sẽ nảy sinh sự lo ngại về vấn đề “chung chi” giữa người vi phạm và lực lượng chức năng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu quan điểm: “Giám sát về việc này không chỉ riêng Quốc hội, hay cơ quan có thẩm quyền nào, mà cần có sự tham gia giám sát của toàn dân dưới góc độ phản biện xã hội. Nếu thấy lực lượng CSGT làm không đúng, người dân hoàn toàn có thể chụp ảnh, quay phim phản ảnh… Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý đến nơi đến chốn, và cũng phải thông qua việc này mà làm trong sạch đội ngũ tác nghiệp”. 

“Trong dư luận hiện nay, theo tôi được biết thì lòng tin của người dân với lực lượng CSGT chưa được tốt. Cho nên mấy anh đã ra quân thì phải làm cho tốt, cho công khai minh bạch và cho đàng hoàng. Thực hiện quy định xử lý này phải làm lâu dài, bền vững chứ không phải ra quân vài bữa cho có phong trào, sau đó đâu vào đấy rồi lợi dụng, lạm dụng, làm méo mó chính sách cũng như hình ảnh của người CSGT, như vậy càng không hay”.

Cũng theo ông Đặng Thuần Phong, Bộ Công an và Chính phủ đã tính toán chế độ lương bổng và những bồi dưỡng ca kíp của lực lượng công an, so với nhiều lĩnh vực khác cũng tương đối tốt. Tuy nhiên ở đây là lo ngại sự lợi dụng và lạm dụng chính sách trục lợi. Đương nhiên sự lo ngại này thì lĩnh vực nào cũng có. Muốn ngăn chặn tình trạng này, dư luận phải lên tiếng, giám sát phản biện xã hội với một quyết tâm nỗ lực cao. 

Bên cạnh đó những cán bộ chiến sĩ vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, chứ không thể vi phạm đầu này lại chuyển sang đầu kia, trạm này chuyển trạm kia, như vậy là không đàng hoàng, người ta không phục. Trục lợi chính sách, ăn đút lót với nhau thì đó cũng là hình thức tham nhũng. Đã vi phạm thì tùy theo mức độ, nếu phát hiện được phải xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, cho ra khỏi ngành, như vậy mới có thể đem lại lòng tin cho nhân dân và đảm bảo tính răn đe.