Sứ mệnh cao cả, trách nhiệm lớn lao

(PLO) -Hôm nay - 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, cả đất nước tôn vinh người thầy, tỏ lòng tri ân và khẳng định giá trị cao quý của nghề nghiệp dạy học. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Sứ mệnh của giáo dục là tạo nên những thế hệ của tương lai, được cho là quốc sách, bởi nhân tố con người quyết định sự thành bại, hưng vong của cả một quốc gia và dân tộc mà chính giáo dục làm nên nhân tố đó. Sứ mệnh cao cả đó được trao cho đội ngũ giáo viên và từng người thầy cụ thể, gánh vác trách nhiệm lớn lao này trước hết thuộc về những cán bộ quản lý giáo dục. 

Ngay tại thời điểm này, những vấn đề cần sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục vẫn đang ngổn ngang trên bàn nghị sự Quốc hội. Triết lý giáo dục - vấn đề Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập từ vài năm trước giờ lại vang lên trên diễn đàn Quốc hội như một câu hỏi cần có lời giải đáp. Nguyên lý giáo dục đã thể hiện rất rõ ràng song nguyên lý đó thay đổi theo từng thời kỳ, do đó, sự ổn định trong giáo dục thiếu bền vững và những thay đổi liên tục khiến dư luận hoang mang. Những tiêu cực trong ngành Giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều và vì thế niềm tin vào giáo dục đã suy giảm cùng với sự kính trọng ông thầy vốn là truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc.

Chúng ta có một hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh, song quá nhiều “mũi nhọn” nên khá dàn trải. Có lẽ, cần tập trung vào một “tiêu điểm” là giáo dục phổ thông. Chính giai đoạn này hình thành nên nhân cách con người với một quan hệ thầy - trò đúng nghĩa, khác với quan hệ sinh viên - giảng viên ở quá trình đào tạo cao đẳng, đại học. Căn cơ của nền giáo dục là tại bậc học phổ thông, đúng với tinh thần giáo dục, mối quan tâm của triết học giáo dục, nơi cung cấp và trang bị tri thức, đạo lý và những kỹ năng sống làm người.

Giáo dục phổ thông đúng hướng, hiệu quả thì ắt là thuận lợi lớn cho giai đoạn đào tạo về sau hoặc trực tiếp bước vào đời khi các công dân tốt nghiệp phổ thông năm 18 tuổi. Giáo dục không gì khác là truyền thụ và tiếp thu đạo lý và nhân bản, tri thức và văn hóa, bao gồm tinh hoa của nhân loại, truyền thống của dân tộc mà hình thành nhân cách của con người, lý tưởng và cách sống của từng cá nhân cụ thể, nhân sinh và nhân văn.

Gánh vác trọng trách này là đội ngũ các người thầy được đào tạo một cách cơ bản, có chọn lọc, được trang bị kiến thức nghề nghiệp và đặc biệt là có đầy đủ phẩm chất người thầy. Đặc điểm nổi bật của nghề dạy học cao quý là mô phạm, thanh bạch, trọng đạo lý, yêu con trẻ, thể hiện bằng một lối sống mẫu mực. Sự kính trọng người thầy bắt nguồn từ đây và lòng biết ơn xuất phát từ cái dắt tay vào đời, thành người do sự giáo dục, làm gương của những người thầy đó.

Tôn vinh người thầy đúng nghĩa là tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, tôn nghiêm, “thầy ra thầy, trò ra trò”, đảm bảo mọi điều kiện để người thầy thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm lớn lao của mình là “trồng người” cho các mùa vụ tương lai.