Thực chất, thực chất và thực chất

(PLVN) - Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) lần thứ X vừa kết thúc, được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến dự và chỉ đạo.
Các đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.
Các đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội TĐYN lần thứ X là dấu mốc quan trọng trong phong trào TĐYN của cả nước. Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực trong phong trào TĐYN 5 năm 2016 - 2020, chúc mừng các đại biểu, điển hình tiên tiến được tôn vinh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý những hạn chế, khuyết điểm của phong trào TĐYN, trong đó hạn chế lớn nhất là chưa kịp thời phát hiện những gương tiên tiến điển hình xứng đáng, công tác khen thưởng chưa kịp thời, khen thưởng cho công nhân, nông dân có nhiều sáng kiến chưa hiệu quả, nhất là những quyết định khen thưởng ở mức cao…Muốn khắc phục hạn chế, một trong các yêu cầu là “Cán bộ thi đua cần có đạo đức trong sáng, gần dân”.

Về những nhiệm vụ của phong trào TĐYN 5 năm 2021 - 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, yêu cầu; trước hết là thi đua xây dựng phát triển thể chế chính trị một cách bền vững, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực.

Các bộ, ban, ngành thi đua đổi mới hệ thống pháp luật đồng bộ, nghiêm minh, phục vụ nhu cầu phát triển theo hướng hiện đại, thực hiện chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh…Đã nhiều lần, Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu “Thể chế, thể chế và thể chế” xem như “chìa khóa” của động lực, sáng tạo và phát triển. Thủ tướng khuyến khích lĩnh vực thi đua đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, tạo không gian sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới con người Việt Nam.

Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu thành nước công nghiệp phát triển cơ bản, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 thành nước có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 thành nước phát triển, có mức thu nhập cao. Mục tiêu này đặt ra trong bối cảnh có nhiều thách thức, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, khu vực ngày càng gay gắt, bệnh dịch diễn biến phức tạp..., ,tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới. Do vậy không hề đơn giản. Nói như thế để thấy rằng, nhiệm vụ của phong trào TĐYN 5 năm tới vô cùng nặng nề.

“Thi đua phải vững, phải thực chất, thi đua là vì lợi ích cho mình, cho gia đình, cho làng xã, xóm thôn mình… Cần tận dụng cơ hội chuyển đổi số, phương thức sản xuất tiêu dùng toàn cầu để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, ngày càng phát triển, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, 2021 - 2025” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu yêu cầu.

Phong trào TĐYN không đi vào thực chất, không trở thành hành động hàng ngày, gắn lợi ích của từng cá nhân với gia đình, làng xã, xóm thôn nơi mình sống thì rất khó tạo động lực thi đua. Bao giờ cũng vậy, thực chất mới có sức mạnh lan tỏa.