Tranh luận việc sửa đổi Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư

(PLVN) - Hai năm sau khi thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ngày 20/7/2011, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam ra đời (Quy tắc). Dựa vào Quy tắc này, mỗi luật sư luôn lấy đó làm khuôn mẫu cho mọi ứng xử, tu dưỡng và rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Tuy nhiên theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn luật sư Việt Nam, sau hơn 8 năm thực hiện, Quy tắc đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Nhất là trong một số trường hợp phải xem xét, xử lý kỷ luật với hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, các Đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam gặp phải những vướng mắc do quy định chưa rõ ràng. Trước thực tiễn trên, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư đang được sửa đổi thành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư (Bộ Quy tắc), nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. 

Hiện nay, tòa án trước khi tiến hành xét xử đều nói rõ rằng, luật sư khi đứng trước tòa bào chữa chỉ được xưng danh luật sư. Tuy nhiên, vẫn có một số luật sư khi ra tòa thường xưng mình là giáo sư, tiến sĩ... gây hiểu nhầm và khó xử giữa các bên. Vì thế dự thảo Bộ Quy tắc nêu rõ: “Không lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xưng luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật”. 

Không đồng tình với quy định này, luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng, nếu một luật sư có học hàm, học vị là giáo sư, tiến sĩ thì đó không phải là lạm dụng chức danh, bởi điều đó là sự thật. Còn khi đứng trước toà xưng danh, tòa án có trách nhiệm nhắc nhở, không nhất thiết phải đưa vào Bộ Quy tắc, gây khó xử lý. 

Trong khi đó, luật sư Trương Xuân Tám lại quan niệm sử dụng danh xưng khác ngoài luật sư không đúng lúc, đúng chỗ cũng là lạm dụng: “Thậm chí trong quan hệ với khách hàng, luật sư cũng không nên xưng danh giáo sư, tiến sĩ nhằm hạn chế việc câu kéo khách. Bởi khách hàng tìm đến mình với tư cách là luật sư và năng lực của luật sư đó, chứ không liên quan đến học hàm, học vị. Do vậy, quy tắc này là hoàn toàn phù hợp và cần phải có trong Bộ Quy tắc, nhằm ngăn ngừa vấn đề lạm dụng và để các luật sư biết cách ứng xử đúng đắn khi hành nghề”.

Luật sư Nguyễn Đình Thiện, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nêu quan điểm: “Một anh từng làm điều tra viên nhưng khi ra làm luật sư, khi tiếp xúc với khách hàng, lại giới thiệu mình nguyên là đại tá công an. Đây là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Từ đây tôi nhận thấy, nếu một luật sư nói rằng mình là thạc sĩ hoặc tiến sĩ luật, dĩ nhiên điều này không có gì sai. Nhưng nếu vì để tạo lòng tin với khách hàng, luật sư đó giới thiệu mình là nguyên đại tá hay nguyên chánh án… là sai hoàn toàn. Chính điều đó đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín nghề luật sư”.

Dự thảo Bộ Quy tắc cũng yêu cầu luật sư “không nên thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp”; không được áp dụng các thủ đoạn như so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng miền; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về mình… Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để thống nhất quan điểm, tránh xảy ra mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi khách hàng. 

Cho rằng những quy tắc này là hoàn toàn đúng đắn, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM, cho rằng “nếu tôi rơi vào trường hợp này, tôi sẽ khéo léo khi nêu quan điểm của mình, không nên khẳng định luật sư trước sai hay đúng để lôi kéo khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của luật sư ban đầu. Đây có thể nói là cách ứng xử quan trọng trong khi hành nghề mà tất cả các luật sư cần lưu ý”.

Tuy vậy, Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa lại không đồng tình với quy tắc trên và đề nghị bỏ quy tắc này, bởi vì mỗi luật sư đều làm việc độc lập và không có trách nhiệm trao đổi quan điểm với đồng nghiệp khác. Trường hợp cần có quy tắc này, dự thảo Bộ Quy tắc nên sửa lại theo hướng: “Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần ứng xử tránh mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi khách hàng”.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: 

Không được tạo phe, nhóm giữa các luật sư

Thực tiễn hiện nay cho thấy, một số luật sư tạo thành phe nhóm trong phiên tòa, tự thành lập “hội đồng bào chữa” gây mâu thuẫn, căng thẳng và phản cảm với cơ quan nhà nước và cơ quan pháp luật hoặc đe dọa  đồng nghiệp. Thậm chí, nhiều luật sư đã sử dụng những lời nói hay hành động mang tính khích bác lẫn nhau trong quan hệ đồng nghiệp trên mạng xã hội. Do vậy, mỗi luật sư phải nhận thức rõ các quy tắc nghề nghiệp và không được có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.