Sự kiện chấn động Thái Nguyên làm người Pháp giật mình thon thót

(PLO) -Cụ Cử Can nổi danh yêu nước, cùng Đông Kinh Nghĩa Thục một thời làm nên sóng trào 1907. Dù thất bại, nhưng 10 năm sau, con trai thứ ba của cụ: Lương Ngọc Quyến (1885-1917), lại làm nên một phát pháo sáng giữa đất trời đang mây mù âm u tương lai của dân Việt, để dẫu thân kia chưa được hưởng cái tự do mong muốn cùng vận mệnh nước nhà, nhưng góp phần cho dân Việt nuôi chí phục quốc ngày một mạnh mẽ.
Cổng trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên xây năm 1913, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa năm 1917

Kể ra, cụ Lương Văn Can, như trong sách “Lương Văn Can, xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” khi viết về đời riêng của cụ, đã lấy làm đau xót mà kết luận rằng cụ có nỗi đau riêng, ấy là “ông có năm người con trai thì năm người đều chết từ rất trẻ”.

Bệnh tật ư? Không? Họ chết, nhưng là cái chết bất khuất, chết cho nước, cho một mai của dân tộc, thì dù chết năm, chết mười, thân hòa vào đất cát, nhưng danh tiếng mãi được ức vạn đồng bào ngưỡng vọng. Và Lương Ngọc Quyến, là một người như thế.

Khí phách kẻ anh hùng

Là con trai thứ ba cụ cử Can, Lương Ngọc Quyến không hổ danh là con nhà tông. Cứ xem tính cách và hành động của chàng trai còn có tên là Lương Lập Nham này hẳn ta không phải thắc mắc về hùng khí của kẻ chí trai này.

Nói về cái chí khí anh hùng của Lương Ngọc Quyến, những tưởng nên để một bậc tiền bối được đồng bào đất Việt ngưỡng mộ vì lòng yêu nước vô bờ bến đầu thế kỷ XX nhận xét, hẳn đắc xác hơn cả. Ấy là lời của cụ Phan Bội Châu nói về Lương Ngọc Quyến, được cụ kể trong sách “Ngục trung thư”, rằng: “Bậc thiếu niên anh tuấn của ta sau nầy, có mấy người được như Lương quân”.

Với Lương Ngọc Quyến, khi chí đã quyết, thì dẫu đầu rơi máu chảy, dẫu khó khăn vạn lần, thân ấy cũng chẳng nề, thế nên trong “Tự phán”, cụ Phan Bội Châu mới ghi lại cảm xúc khi biết tin Lương Ngọc Quyến không quản mọi khó khăn vất vả mà tìm ra nước ngoài những mong có cơ hội mà cứu dân, cứu nước: “Rất đáng quý hóa là ông Lương Lập Nham, hành động có cách bất kỳ, tình hình quẫn bức, khó thể ngồi yên, hăng hái nói: “Lúc này không đi ăn mày, còn đợi lúc nào nữa?”.

Và cụ nhận xét tiếp: “Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà hết thảy giàu khí phách, có chí kiên cường mạo hiểm như anh, thì chúng ta sẽ có phép rút đất của Phí Trường Phòng, để thu rút con đường giết thù phục quốc ngắn đi được bao nhiêu dặm mà nói”.

Lương Ngọc Quyến

Thanh niên tiên phong Đông du

Cái sự xuất dương của Lương Ngọc Quyến cũng ghê gớm lắm, như sách “Lịch sử Việt Nam từ Tự Đức đến Đức Quốc trưởng Bảo Đại năm 1949”, ta được biết năm 1905, là năm Quyến vượt trùng khơi mà Đông tiến “Năm 1905, ông Lương Ngọc Quyến bỏ nhà sang học ở “Chấn võ học hiệu (một trường võ bị Nhật Bản)”.

Có thể nói, Quyến là một trong những thanh niên yêu nước đầu tiên của Việt Nam xuất dương, từ đó mà gây nên một ảnh hưởng to lớn cho phong trào Đông du khi “theo sau ông, thanh niên trong nước lục tục xuất dương rất nhiều, do Kỳ Ngoại hầu Cường Để và cụ Phan Bội Châu sắp đặt nơi ăn học”.

Nói về nguồn cơn cho việc Lương Ngọc Quyến, anh em của Quyến là Lương Nhị Khánh “thành những sinh viên Đông du đầu tiên của nước Việt” như Nguyễn Hiến Lê nhận định, ta thiết tưởng nên xem qua trong tác phẩm “Đông Kinh Nghĩa Thục” của học giả họ Nguyễn viết, sẽ tỏ tường nhiều phần.

Theo đó cuối năm 1904, cụ Tăng Bạt Hổ một chí sĩ yêu nước nồng nhiệt từ đất Nhật về nước, rồi sau có cuộc tương kiến với cụ Cử Can. Một cuộc hội đàm đã diễn ra ngay tại nhà số 4 phố Hàng Đào của cụ Can để bàn tình hình trong nước và kế hoạch dài hơi.

Cụ Cử Can ý kiến rằng “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân (ý là kế 10 năm không gì bằng trồng cây, kế 100 năm không gì bằng đào tạo người). Chúng ta đã vào hàng lão cả rồi, nên đặt hi vọng vào bọn hậu tiến”.

Bắt được ý của cụ Can, cụ Tăng Bạt Hổ mới tiếp lời mà rằng “Ý tiên sinh thực hợp với ý tôi. Tôi về nước lần này chính có mục đích tìm thanh niên đưa qua Nhật học”. Tiếp đó, với kinh nghiệm ở đất Nhật đã lâu, kết giao rộng rãi với giới cầm quyền Nhật, cụ Tăng Bạt Hổ nhờ cụ Cử Can giới thiệu những thanh niên tuấn tú và có nhiệt huyết cứu nước để đem ra nước ngoài đào tạo.

Nắm bắt được ý của kẻ cùng đắm mình cho mệnh nước, cụ Cử Can mới thưa “Tôi nghe một dải Hồng Sơn đời đời sinh hào kiệt, dư đảng của cụ Phan Đình Phùng chắc còn, tiên sinh thử đi tìm, chắc được như ý”.

Hữu duyên làm sao khi ấy, người con trai cả cụ Can là Lương Trúc Đàm đang hầu trà nước cho cha và bậc tiền bối, nghe chuyện, mới xin bày tỏ ý mình: “Ở Bắc thành, thanh niên có tâm huyết cũng không thiếu, nếu cụ cho phép, cháu xin đảm nhiệm việc tìm anh tài ở ngoài này”.

Cảm phục một hậu sinh yêu nước, lại là con của nhà chí sĩ họ Lương, cụ Tăng Bạt Hổ mới bật lời mà khen ngợi “Phi tử phụ bất sinh thử tử” (Không cha đó thì không sinh được con đó). Và để tiên phong cho mục đích đưa lớp thanh niên yêu nước sang Nhật để đào tạo thành yếu nhân cứu nước sau này, mà hai người con cụ Cử Can: Lương Ngọc Quyến và Lương Nhị Khanh, mới trở thành những thanh niên tiên phong Đông du là vì vậy. Mà cuộc Đông du của Quyến, cùng liều mình lắm.

Lương Ngọc Quyến hội kiến cụ Phan Bội Châu ở Hoành Tân

Anh hùng tương ngộ nơi đất khách

Cái sự tương phùng của một bên là kẻ anh hùng đầu xanh họ Lương với nhà cách mạng lão thành họ Phan đất Nghệ nơi xứ người, thật xúc động làm sao. 

Theo lời thuật của Đào Trinh Nhất trong tác phẩm “Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917”, ta biết đôi điều về cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, nhằm mùa thu năm Ất Tỵ (1905). Sau khi bí mật về nước nhưng nhanh chóng bị phát hiện, cụ Phan Bội Châu phải đáp tàu về lại Hoành Tân, đến khách sạn quen cụ hay ở. Bất ngờ làm sao, chủ khách sạn cho hay một thiếu niên Việt dáng học trò vừa mới đến vài hôm, dò hỏi tin tức của cụ, mong mỏi gặp cụ.

Nghe kể, cụ Phan không khỏi sửng sốt vì bấy lâu, nơi đất Phù Tang này, ngoài cụ và Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ góp mặt, thì lũ thanh niên trai trẻ, chưa thấy ai sang đất này với trí vì nước. Bởi thế mà nghe qua, cụ đã tỏ ra kinh ngạc lắm lắm.

Lại thêm phần được biết, thanh niên người Việt ấy một mình trốn từ trong nước sang, hành lý chẳng có gì khác ngoài bộ quần áo cũ kỹ đang mặc, và có vẻ, tiền bạc độ thân đã vơi cạn. Và rồi, kẻ đầu xanh và người cả đời gió sương vì nước gặp nhau. Thanh niên ấy đâu ai xa la: Lương Ngọc Quyến đấy.

Khi gặp nhau, cảm xúc dâng trào “Thiếu niên đến gần, Phan vui mừng reo lên. Thấy Phan, thiếu niên cũng thế, thêm sự kính cẩn đối với bậc danh sĩ, với nhà cách mạng tiên phong. Ồ, tưởng ai lạ lùng? Thiếu niên tức là Lương quân Lập Nham, con cụ cử Ôn Như Lương Văn Can, một danh vọng to tát trong giới cách mệnh ở Thăng Long”.

Và thôi thì khỏi diễn tả cho hết niềm vui của hai bên “thôi thì tay bắt mặt mừng, tình tứ gặp nhau ở chốn tha hương thật là khó tả”. Và kể từ đây, đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong đời hoạt động của anh hùng trẻ tuổi họ Lương, tạo bước tiền đề để tôi luyện Lương Ngọc Quyến trở thành anh hùng hơn 10 năm sau đó nơi đất Thái Nguyên, một cuộc lật đổ long trời lở đất làm người Pháp thon thót giật mình mà tìm mọi cách đối phó...

Đọc thêm