Trả lời trên Dân trí, vị lãnh đạo này cho rằng: “Đây là sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng”. Không biết phóng viên ghi lại có chính xác không? Bởi căn cứ Nghị định 75/2007 về điều tra sự cố tàu bay và phần 19 Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, sự cố trượt đường băng của tàu bay Vietjet thuộc nhóm B, mức “Nghiêm trọng” chứ không phải “Đặc biệt nghiêm trọng” như ông nói.
Việc thông tin sự cố hàng không cần bảo đảm sự cẩn trọng, chính xác cao độ theo chuẩn hàng không quốc tế. Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn hàng không” của Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban An toàn An ninh hàng không Quốc gia cũng đã quy định: “Khi đưa tin về các vụ việc liên quan đến an ninh an toàn hàng không cần bảo đảm tính bảo mật thông tin khi đang điều tra sự cố và không gây dư luận xấu trong xã hội”.
Vị lãnh đạo còn khẳng định: “Máy bay trượt khỏi đường băng lỗi lớn do phi công”. Trong khi đó thông cáo báo chí lúc 18h ngày 14/6 của Cục Hàng không đã chỉ rõ: “Do bất ngờ bị ảnh hưởng của thời tiết mưa gió lớn tại khu vực sân bay, tàu bay đã trượt ra ngoài mép đường cất hạ cánh…”. Ai có thẩm quyền đưa ra nhận định, cơ quan nào nhận định hay chỉ là nhận định cảm tính cá nhân.
Với một sự cố hàng không như vậy, theo quy định, cần có các cơ quan phối hợp điều tra, cần có thời gian xử lý các thông tin về điều hành bay, về phi hành đoàn, kỹ thuật, mở hộp đen, làm rõ yếu tố thời tiết… mới có thể đưa ra kết luận.
Để điều tra sự cố hàng không cần sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, nên kết luận sớm nhất cũng phải vài ba tháng mới có; nhiều sự cố phải hàng năm mới kết luận được nguyên nhân. Cho nên, vụ việc mới xảy ra ngày hôm trước, khi nhà chức trách hàng không vừa vào cuộc điều tra mà ngay ngày hôm sau, ông đã kết luận nguyên nhân, tính chất của sự cố là hoàn toàn không có cơ sở.
Đúng ra, với tư cách của mình, ông phải đưa ra nhận định khách quan, thuyết phục. Đó là hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương, nghiêm túc phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố. Bộ Giao thông Vận tải sẽ căn cứ vào kết quả điều tra để xử lý theo quy định và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quản lý điều hành.
Hơn 20 năm qua, hàng không dân dụng Việt Nam tuyệt đối an toàn, không xảy ra tai nạn chết người nào, chỉ là những sự cố của ngành hàng không thế giới, và máy bay hạ cánh trượt đường băng là một trong những sự cố không phải biệt lệ đó.
Sự cố có thể xảy ra với bất cứ sân bay nào trên thế giới. Trong sự cố vừa qua, tất cả đều an toàn. Đây là điều quan trọng nhất. Các bộ phận ở sân bay và hãng hàng không đã nỗ lực tổ chức xử lý, giải phóng đường băng trở lại hoạt động nhanh nhất có thể, đấy là điều đáng mừng.
Tuy có nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền, hành khách vất vả, nhưng vẫn đảm bảo an toàn về người là điều rất đáng mừng. Trên thế giới, các sân bay có những lúc buộc phải đóng đường băng do những nguyên nhân khác nhau, hành khách và các hãng cũng bị ảnh hưởng chậm huỷ chuyến bay
Rủi ro là điều khó tránh khỏi trong ngành vận tải. Trên thực tế an toàn nhất vẫn là Hàng không. Chúng ta cố gắng hạn chế ở mức thấp nhất và trên thực tế, hàng không Việt Nam đã làm được điều đó.
Đừng cảm tính, dân túy, nói quá sự việc. Đừng làm tổn thương thêm các hãng bay, đừng làm cho thế giới tưởng rằng hàng không Việt Nam là tệ hại, là mất an toàn nghiêm trọng. Các hãng hàng không Việt đã phổ cập thành công việc đi lại bằng đường hàng không, đã trở thành động lực của nền kinh tế đất nước, đã đóng góp ngân sách gần 1 tỷ USD/năm… Họ đang gồng mình vượt qua Covid, đang cùng khôi phục nền kinh tế. Rất cần sự động viên, khích lệ từ các cơ quan quản lý và lãnh đạo ngành Giao thông vận tải.