Sứ mệnh mới nào với Tân Thuận?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thành lập năm 1991, ở phường Tân Thuận Đông (quận 7, TP HCM), rộng hơn 300ha, Tân Thuận là khu chế xuất (KCX) đầu tiên của Việt Nam. Ngoài vai trò là mô hình công nghiệp kiểu mẫu, Tân Thuận giữ vị trí quan trọng của kinh tế TP HCM. Cuối 2021, KCX thu hút 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 2,1 tỷ USD, đang tạo việc làm cho hơn 60.000 lao động.
Khu chế xuất Tân Thuận
Khu chế xuất Tân Thuận

KCX nằm cách trung tâm TP chừng 5km càng được quan tâm khi tại Hội thảo chiến lược phát triển quận 7 mới đây, nhiều ý kiến nêu TP cần chuẩn bị chuyển đổi công năng khi nơi đây hết hạn thuê đất vào năm 2041. Trong đó, chính quyền quận 7 đề xuất TP cho chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại KCX sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại... Ý kiến này nhận được không ít băn khoăn.

Theo một người từng đưa ra ý tưởng lập KCX Tân Thuận trong quá khứ, cách đây hơn 30 năm, một nhóm nghiên cứu kinh tế được Thành ủy TP giao xây dựng đề án thu hút đầu tư nước ngoài. Nhóm nêu ý tưởng, được TP chấp thuận làm KCX, mở đầu cho các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế trong nước lúc đó bị cấm vận, bao vây. Khi đó, nhóm nghiên cứu dự trù KCX chỉ thành công trong giai đoạn nhất định. Vì vậy lúc thành lập, Tân Thuận đã được tính toán chỉ làm hợp đồng cho thuê đất 50 năm với DN, sau đó không cho gia hạn mà chuyển đổi phù hợp thực tế.

Từ 2004, bối cảnh kinh tế, xã hội thay đổi, nhóm nghiên cứu đã tính toán nên chuyển đổi công năng KCX. Để chuẩn bị cho thời điểm hợp đồng thuê đất kết thúc, nhóm đã đề xuất TP triển khai Khu công nghiệp Hiệp Phước, ở huyện Nhà Bè, rộng 2.000ha, cách KCX Tân Thuận hơn 15km. Hiện nơi này đã hình thành và sẽ là địa điểm mới cho DN ở Tân Thuận chuyển qua khi hợp đồng kết thúc.

Tầm nhìn dành cho Tân Thuận, như vậy có thể nói là khá xa, khá toàn diện. Vì vậy theo một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, sau khi hết hạn thuê đất, với diện tích hơn 300ha, TP có thể sử dụng khoảng 100ha làm quảng trường lớn, tạo không gian công cộng cho người dân. Phần còn lại xây các toà nhà như các cơ quan hành chính của Trung ương, TP, viện bảo tàng...

Những toà nhà này cần được xây dựng mang kiến trúc, văn hoá trong nước, tạo những nét đặc trưng cho TP.

"Còn 19 năm nữa sẽ kết thúc thời hạn cho thuê đất nên việc nghiên cứu, chuyển đổi mô hình phát triển cho khu vực rộng hàng trăm ha của KCX là cấp bách", chuyên gia này nói và cho rằng tương lai sau khi cảng Sài Gòn dời đi, đường Nguyễn Tất Thành được mở rộng, ven sông Sài Gòn từ quận 1 nối đến Tân Thuận sẽ là dải đất đẹp bậc nhất TP HCM.

Đồng quan điểm, một kiến trúc sư cho rằng sau khi KCX Tân Thuận hết nhiệm vụ; là cơ hội tốt để mở thêm không gian công cộng, tăng mảng xanh cho TP. Cần lưu ý thêm, về mặt kỹ thuật, Tân Thuận nằm trên khu vực trên địa hình thấp, sụt lún nhanh... nên nếu phát triển dân cư, xây cao ốc là không hợp lý. Ngoài ra, việc phát triển dân cư cũng phải tạo công ăn việc làm tại chỗ, khi không đáp ứng được sẽ làm tăng nhu cầu đi lại, gây ùn tắc cho các tuyến đường.

Có thể nói, việc chuyển đổi công năng cho KCX Tân Thuận là bài toán kinh tế cần đánh giá tổng thể. Nếu phát triển các dự án bất động sản tại đây sau khi Tân Thuận hết hợp đồng cho thuê đất thì có thể chỉ tính toán đến "lợi ích trước mắt", không phù hợp với tầm nhìn xa mà các bậc tiền bối đã tính toán khi lập KCX Tân Thuận.

Đọc thêm