Sự nghiệp cách mạng lẫy lừng của chí sĩ họ Trần

(PLO) -Một đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi, góp công lớn cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám nơi đất Sài Gòn, nhà cách mạng họ Trần từng nhiều lần vào tù ra khám, nhưng chí bền lòng không nao. Ở ông, thời chiến cũng như thời bình, luôn rực cháy tinh thần tận hiến vì nước. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Trần Văn Giàu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Trần Văn Giàu

Như ta đã biết, sau khi bị trục xuất về nước năm 1930, Trần Văn Giàu về nước. Từ tháng 8/1930, bắt đầu ông hoạt động cho Đảng Cộng sản Việt Nam (hai tháng sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương). 

Bốn phen vào tù, ra khám

Đầu năm 1931, Trần Văn Giàu lại bí mật sang Pháp lần thứ hai. Tại Marseille, anh biên tập bài vở cho báo “Vô sản” của Đảng bộ Cộng sản ở Marseille. Trong thời gian 1931-1933, nơi đất Liên Xô, Trần Văn Giàu theo học trường Đại học Phương Đông tại Moscow. Đầu năm 1932, tham gia  dự thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đến cuối năm 1932, Trần Văn Giàu rời Moscow qua Paris rồi về Sài Gòn hoạt động. 

Từ thời điểm ấy cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà cách mạng họ Trần biết bao phen phải vào tù, ra khám bởi hoạt động cách mạng của mình. Đầu tiên là ngày 13/2/1933 bị bắt nhưng không mang theo tài liệu nào nên chỉ bị Tòa Thượng thẩm Sài Gòn kêu án 5 năm tù treo vì tội vô gia cư.

Lần thứ hai nhằm ngày 13/10/1933 bị bắt tại Bà Hom, Chợ Lớn vì sử dụng thẻ thuế thân của người khác. Ngày 30/12/1933, bị Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án 18 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Đến ngày 13/2/1934 thì được trả tự do. Cứ mỗi lần ra khỏi nhà lao, là Trần Văn Giàu lại tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Sau khi sang Macau dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1935 rồi về nước, thì đến ngày 19/4/1935, Trần Văn Giàu bị bắt ở Sài Gòn. Ngày 25/6/1935, bị Tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù giam và 10 năm biệt xứ vì tội lật đổ chính quyền.

Trong thời gian bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, Trần Văn Giàu đã lãnh đạo cuộc tuyệt thực phản đối cùng 30 tù nhân chính trị ngày 28/7/1935. Ngay sau đó, chiều ngày hôm sau, đã bị đưa xuống tàu đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. 

Nhưng máu nóng cách mạng thì nào có gông cùm nào giam giữ, chế ngự cho nổi. Tại đảo Côn, Trần Văn Giàu tham gia lãnh đạo tiếp cuộc tuyệt thực và chống khổ dịch của 2.000 tù nhân chính trị và thường phạm ở đây ngày 4/1/1936. Bị giam nơi đây gần chót năm, Trần Văn Giàu lại bị đưa quay về đất liền, giam nơi Khám Lớn Sài Gòn.

Qua hai lần bị giam nơi Khám Lớn, ấn tượng về Trần Văn Giàu đối với người Pháp, có thể thấy qua lời chúa ngục Kerjean trong báo cáo cho Thống đốc Nam Kỳ Pagès là “Tổng đại diện tù Trần Văn Giàu tuyên bố tất cả tù chính trị tuyệt thực vì phần thịt không đủ… Vụ này có thể tên Giàu khởi xướng để huấn luyện các tù mới tới. Tôi đề nghị cô lập tên Giàu càng sớm càng tốt”. 

Đến khi mãn hạn tù tháng 4/1940, 9 ngày sau họ Trần lại bị đưa đi an trí tại căng Tà Lài nơi Định Quán, Biên Hòa. Nơi căng Tà Lài tháng 3/1941, Trần Văn Giàu cùng 7 bạn tù vượt ngục thành công. Từ đây, ông cùng nhiều đồng chí gây dựng lực lượng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Khi nhận xét về quãng thời gian ăn cơm tù của họ Trần, bài viết “Trần Văn Giàu, một nhân cách lớn trong cách mạng và khoa học” đã ghi tổng kết rằng: “Gần trọn 7 năm sống trong nhà tù của thực dân Pháp, từ Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo đến ngục Tà Lài, ông đều là một nhân vật “cứng đầu”, “lắm lý sự”, dẫn đầu trong các cuộc đấu tranh và luôn được bạn tù tôn làm tổng đại diện (délégué génénal)”.

Ảnh căn cước Trần Văn Giàu tại trại giam Tà Lai
Ảnh căn cước Trần Văn Giàu tại trại giam Tà Lai

Dấu ấn Cách mạng tháng 8 đất Sài Gòn

Ra khỏi Tà Lài, Trần Văn Giàu quay về với hoạt động cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ được tái lập sau Hội nghị Chợ Gạo, Mỹ Tho tháng 10/1943. Ông cùng ban lãnh đạo Xứ ủy mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng cách mạng, xuất bản báo “Tiền phong” tuyên truyền, vận động. Trước khi Cách mạng tháng 8 diễn ra trên cả nước, nơi đất Nam Bộ, Trần Văn Giàu hoạt động mạnh mẽ. 

Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, rồi Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14/8/1945, tình thế cách mạng thay đổi liên tục có lợi cho ta. Như cơn lốc cuốn, lần lượt từ Bắc vào Nam, khởi nghĩa từng phần rồi tổng khởi nghĩa cứ như nước triều dâng.

Theo nghiên cứu “Dũng khí và sáng tạo, nét đặc sắc hoạt động lãnh đạo của đồng chí Trần Văn Giàu trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ năm 1945”, ta được biết trước và trong khi Cách mạng tháng 8 diễn ra, thì đón thời cơ thuận lợi, “Từ ngày 16/8 đến ngày 24/8, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu đã ba lần tổ chức Hội nghị ở Chợ Đệm (nay thuộc huyện Bình Chánh) để bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa”. Chính Trần Văn Giàu là người đề nghị Tỉnh ủy Tân An làm khởi nghĩa “thí điểm” và giành thắng lợi, tạo đà cho ngày 25/8 lịch sử ở Sài Gòn. 

Nhận thấy thời cơ giành độc lập dân tộc đã tới, nơi đất Nam Bộ, tối ngày 23/8, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ được thành lập, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Dưới sự điều khiển của nhà cách mạng Trần Văn Giàu, ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn.

Theo kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 25/8, quần chúng Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh lân cận kéo vào thành phố, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh”… Lực lượng cách mạng làm chủ thành phố mà không gặp trở ngại gì. Thắng lợi của Sài Gòn tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Nam Bộ sau đó lần lượt được giải phóng. 

Ngày 2/9/1945, trong khi nơi Quảng trường Ba Đình của Hà Nội, Tuyên ngôn độc lập được vang lên tuyên bố trước quốc dân và quốc tế về việc ra đời nước Việt Nam mới, thì ở Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam Bộ Trần Văn Giàu, hơn 1 triệu đồng bào Nam Bộ tổ chức cuộc mít tinh lớn chào mừng ngày Độc lập, và cũng trong dịp này, ông dự báo trước sự trở lại của thực dân Pháp khi kêu gọi đồng bào: “Việt Nam yêu quý của chúng ta đang gặp một tình cảnh nguy nan”... “hãy sẵn sàng chiến đấu! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước”… Dấu ấn Trần Văn Giàu với Cách mạng tháng 8 là như thế đó. 

GS Trần Văn Giàu
GS Trần Văn Giàu

Tận hiến của cải

Trước khi mất, những mong nâng cao dân trí cho người dân quê hương, GS Trần Văn Giàu đã gửi tặng toàn bộ số sách trong thư viện cá nhân của mình cho Thư viện tỉnh Long An. Theo bài viết “Quê hương, gia đình và tuổi thơ” viết về GS Giàu, thì “Ngày 28/8/2011 cán bộ thư viện tỉnh đã chuyển toàn bộ sách của bác Sáu về Long An. Gần 3.000 bản sách đã được phân loại, xử lý nghiệp vụ và đưa vào Thư viện tỉnh Long An để phục vụ nhân dân tỉnh nhà”. 

Bài viết “Có một giải thưởng Trần Văn Giàu” của Tô Bửu Giám, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu cho biết, tâm nguyện cuối đời của nhà khoa học họ Trần, ấy là thành lập Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu về hai lĩnh vực: Sử học và lịch sử tư tưởng khu vực Nam Bộ.

Tiền thưởng của giải thưởng này theo “Quy chế quản lý quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu” là: “được hình thành từ tiền đóng góp riêng của Giáo sư Trần Văn Giàu và của đồng bào, của các tổ chức kinh tế-xã hội trong nước và người Việt Nam ngoài nước, từ nguồn thu bản quyền các trước tác của Giáo, các giải thưởng mà Giáo được tặng”. 

Vậy tiền đóng góp riêng của GS Giàu từ đâu ra. Ngược lại thời gian khi đất nước mới thống nhất, lúc ấy, vợ chồng GS Trần Văn Giàu được Thành ủy TP Hồ Chí Minh cấp cho căn nhà số 70 đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) để sinh sống.

Đất ở quận trung tâm thành phố dĩ nhiên là rất có giá trị nhưng năm 2001, GS Giàu đã bán căn nhà ấy, dành lại một phần tiền mua căn nhà khác ở đường Lý Thường Kiệt, Quận 11 làm nơi ở, lưu niệm, số tiền còn lại trị giá hơn 1.000 cây vàng chính là tài sản GS Giàu dùng để lập nên giải thưởng cao quý mang tên ông. 

Việc lập giải thưởng Trần Văn Giàu là tâm nguyện cuối đời của nhà khoa học lớn họ Trần khuyến khích các nhà khoa học lịch sử, nhà triết học trẻ đóng góp nhiều hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của khoa học lịch sử, triết học vùng đất Nam Bộ nói riêng (tính cụ thể là khu vực B2 trong kháng chiến, gồm cả Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, bao gồm Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào), Việt Nam nói chung. Đến nay, giải thưởng Trần Văn Giàu đã phát hiện, ghi nhận nhiều công trình có giá trị lớn...

Đọc thêm