Sự thật không thể chối cãi về trẻ em nam bị xâm hại

(PLO) - "Không có tiền, không có cái ăn, chỗ ở, không được giáo dục, không người quản lý, và các trẻ em nam dường như không được bảo vệ… Tại sao những kẻ lạm dụng nam trẻ em lại nhẹ tội hơn trẻ em gái? Trong nhiều trường hợp thậm chí họ sẽ không bị xử lý? Tại sao?...".
Một trẻ em nam từng bị lạm dụng tình dục. Ảnh luật sư cung cấp.
Một trẻ em nam từng bị lạm dụng tình dục. Ảnh luật sư cung cấp.
Đó là những câu hỏi, trăn trở của Luật sư Tạ Ngọc Vân, Trưởng một Văn phòng Luật sư tại Hà Nội và đang làm việc cho tổ chức Rồng Xanh chuyên hỗ trợ trẻ em nghèo và trẻ em đường phố tại Việt Nam.
Trẻ khuyết tật cũng không tha
Luật sư Tạ Ngọc Vân làm việc cho Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh được gần 10 năm. Công việc của anh ban đầu là giúp đỡ trẻ em đường phố, sau đó là phòng chống buôn bán người, phòng chống lạm dụng sức lao động trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, hỗ trợ trẻ em tái hòa nhập cộng đồng và bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong các phiên toà.
Luật sư Tạ Ngọc Vân chia sẻ, trong suốt hành trình hỗ trợ trẻ em của mình, có một trường hợp ám ảnh khiến anh không thể quên được là trường hợp về cậu bé 14 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ ở một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ bị lạm dụng tình dục.
"Tôi đến Bệnh viện cùng với một người bạn. Những gì tôi nhìn thấy thật sự đau lòng. Cậu bé nằm trên giường bệnh với rất nhiều chấn thương ở những bộ phận nhạy cảm.
Tôi đã cố gắng giao tiếp với cậu nhưng cậu chỉ ú ớ trong miệng và tỏ ra đau đớn. Giá như cậu là một cậu bé bình thường, chắc chắn cậu sẽ hét lên cho cả thế giới biết về những việc làm khủng khiếp mà người ta gây ra cho mình. Nếu như cậu hiểu được, thì chắc chắn cậu sẽ rất căm phẫn (có lẽ cả xấu hổ) vì bị làm nhục.
Nếu cậu nhận thức được thì có lẽ những ám ảnh về những lần tra tấn, hành hạ và lạm dụng sẽ còn theo cậu dai dẳng đến suốt cuộc đời. Nhìn ánh mắt của cậu, tôi cảm thấy xót xa, tức giận và bất lực", luật sư Vân nhớ lại.
Luật sư Vân cho biết, vì nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ, việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trai lại khó khăn, nên mặc dù đối tượng đã bị trừng trị nhưng lại bằng một tội khác - Tội cố ý gây thương tích (Điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999).
"Tôi đã tự mình đặt câu hỏi: Tại sao là con trai, em lại bị đối xử khác theo quy định của pháp luật khi bị cưỡng hiếp hay xâm hại? Tại sao những kẻ lạm dụng trẻ em trai lại nhẹ tội hơn trẻ em gái? Trong nhiều trường hợp thậm chí sẽ không bị xử lý. Tại sao việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trai hoặc nam giới lại khó khăn hơn?" - LS Vân thảng thốt.
Cho 100 nghìn đồng "ép" quan hệ đồng giới
Trường hợp thứ hai mà luật sư Tạ Ngọc Vân nhớ lại là trường hợp của em Đ. T. G, sinh năm 2000, đang học lớp 10 và sống cùng gia đình ở huyện ngoại thành Hà Nội.
"G là con thứ hai trong gia đình. Tuy nhiên, do nghe bạn rủ ra Hà Nội chơi nên G đã đi theo. Tại Hồ Thiền Quang G đã gặp người đàn ông tự xưng là T khoảng 45 tuổi đi xe SH đến hỏi chuyện làm quen, mua đồ cho G ăn rồi rủ G và bạn về nhà ông T chơi.
Vì mới ra Hà Nội lần đầu và trông ông T rất trí thức lại tốt bụng (vì đã mua đồ ăn cho G và bạn) nên G đã đồng ý về nhà ông T chơi. Tại nhà ông T ông ta đã bắt G đi tắm và có hành vi quan hệ tình dục đồng tính với G . Sau khi xong xuôi T cho G 100 nghìn đồng.
Sau 3 ngày đi tìm thì gia đình thấy G ở Hồ Thiền Quang với một tâm trạng và tính khí vô cùng khác thường. Gia đình em có hỏi chuyện nhưng G không nói gì chỉ im lặng. Sau một thời gian dài G đã kể lại toàn bộ câu chuyện cho mẹ nghe và nói với mẹ rằng: “G không muốn đi học nữa vì thấy xấu hổ và nhục”, luật sư Vân cho hay.
Một trong những đoạn chát gạ trẻ em nam đi "làm tình", ảnh luật sư cung cấp
 
Một trong những đoạn chát gạ trẻ em nam đi "làm tình", ảnh luật sư cung cấp
Luật sư Vân cũng chia sẻ: "Khi biết sự việc trên gia đình G đã gặp chúng tôi nhờ giúp đỡ tư vấn cho em để em quay trở lại trường học và giúp gia đình em tố cáo hành vi đồi trụy của kẻ ấu dâm trên.
Chúng tôi và gia đình cũng đã khuyên bảo em quay trở lại trường học nhưng em đã không thể vượt qua nỗi ám ảnh, mặc cảm để sống bình thường như trước.
"Luật pháp chưa rõ ràng"
Theo luật sư Tạ Ngọc Vân thì có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, dưới góc độ luật pháp, luật sư Vân cho rằng, nguyên nhân sâu xa nhất là do luật pháp chưa rõ ràng.
"Vì luật chưa rõ ràng, nên các cơ quan thực thi pháp luật chưa hoặc rất khó xử lý các đối tượng này. Điều này dẫn đến tình trạng những đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi của mình. Do đó, không có tính răn đe những đối tượng khác", luật sư Vân nói.
Luật sư Vân cũng chia sẻ: “Dân số Việt Nam hiện tại khoảng 91 triệu người, trong số đó 50% là nam giới. Theo định nghĩa hiện tại về tội phạm liên quan đến hành vi giao cấu, thì hơn 40 triệu người là nam giới sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật, ngay cả khi họ bị xâm hại tình dục”.
Luật sư Vân đưa ra dẫn chứng; "Bộ luật Hình sự Việt Nam có 10 tội liên quan đến định nghĩa “giao cấu”, tuy nhiên khi nạn nhân là trẻ em nam hoặc nam giới nói chung bị “ giao cấu trái ý muốn”, thì các cơ quan chức năng chỉ xử lý được một hành vi đó là “Dâm ô trẻ em” theo Điều 116- Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Bởi lý do rất đơn giản, “Giao cấu” hiện nay vẫn được hiểu theo hướng dẫn của Bản tổng kết 329/HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) là “sự cọ sát dương vật vào bộ phận sinh dục người phụ nữ...”.
Tức là, chủ thể phạm tội hiếp dâm chỉ có thể thuộc giới tính nam và nạn nhân thuộc giới tính nữ".
"Rõ ràng việc quy định về nội hàm của hành vi giao cấu quá hẹp đã đưa đến hệ lụy là việc xử lý trên thực tế chưa thực sự nghiêm minh, chưa đúng với bản chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội”.
Vì vậy, bên cạnh những việc làm mang tính chất thiện nguyện bảo vệ các em nhỏ đường phố, thì rất cần các cơ quan làm luật sớm cải tiến những quy định không còn phù hợp, để những kẻ đồi bại sẽ bị trừng trị thích đáng', Luật sư Vân nhận xét.
Theo luật sư Vân, bên cạnh việc sửa Luật, gia đình và xã hội cũng phải chung tay bảo vệ các em khỏi vấn nạn này.
"Đối với các bậc cha mẹ, cần tăng cường mối quan hệ giao tiếp với con cái; cần phải biết/tìm hiểu về các mối quan hệ xung quanh con. Các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại công khai về bảo vệ trẻ em trên các phương tiện thông tin truyền thông, trong trường học và các nơi khác tại cộng đồng. Cần tuyên truyền để xã hội hiểu được, không chỉ có trẻ em gái mới là nạn nhân của xâm hại tình dục mà còn cả trẻ em nam"./.

Đọc thêm