Sự thật về người vợ 'ma chê quỷ hờn' của Gia Cát Lượng

Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng là người nổi tiếng về tài năng và đẹp trai thời Tam Quốc; nhưng theo truyền thuyết dân gian, lại lấy bà vợ Hoàng Nguyệt Anh xấu “ma chê quỷ hờn”. Vì sao có chuyện đó?
Vợ chồng Gia Cát Lượng trên màn ảnh.

Hoàng Nguyệt Anh là người thế nào mà Gia Cát Lượng lại lấy?. Bà có vai trò ra sao trong sự nghiệp lẫy lừng của chồng?. Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đã tiến hành giải mã những bí ẩn này…

Đẹp trai... chịu thiệt ?

Theo ghi chép trong ‘Tam Quốc Chí” của Trần Thọ, Gia Cát Lượng là người tài năng hiếm có, khôi ngô tuấn tú, thân cao 8 thước (1m85), dung mạo phi phàm. Còn trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung miêu tả Lưu Bị lần đầu tiên gặp mặt Gia Cát Lượng ở Long Trung thì thấy ông là người “thân cao 8 thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn the, khoác áo lông hạc, lông mày mang vẻ đẹp giang sơn, tâm chứa đựng huyền cơ đất trời, ung dung thư thái tựa thần tiên”.

Còn tả về Hoàng Nguyệt Anh thì chỉ vắn tắt 4 chữ “da đen tóc vàng” mà không  nói gì đến dung nhan hay dáng dấp cả. Người thời nay hẳn sẽ thắc mắc: “tóc vàng da đen” là xấu sao?. Thật là khiên cưỡng, nhưng có lẽ thời đó, tiêu chuẩn phổ biến nhất của vẻ đẹp phải là “tóc đen, da trắng” nên Hoàng Nguyệt Anh là người xấu xí bởi không có “chuẩn” đó.

“Nam tài, nữ đẹp” đó là tiêu chuẩn lý tưởng của một cuộc hôn nhân thời xưa. Nam thì tài năng, đẹp đẽ, người nữ thì xấu xí khác người, cặp đôi đó sao lại có thể ở cùng nhau, thành một gia đình được? Theo sử tịch, sau khi kết hôn với Gia Cát Lượng, suốt một thời gian dài, Hoàng Nguyệt Anh không sinh con, người anh chồng là Gia Cát Cẩn ở Đông Ngô phải đưa con sang làm con nuôi, sau đó quan hệ vợ chồng Gia Cát Lượng mới “thông đồng bén giọt”, bắt đầu sinh con đẻ cái. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng sau khi sống ổn định ở Thục đã “nạp thiếp” (lấy vợ lẽ). Vì vậy, người ta suy đoán, cuộc hôn nhân giữa hai người không thật hạnh phúc mỹ mãn…

Theo truyền thuyết dân gian, Gia Cát Lượng sống ẩn dật ở Long Trung, Tương Dương, suốt ngày đóng cửa đọc sách, không ra đến ngoài, suốt mấy năm trời không tìm được người ưng ý cưới làm vợ. Cách Long Trung ngoài 30 dặm, bên sông Hán Thủy có một danh sĩ tên Hoàng Thừa Ngạn sinh được cô con gái độc nhất là Hoàng Nguyệt Anh (còn có tên khác Hoàng Uyển Trinh).

Hoàng Thừa Ngạn vốn rất thân với Gia Cát Khuê (cha Gia Cát Lượng) nên muốn gả con cho Lượng, nhưng Gia Cát Lượng nghe đồn Nguyệt Anh rất xấu: tóc vàng, da đen, mặt lại rỗ hoa nên cứ chần chừ, lần lữa…

Hoàng Thừa Ngạn thấy Gia Cát Lượng không mặn mà đáp ứng nên mời Lượng đến chơi. Lượng vừa bước qua cổng thì một con chó lớn xồ ra, Lượng sợ quá suýt vấp ngã, tiếp đó một con hổ lớn nhảy tới, Lượng vội quay đầu chạy, thấy hổ không đuổi theo mới dừng bước và quay lại, thì ra cả chó và hổ đều làm bằng gỗ. Hoàng Thừa Ngạn mời Lượng vào nhà, ngồi chưa yên chỗ thì một người hầu ra rót trà, nhìn kỹ thì đó cũng là người gỗ. Lượng tỏ vẻ khâm phục Hoàng Thừa Ngạn, nhưng ông nói những cỗ máy đó là do con gái làm. Lượng thất kinh, thì ra tiểu thư là người tài hoa như thế, ông không dám chê xấu nữa, bèn nhận lời kết hôn.

Giải oan cho Hoàng Nguyệt Anh

Tương truyền chính Hoàng Nguyệt Anh đã thêu nên bức tranh "Tam phân tương đồ” tức “thiên hạ chia ba” để sau này Gia Cát Lượng lấy đó để “chém gió” khi Lưu Bị “tam cố thảo lư”, thuyết phục ông “chiếm Kinh, Ích châu, Bắc kháng Tào Tháo, Đông kết Tôn Quyền, Tây hòa chư Nhung, Nam nhiễu man di”. Về sau, Gia Cát Lượng dùng bức thêu bản đồ này làm khăn, không lúc nào rời, nên thành thứ “khăn Gia Cát”, tập tục đội khăn này lưu truyền đến mãi đời sau. Tại đền Võ Hầu ở Long Trung hiện còn lưu giữ bản tranh khắc gỗ thể hiện cuộc hôn nhân nổi tiếng này.

Theo truyền thuyết lưu truyền ở địa phương thì thực ra Hoàng Nguyệt Anh tên thường gọi A Kiều, là một cô gái rất đẹp. Nghe đồn Gia Cát Lượng nhân phẩm và tài học hơn người nên rất hâm mộ, bèn xin cha chủ động đánh tiếng để được lấy làm chồng. Cô xin cha trước mặt Gia Cát Lượng hãy nói mình rất xấu, để xem Lượng có phải là phường tục tử ham sắc hay không. Không ngờ Gia Cát Lượng rất nhanh chóng nhận lời khi thấy cô là một tài nữ.

Ngày cưới, A Kiều vẫn đội khăn trùm đỏ để thử lòng; Lượng không chút băn khoăn, ngần ngại. Khi bỏ khăn ra, ông ngỡ ngàng sửng sốt khi thấy A Kiều rất xinh đẹp, cứ ngỡ nhầm người. Khi đó cô mới nói thật nguyên do… Tục đội khăn trùm đầu màu đỏ của cô dâu cũng bắt đầu có từ đó.

Sau khi kết hôn, Gia Cát Lượng mới biết thêm về mối quan hệ xã hội của nhà vợ. Thì ra nhạc phụ Hoàng Thừa Ngạn và Lưu Biểu là anh em cọc chèo. Thái Mạo, một nhân vật rất có thế lực ở Kinh Châu đã gả 2 cô em gái cho Lưu Biểu và Hoàng Thừa Ngạn. Vì vậy, Lưu Biểu không những là bạn thân Gia Cát Huyền – người chú đã nuôi nấng Gia Cát Lượng, mà còn là chú dượng vợ; còn Thái Mạo, người giữ chức quyền quân sự quan trọng ở Kinh Châu chính là anh trai mẹ vợ ông.

Với mối quan hệ đó, Gia Cát Lượng dễ dàng tiếp xúc với giới chính trị và quân sự ở Kinh Châu. Qua đó, tuy ở Long Trung nhưng Gia Cát Lượng nhanh chóng nắm bắt được sự phát triển của tình thế; động hướng của triều đình, các chư hầu, các nhân vật chính trị cũng như hoạt động của các tập đoàn chính trị. Những thông tin đó vô cùng quan trọng để Gia Cát Lượng theo dõi tình hình, phân tích cục diện. Sau này khi Lưu Bị tìm đến thì Gia Cát Lượng đã hình thành cả hệ thống tư tưởng chiến lược với những thông tin đầy đủ và sự phân tích chính xác, đầy sức thuyết phục.

 

Gia Cát Lượng mới là người được lợi

Trong bối cảnh xã hội thời Tam Quốc, về mặt gia cảnh, Gia Cát Lượng thực sự “không xứng” với Hoàng Nguyệt Anh. Bà mẹ là con nhà họ Thái, một quý tộc nổi tiếng đất Kinh Châu; ông bố Hoàng Thừa Ngạn cũng là một nhân vật có tiếng, có quan hệ rất tốt với các danh sĩ, giới học thuật, văn nhân tài tử.

Còn gia tộc Gia Cát thì đã suy vong, nhất là sau khi người chú Gia Cát Huyền qua đời, gia cảnh trở nên khốn khó, phải tự cày cấy lấy mà ăn. Một nông dân với một tiểu thư danh gia vọng tộc rõ ràng là không tương xứng. Bởi vậy, trong bối cảnh xã hội đương thời, mọi việc đều trông vào xuất thân, môn đệ; việc Gia Cát Lượng lấy được người vợ như Hoàng Nguyệt Anh là quá may mắn, nói như bây giờ là “chuột sa chĩnh gạo”.

Nếu không gặp được Hoàng Nguyệt Anh thì có lẽ Gia Cát Lượng chỉ là một nông dân thứ thiệt có chút văn hóa. Nhưng lấy được bà, cuộc đời ông đã thay đổi: không phải lo cái ăn, không cần phải cày cấy, có thể yên tâm học hành, tầm sư học đạo. Quan trọng hơn là các mối quan hệ của nhà vợ. Về sau Gia Cát Lượng xuất sơn đều nhờ vào sự giới thiệu, tiến cử của Từ Thứ, Thủy Kính tiên sinh. Thử hỏi không có Hoàng Thừa Ngạn thì ai biết đến anh nông dân Gia Cát Lượng?. Ai đi tiến cử một người nông dân?. Cho nên không có người vợ Hoàng Nguyệt Anh thì không có “Long Trung đối”, không có việc ông xuất sơn phò tá Lưu Bị. Có thể nói, mọi thứ Gia Cát Lượng có được đều có liên quan, đều nhờ vào người vợ bị coi là “xú nữ” (người đàn bà xấu xí) Hoàng Nguyệt Anh.

Hoàng Nguyệt Anh không chỉ mang lại công danh, sự nổi tiếng cho chồng, mà quan trọng hơn bà là người xuất thân gia đình học vấn, từ nhỏ đã được trui rèn, nên mưu lược và tài học đều hơn chồng. Chính vì vậy, sử liệu đời sau đã nghi ngờ, suy đoán: những phán đoán vĩ đại, quyết sách đúng đắn, bố trí thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng đều không tách rời khỏi chỉ đạo của vợ; những cẩm nang diệu kế và phát minh trâu máy, ngựa gỗ cũng đều là tác phẩm của Hoàng Nguyệt Anh.

Bà là người phi thường, nhưng chấp nhận chỉ làm người phụ nữ lặng lẽ đứng sau người chồng thành đạt. Cho nên, Gia Cát Lượng là người rất có tầm nhìn xa, khi chấp thuận cuộc hôn nhân này, hẳn ông đã suy xét rất kỹ, nếu không, hẳn ông đã không kết hôn với “người đàn bà xấu xí” ấy...

Chú thích ảnh:

- Ảnh 1: Hoàng Nguyệt Anh (tranh)

- Ảnh 2: Tượng bà Hoàng Nguyệt Anh

- Ảnh 3: Hình ảnh Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh trong phim 'Trở về Tam Quốc'

- Ảnh 4: Hoàng Nguyệt Anh trong phim 'Trở về Tam Quốc'

Đọc thêm