Không chỉ người đến lễ Phật mà những người cầu tài cầu phúc, cho đến những người oan khổ đến đây cầu nguyện đều được linh ứng, nhiều người tai qua nạn khỏi. Đặc biệt, ngôi chùa này nổi tiếng bởi nhiều lần Phật đã hạ mình vàng hiển linh với phổ quang rực rỡ.
Chùa Linh Ứng tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Sừng sững một dải núi vươn mình về phía biển Đông, như lũy thiên nhiên che chắn cho thành phố Đà Nẵng. Chùa rộng hơn 20ha, được xây dựng trên sườn núi bãi Bụt với độ cao 100m so với mực nước biển.
Điện chính của chùa có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa là bức tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bên phải là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Tam tạng Phật và 4 vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp theo quy luật, bảo vệ cho khu chính điện.
Điểm nhấn độc đáo nhất của ngôi chùa này là bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm cao khoảng 67m, tương đương với tòa nhà 30 tầng. Bên trong lòng tượng có 17 tầng tháp, mỗi tầng thờ 21 vị Phật, La Hán khác nhau gọi là “Phật trung hữu Phật”. Hiện đây là tượng Phật đứng cao nhất Việt Nam.
Cảnh quan khu chính điện kết hợp với bức tượng Quán Thế Âm tạo nên một khung cảnh linh thiêng, thanh tịnh và tao nhã như chốn bồng lai tiên cảnh. Tượng Phật đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển và thành phố, đôi mắt hiền từ nhìn xuống dưới, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như đang rưới sự bình an cho những ngư dân vươn ra khơi xa.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời vua Minh Mạng, dân chài nơi đây đã tìm thấy một tượng Phật trôi dạt từ biển vào, họ cho đó là điềm lành nên đã lập đền thờ tự. Điều kỳ diệu là từ khi lập đền thờ tượng Phật thì trời yên biển lặng, ngư dân yên ổn làm ăn. Từ đó nơi đây có tên là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian nơi Quán Thế Âm độ thế, cứu khổ, giúp con người vượt qua khỏi vòng trầm luân.
Người dân vùng biển nơi đây vẫn hay truyền miệng nhau về sự linh diệu, kỳ lạ của Đức Quan Âm cứu khổ cứu nạn trấn vùng biển Đông này nên cứ vào ngày rằm, mồng một hay các ngày lễ lớn, người lên đây cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm rất đông. Và thật kỳ lạ, từ lúc xây dựng tượng Phật Quán Thế Âm ở đây thì đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí đã xảy ra. Từ việc có những ánh hào quang liên tục xuất hiện trên vùng trời phía sau bức tượng Quán Thế Âm và những câu chuyện tâm linh, đến những sự trùng hợp ngẫu nhiên bí ẩn…
Theo lời các nhà sư trong chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, từ lúc xây chùa đến nay thì họ đã chứng kiến 13 lần ánh hào quang 7 sắc xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ trên đầu tượng Phật Bà Quan Âm. Nhiều Phật tử ở chùa Linh Ứng cho biết, vào một buổi trưa tháng 8/2008, trong lúc điêu khắc gia Thụy Lam chỉ đạo thợ tháo bỏ các giàn giáo trước mặt Phật Bà để chỉnh sửa lần cuối cùng thì bất ngờ, một ánh hào quang lớn xuất hiện và kéo dài hơn một giờ đồng hồ trên đầu bức tượng Phật Quán Thế Âm khiến ai nấy đều kinh ngạc, sững sờ.
Sau đó, ánh hào quang còn xuất hiện thêm nhiều lần nữa trên tượng Phật Bà và tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào ngày lễ Phật Đản năm 2009, lễ hội Quán Thế Âm, ngày lễ Vu Lan và gần đây nhất là lúc 17h30 ngày 25/08/2013, sau một cơn mưa nhỏ đã xuất hiện một cầu vồng kép ngũ sắc rực rỡ trên một vùng trời rộng lớn làm nhiều người chứng kiến phải ngỡ ngàng, kinh ngạc.
Hình ảnh này còn có ý nghĩa tâm linh hơn khi một đầu cầu vồng xuất phát từ tượng phật Bà Quan Âm ở chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, còn đầu kia ở chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn, nhiều người cho rằng cầu vồng kép này đã nối hai ngôi chùa Linh Ứng lại với nhau… Tổng cộng vầng hào quang xuất hiện ở chùa Linh Ứng tất cả là 13 lần.
Hiện tượng ánh sáng xuất hiện trên tượng Phật Bà Quan Âm khiến cho người dân Đà Nẵng nghĩ rằng Phật đã về chứng giám cho lòng thành của họ và kể từ đó hầu hết người dân Đà Nẵng đều đặt niềm tin tâm linh của mình vào ngôi chùa linh thiêng này…
Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng “màu nhiệm” này trên, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, cho biết: “Nếu xét về phương diện khoa học thì đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời, nhưng với 13 lần xuất hiện một cách trùng hợp đến bí ẩn trong các ngày lễ của Phật như vậy thì quả là một hiện tượng xưa nay hiếm thấy và chưa từng xảy ra ở các nơi khác…”.
Kể từ lúc xây chùa Linh Ứng, nhất là khi có ánh hào quang xuất hiện thì người dân kéo đến chùa mỗi lúc một đông hơn. Giờ đây, không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn nhiều Phật tử ở các tỉnh lân cận lên chùa để cầu nguyện trước tượng Quan Âm, mong mọi điều ước nguyện của mình thành hiện thực.
Đặc biệt là những gia đình ngư dân, mỗi lần có người nhà đi biển thì họ đều lên chùa khấn lạy, cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm và cảm thấy vững tâm hơn khi nghĩ sẽ có Phật Bà dõi theo, phù hộ cho họ mỗi lần vượt sóng ra khơi.
Cô Võ Thị Tư, một Phật tử cho biết: “Gia đình tôi có người đi biển nên tôi thường hay lên đây để cầu nguyện trước tượng Mẹ (Quan Thế Âm Bồ Tát) và mong Mẹ phù hộ cho người nhà đi biển được bình an, cho gia đình sức khỏe và con cái thành đạt… Vào các ngày lễ, mọi người kéo về đây khấn nguyện trước tượng Mẹ đông lắm, có khi đến hơn 10 nghìn người, cả khuôn viên rộng lớn thế này không có chỗ mà quỳ lạy luôn, nhiều người còn đến đây từ rất sớm để mong có được một chỗ tốt nhất để cầu nguyện dưới tượng Mẹ Quan Thế Âm! ”.
Linh ứng lạ thường
Và có một sự trùng hợp đến kỳ lạ là từ khi xây ngôi chùa Linh Ứng cùng với tượng Phật Bà Quan Âm thì dường như mọi việc của Đà Nẵng đều được tiến hành thuận lợi. Từ việc nhỏ như di chuyển làng phong Hòa Vân từ dưới chân đèo Hải Vân vào đất liền đến những việc lớn như xây dựng mấy cây cầu bắc qua sông Hàn, hay việc xây dựng bệnh viện ung bướu hiện đại nhất miền trung đã nhen lên hy vọng cho hàng nghìn người bị bệnh nan y… Vì vậy, chùa Linh Ứng và tượng Phật Bà Quan Âm cũng trở nên linh thiêng hơn trong tâm thức của mọi người.
Lại có những câu chuyện khá vui được lưu truyền trong dân gian, đó là việc nhiều người dân Đà Nẵng cho rằng, nhờ có tượng Phật Quan Thế Âm ở chùa Linh Ứng-Bãi Bụt mà nhiều khi bão không đổ vào Đà Nẵng. Có người vui miệng nói đùa: “Chắc tại hôm nay Phật Bà không có nhà thôi…”, nhưng cũng có không ít người vẫn tin tưởng rằng: “Nhờ tượng Phật Quan Âm mà tâm bão mới không vào Đà Nẵng…”. Giờ đây thì dường như việc gì Đà Nẵng đạt được, tránh họa được, trong suy nghĩ của người dân cũng thường hay gắn với hai chữ “tâm linh”.
“Chuyện tâm linh thì không nên nói nhiều, vì nó tùy thuộc vào niềm tin của mọi người vào Đức Phật mà thôi... Nhiều người tin vào Phật giáo thì cho rằng những chuyện kỳ diệu vừa xảy ra ở chùa Linh Ứng nói riêng và tại Đà Nẵng nói chung đều là nhờ vào Phật độ trì, còn những người chưa tin hoặc không tin vào Phật thì bảo đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi.
Tất nhiên thì mỗi người đều có quyền suy nghĩ khác nhau về Phật và cũng có những điều trong tâm hồn mà không phải lúc nào cũng nên lý giải bằng khoa học… Nhưng theo quan điểm của riêng mình, tôi nghĩ rằng nhiều lời đồn đoán nhờ tượng Phật Quán Thế Âm phù hộ mà bão không vào Đà Nẵng là không đúng lắm, vì như vậy sẽ là trái với lời dạy và tâm niệm của Đức Phật, bởi dưới trần gian này, bất kỳ ai cũng đều là con cháu của Đức Phật nên cũng được Đức Phật che chở, độ trì như nhau cả…”, Hòa thượng Chúc Trí ở chùa Linh Ứng - Bãi Bụt chia sẻ.
Có thể tất cả mọi chuyện trên đều là sự ngẫu nhiên mà những người có tín ngưỡng đã tin rằng thần phật đã linh ứng. Nhưng cũng biết đâu có một sự “tâm linh” huyền bí nào ở đây? Nhưng dù sao đi nữa thì niềm tin vào Đức Phật và sự thành kính này cũng là khuyến thiện và cũng còn rất nhiều điều bí ẩn về “tâm linh” mà không phải khoa học chưa thể lý giải được…