Thời gian qua, đại dịch đã gây không biết bao mất mát, thiệt thòi, lo lắng cho cộng đồng. Và trong bất hạnh, tai ương hay biến cố, những tấm lòng chân thành, sự sẻ chia luôn là liều thuốc quý nâng đỡ tinh thần con người.
Nỗi khốn khó đến từ đại dịch
Có không ít lời thở than, oán trách tràn lan trên mạng xã hội thời gian này. Điều này cũng dễ hiểu và cảm thông, khi mà đại dịch đến cùng bao nỗi thiệt hại, mất mát cho người dân, cho mọi tầng lớp trong đời sống. Doanh thu sụt giảm xuống mức kỉ lục trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành nghề hoàn toàn thất thu hoặc ngừng hoạt động như du lịch, giải trí, quán bar, karaoke…
Người ta thấy, ngay tại trung tâm những thành phố lớn, hàng loạt mặt bằng bị trả, những con đường từng là nơi kinh doanh sầm uất nay trở nên hiu quạnh, vắng vẻ, không bóng người. Nhiều chủ khách sạn chia sẻ, mở mắt ra mỗi ngày thiệt hại hàng vài chục tỉ đồng.
Anh Nguyễn Trần Thái Trung, đại diện doanh nghiệp ngành nhà hàng, có chuỗi 4 nhà hàng khá có tiếng tọa lạc các quận 1, quận 3 và Phú Nhuận chia sẻ, vào tháng 2, 1 nhà hàng của anh đã đóng cửa và tháng 3 này anh quyết định đóng cửa luôn 3 nhà hàng còn lại, tất cả tập trung vào 1 nhà hàng, chủ yếu là để duy trì thương hiệu, không để thương hiệu bị mất. Từ đầu mùa dịch đến nay, anh phải bỏ tiền túi gần 80 tỉ đồng để duy trì thương hiệu.
Không chỉ có giới doanh nhân, người kinh doanh lớn thiệt hại nặng nề. Tiểu thương cũng điêu đứng vì hàng hóa không luân chuyển được. Nông dân thất thu vì nông sản không thể xuất khẩu. Công nhân, nhân viên rơi vào tình cảnh thất nghiệp… Lê Minh Thư, 27 tuổi, nhân viên marketing một công ty quảng cáo tại TP.HCM chia sẻ, từ giữa tháng 2, công ty đã cho nhân viên nghỉ không lương vì không còn một dự án quảng cáo nào đang chạy, công ty hầu như không còn ngân sách để duy trì trả lương hay hoạt động nữa.
“Hiện, tôi đang tạm ngưng làm việc, cắt giảm tối đa mọi chi tiêu không cần thiết và sống bằng tiền dành dụm bấy lâu nay, cầu mong cho đại dịch mau kết thúc, kinh tế phục hồi. Chỉ biết được ngày nào hay ngày đó”, Minh Thư chia sẻ
Mỗi ngày, ngân sách thất thu 150 tỉ đồng do dịch, đó là thống kê sơ bộ được đưa ra mới đây, cho thấy mức độ ảnh hưởng nặng nề của dịch đến đời sống kinh tế của đất nước. Trong cơn khốn cùng, nhiều người đã chọn cách “kêu cứu”. Người nông dân kêu cứu mong giải phóng nông sản tồn đọng. Ngành du lịch kêu cứu, mong kích cầu. Doanh nghiệp sản xuất kêu cứu vì đứt nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Giới nghệ sĩ cũng “than trời” vì bị hủy show hàng loạt, hoạt động giải trí “đông cứng”.
Trong một cuộc gặp mới đây giữa Chính phủ và giới doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều lên tiếng cầu cứu Thủ tướng, mong muốn được hỗ trợ để “sống sót” qua đợt khó khăn này, mong được hỗ trợ bằng cách giảm thuế, miễn thuế, giãn nợ…
Phải chăng, giữa tuyệt vọng, bế tắc, người ta cũng chỉ biết lên tiếng kêu cứu để mọng nhận lấy sự giúp đỡ từ bên ngoài đến với mình?
Và những bàn tay ấm
Có thể dễ dàng hiểu được nỗi lo lắng, bất an của một bộ phận người dân, người kinh doanh hay nghệ sĩ. Tuy nhiên, bên cạnh những lo lắng, thở than, kêu cứu, đã có những người dùng những hành động thiết thực của mình để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khó khăn trong cộng đồng.
Thời điểm mới khởi phát dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ như Xuân Bắc, Khắc Việt, Giang Hồng Ngọc, Pha Lê… đã xuống đường phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Sau một thời gian lắng lại, mới đây nam ca sĩ Hà Anh Tuấn đã “mở màn” cho phong trào quyên góp ủng hộ phòng chống dịch khi anh cùng với hai người bạn là đạo diễn Cao Trung Hiếu và nhà sản xuất Minh Hoàng - tài trợ 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm nhập khẩu trọn gói từ Đức cho các địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh, mỗi phòng cách ly trị giá 650 triệu đồng.
Tiếp đó, như một làn sóng thiện tâm, từ ngày 13/3, nhiều nghệ sĩ trong làng giải trí lần lượt có những hành động thiết thực ủng hộ người dân. Nữ ca sĩ Chi Pu đã ủng hộ 1 tỉ đồng nhập máy móc, thiết bị và chi phí lắp đặt một phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội, cùng 5.000 bộ đồ bảo hộ phòng dịch trang bị cho các bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.
Min, nữ ca sĩ hát Ghen Covy đã đóng góp cho bệnh viện 10.000 khẩu trang y tế và 500 chai nước rửa tay. Ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung cùng nhau đóng góp 2.000 bộ quần áo bảo hộ cho ngành y tế Hà Nội; ca sĩ Tóc Tiên đóng góp 100 triệu đồng; Hồ Ngọc Hà cùng nhà thiết kế Lý Quý Khánh và bạn bè cũng đã quyên góp được 3 tỉ đồng, trong đó dành 1 tỉ cho công tác y tế và 2 tỉ cho hoạt động chống hạn mặn giúp người dân miền Tây.
Công tác chống hạn mặn, hỗ trợ về nước sạch cho người dân miền Tây cũng được các nghệ sĩ quan tâm, riêng ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 6 tỉ đồng, Đại Nghĩa tích cực hỗ trợ bồn nước, kêu gọi ủng hộ…
Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được 6 tỉ ủng hộ người dân miền Tây bị hạn mặn. |
Ở giới doanh nhân, không ít doanh nghiệp đã phát lòng hảo tâm cho cộng đồng. Tập đoàn Vingroup tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19, Tập đoàn FLC tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ Bộ Y tế, TH tặng 1 triệu ly sữa trị giá 8 tỉ đồng cho bác sĩ, cán bộ y tế và người dân bị cách ly, Grab Việt Nam tặng 100.000 khẩu trang y tế cho Bộ Y tế, Công ty CP Y tế Danameco trao tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) 30.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ chống dịch cùng 5 máy monitor theo dõi bệnh nhân...
Cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chỉ trong 1 ngày đã huy động được 5 tỷ đồng từ các cá nhân và doanh nghiệp hội viên để ủng hộ Chính phủ sản xuất 10.000 bộ kit phát hiện nhanh virus Covid-19…
Còn rất nhiều hành động như thế, từ các nghệ sĩ, người nổi tiếng cho đến các doanh nhân. Tại các địa phương, nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác bình ổn giá, cung cấp khẩu trang miễn phí để hỗ trợ người dân phòng chống dịch.
Con số ủng hộ vẫn còn nối dài ra thêm nhiều, nhiều nữa, vì một khi những hành động tốt, sẻ chia yêu thương đã khởi phát, nó như cơn sóng lan trên mặt hồ, tác động đến trái tim, khiến người ta phải nhìn nhận lại, mở rộng tấm lòng hơn, hòa chung vào nhịp sẻ chia đang rộng khắp.
Hãy hành động, đừng thở than
Covid - 19 gây bao nỗi phiền lo, mất mát, nhưng đồng thời, con virus như một thấu kính lộ diện. Từ đây, người ta có thể thấy được chính mình, thấy được lòng người giữa nỗi hoang mang, sợ hãi.
Dịch bùng phát ở Trung Quốc, tỉ phú Diêm Chí đã trở thành một huyền thoại, khi thay vì chọn ra đi để an toàn, ông ở lại, dùng khối tài sản và hệ thống kinh doanh khắp thế giới của mình sát cánh cùng người dân Vũ Hán vượt dịch.
Tse Chun-ming, chủ tập đoàn y tế có tiếng, đang sinh sống tại Hồng Kong đã vượt qua sợ hãi đến Vũ Hán giữa dịch bệnh để ủng hộ tinh thần y, bác sĩ. Một số doanh nhân khác trở thành tình nguyện viên chống dịch. Bên cạnh đó, vẫn có những người trốn chạy bất chấp, những người tuyệt vọng đến mức rải tiền khắp nơi.
Xã hội nào cũng tồn tại nhiều luồng thái độ trước một sự việc như thế. Tại Việt Nam, cạnh những nghệ sĩ tâm huyết, thiện nguyện đầy tấm lòng sẻ chia, vẫn có những nghệ sĩ như nữ diễn viên Trà My, lên mạng phát ngôn vô cảm “cảm ơn Cô Vy” vì giúp dân số thế giới giảm bớt; như Vũ Khắc Tiệp, trốn cách ly, than phiền phức khi bị cách ly, gây khó dễ cho nhân viên y tế, chỉ vì cái sự “tiện lợi” của bản thân.
Hay cũng là doanh nhân, có những doanh nhân ủng hộ tiền bạc, sức lực cho việc chống dịch; có những doanh nhân gồng gánh, nỗ lực để nhân viên vẫn đảm bảo việc làm, không sa thải một ai. Nhưng cũng có những doanh nhân bày tỏ bất mãn, than thở, kêu cứu. Có người trục lợi, chấp nhận trở thành “gian thương” trong mùa dịch để kiếm lợi nhuận từ bất an của người dân.
Lại có cả doanh nhân, dù là Chủ tịch Hội Doanh nhân một địa phương, nhưng gian dối khai báo y tế sau khi đi nước ngoài về, gây khổ không chỉ cho chính địa phương ấy, mà lây nhiễm Covid - 19 cho nhiều người, khiến cả hệ thống y tế phải vất vả…
Nếu giàu có, địa vị xã hội có thể đến từ sự nỗ lực, hoặc may mắn và cả số phận, thì sự tử tế chỉ có thể đến từ một điều duy nhất: Sự lựa chọn của mỗi người.
Trong đại dịch, trong thiên tai, trong khó khăn chung của người Việt và toàn thế giới, ai cũng có những mất mát, thiệt hại, buồn khổ nhiều hay ít. Nhưng tùy ở cách của mỗi người đối mặt với nó: Chọn thở than, oán trách, tiêu cực, đòi giúp đỡ hay chọn sự rộng lòng, chọn hành động, sẻ chia nỗi khó khăn với cộng đồng mà đưa lại kết quả khác nhau.
Ngồi yên than trách, nỗi khó khăn càng nhân lên bội phần. Chỉ có tình yêu thương, sự chung tay chia sẻ mới có thể giúp cả cộng đồng cùng vượt qua gian nan. Khi lựa chọn sự sẻ chia trong hoạn nạn, là bởi lòng trắc ẩn, lòng thơm thảo mà mỗi người có thể đóng góp cho đồng bào, cho quê hương mình. Cho những ấm lòng và hạnh phúc được trao đi...