Thư viện miễn phí, đọc để cảm nhận sự “tử tế”
Nằm trong con ngõ nhỏ 67, Lê Thanh Nghị, Hà Nội, căn nhà số 33 luôn tràn ngập tiếng cười. Đây là nơi đặt thư viện miễn phí mang tên Dfree Book. Thư viện được anh Hoàng Quý Bình – sinh viên năm cuối Đại Học Bách Khoa Hà Nội thành lập gần một năm. Ban đầu số lượng sách chủ yếu do Bình mua từ năm nhất được hơn 300 cuốn, dần dần rất nhiều cuốn khác từ sự đóng góp của bạn bè và các “mọt sách” gửi tặng D Free Book. Hiện tại đã có hơn 1000 đầu sách về các thể loại như self help- sách kỹ năng, kinh doanh, tư duy, văn học lịch sử, trinh thám, sách thiếu nhi,…
Dfree Book là nơi nhiều bạn trẻ tìm đến để đọc sách và mượn sách |
Trò chuyện với Bình, anh chia sẻ rằng để sách nằm im là sách chết.“ Mình mong muốn làm sao những cuốn sách hay đến tay nhiều người nhất, và việc của chúng mình là làm thế nào để điều đó được thực hiện, để lan toả và giữ gìn những cuốn sách. Nếu chúng bị mất hay thất lạc là do lỗi của mình, vì mình không làm tốt. Mình chỉ có một khát khao làm sao để thật nhiều thật nhiều người đến với sách”.
Thư viện không chỉ là nơi đọc sách, Bình và các cộng sự đã biến nơi đây thành một ngôi nhà chung. Tất cả mọi người đều có thể đến đọc sách – học tập – chia sẻ. Ngoài hoạt động mượn sách miễn phí, thư viện còn là nơi các nhóm bạn trẻ đến học ngoại ngữ như tiếng Nhật, Anh, Pháp…Cạnh đó, họ cùng nhau chia sẻ sự tử tế, lắng nghe những câu chuyện học tập, đời sống, tuổi trẻ.
Đều đặn hàng ngày, Dfree đón tiếp nhiều bạn đọc từ khắp mọi nơi đến đọc sách và mượn sách mang về. Từ em bé tiểu học đến các cụ già 80,90 tuổi cũng đến ủng hộ. Việc mượn sách cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần ghi tên – số điện thoại là có thể đem sách về nhà đọc. Các bạn trực thư viện chia sẻ: “ Thư viện là nơi các bạn tôn trọng tính tự giác, không ràng buộc, thứ duy nhất đặt cọc đó là niềm tin”.
Những lớp học 0 đồng vì ngày mai tươi sáng
Ngay giữa lòng Hà Nội, có những lớp học miễn phí vẫn đều đặn hằng ngày diễn ra vào mỗi buổi tối. Đó là hoạt động của câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng” ( viết tắt ACE ), được duy trì bởi rất nhiều bạn trẻ trên toàn địa bàn thành phố.
Các bạn sinh viên ACE dạy các em làm thiệp năm mới tại làng trẻ SOS Hà Nội |
Ban đầu, ACE chỉ là lớp học miễn phí tại làng trẻ SOS Hà Nội, chỉ vài người tham gia. Dần dần, những vòng tay nối dài, ACE đã mở rộng ra nhiều quận, huyện trên địa bàn nội thành. Hiện tại CLB gồm 200 thành viên, các bạn sinh viên dạy học miễn phí cho các em ở Làng trẻ SOS và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Cầu Giấy, Bách Khoa, Đồng Tâm, Bạch Mai…
Những lớp học thắp lửa trái tim, không đơn thuần là dạy kiến thức mà còn chia sẻ tình người. Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, em mồ côi, em lạc gia đình, may mắn hơn có bố mẹ nhưng nhà không có điều kiện. Vì vậy, những “thầy,cô” đặc biệt của ACE vừa dạy chữ, vừa là người anh/chị đồng hành cùng các em trong cuộc sống.
Bên cạnh việc dạy học miễn phí cho các em học sinh, ACE còn tổ chức nhiều hoạt động, nhất là trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán, CLB tổ chức gói bánh chưng ở Làng SOS, ở phường, trung tâm điều trị lao tại Thái Bình, Hà Nam; hướng dẫn các em tự tay làm thiệp để tặng cô bác lao động nghèo, bác bán hàng rong, cô bác tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị. Trong các dịp lễ, tổ chức Trung thu, Noel và Tết thiếu nhi cho các em và thường xuyên vận động, gây quỹ để tặng học bổng cho học sinh nghèo…ACE còn dạy các em sự tử tế và biến nó thành những hành động để lan tỏa sự nhân ái trong cuộc sống.
Anh Hoàng Quý Bình – một trong những anh cả của ACE chia sẻ: “Giáo dục rất quan trọng, không có kiến thức không làm được gì cả. Ngoài kiến thức còn là lòng yêu thương”.
Khác với các CLB khác, ACE không có tình nguyện viên, tất cả các thành viên sống dưới một mái nhà chung. Người tham gia giảng dạy được gọi là các “anh,chị” – những người đồng hành với các em trong quá trình học. Tham gia ACE, cũng không cần phỏng vấn chỉ cần có nhiệt thuyết và khát khao được cho đi là có thể đồng hành cùng ACE lan tỏa kiến thức và sự tử tế.
Các bạn trẻ ACE và các em nhỏ trong chương trình “Nụ cười cho em” tại làng trẻ SOS. Nguồn: CLB |
“Không sống tử tế, chờ đến bao giờ”
Chuyện của Bình, của thư viện Dfree, của các bạn ACE – ngày mai tươi sáng… là những “nốt trầm đáng quý” giữa cuộc đời. Họ là những người trẻ, nhiệt thuyết, đam mê và đang sống những ngày tháng thanh xuân không hề lãng phí.
Có vài người cho rằng các cô cậu thanh niên lo chuyện bao đồng, “ăn cơm nhà vác tù vả hàng tổng”. Chuyện vốn chẳng có gì to tát, hay có ý kiến hoài nghi về sự bền chặt của những thứ miễn phí giữa xã hội “ xa xỉ lòng tin” này. Tuy nhiên, các bạn trẻ của Dfree, ACE hay hàng trăm bạn thanh niên tình nguyện vẫn bền bỉ dành thanh xuân của mình để đi “lan tỏa sự tử tế” trong cuộc sống.
Trò chuyện với Diệp một thành viên của ACE, cô gái luôn thường trực nụ cười nhân hậu. Diệp chia sẻ: “ Việc tử tế không cần là một tổ chức quá hay câu lạc bộ quá to tát, bất cứ ai cũng làm được. Tham gia ACE mình nhận được rất nhiều thứ, đặc biệt là học cách sống tử tế, biết cho đi và nhận lại. Ở đây có người cho đi, có người nhận lại”.
Tiếp xúc với các bạn trẻ tại Dfree Book hay ACE, điều nổi bật nhất là tuổi trẻ, tư duy mới và cách sống rất đẹp. Mỗi bạn hoàn cảnh, một công việc nhưng họ tìm đến nhau bằng sự tử tế từ chính cái tâm của mình.
Lan Vy - sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Với mình, tuổi trẻ là sự trải nghiệm những điều tốt đẹp. Chúng ta sống chỉ cùng lắm 1 thế kỷ, sự tồn tại của mình rất bé nhỏ và mình sống sao để lan tỏa sự tử tế đến mọi người và thế hệ sau”.
Những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng họ đã ý thức được sự sẻ chia trong cuộc sống. Đó là tư tưởng sống có ích cho cộng đồng, xã hội, những ý thức về sự tử tế để hình thành một môi trường sống đẹp. Khi xã hội đang ngày càng phát triển đi kèm với rất nhiều những tệ nạn, nhiễu nhương thì các hoạt động như Dfree Book, ACE đáng để chúng ta ủng hộ và cùng nhau lan tỏa sự tử tế đến cộng đồng.
Anh Quý Bình chia sẻ rằng: “Khi nói đến giàu có người ta thường nghĩ vật chất, nhưng đối với mình đó là giá trị con người. Một con người sống phong phú đa dạng, đó là con người giàu có. Bởi chúng ta sống để chúng ta được hạnh phúc”.
Khi người ta vẫn hoài nghi về sự miễn phí, thì những bạn trẻ này lại đi tìm những giá trị 0 đồng. Những “cái điên đầy ý thức” của tuổi trẻ để sống một cuộc sống không hoài phí. Kệ những hoài nghi, họ cùng nhau lan tỏa những “sự tử tế miễn phí” đến xã hội, và đây mới là giá trị chân quý mà cuộc sống xô bồ ngày càng thiếu vắng…