Nhiều phụ nữ, trẻ em khuyết tật chịu sự phân biệt trong gia đình
Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên công bố kết quả Điều tra quốc gia quy mô lớn về người khuyết tật. Theo đó, khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, công bố năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục…
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự khó khăn về kinh tế, bí bách về tinh thần trong các đợt giãn cách xã hội khiến bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng gia tăng, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành tăng cao. Thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, số trường hợp gọi đến tổng đài “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm để tham vấn về BLGĐ tăng gần 60% so với năm 2020 (và tăng hơn 230% so với năm 2019), trong đó không ít nạn nhân là phụ nữ và trẻ em khuyết tật trong gia đình.
Tại Hội thảo tham vấn dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) do Bộ VH,TT&DL tổ chức đầu tháng 12/202, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh báo cáo về quy trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có 9 chương, 80 điều, so với Luật 2007, dự thảo mới tăng 3 chương và 34 điều. Ngày 01/10/2021, Bộ VH,TT&DL đã đăng dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ VH,TT&DL để xin ý kiến nhân dân thời hạn 60 ngày. Trong thời gian trên, Bộ VH,TT&DL cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo để xin ý kiến các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các quy định của Luật. Bà Trần Tuyết Ánh cho biết, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã chỉnh sửa từ ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) hiện hành được thực thi hơn 13 năm qua đã và đang cho thấy sự tồn tại của một số quy định còn bất cập. Nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi BLGĐ khiến nhận thức về BLGĐ khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân.
Tháng 10/2021, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân để chuẩn bị cho việc dự thảo Luật sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022. Một trong những vấn đề được đưa ra lấy ý kiến là bổ sung khái niệm về BLGĐ, theo đó “phân biệt, kỳ thị giới, giới tính và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình” cũng là một hình thức BLGĐ.
Trên thực tế, sự phân biệt, kỳ thị giới, giới tính và các đặc trưng cá nhân được thể hiện rõ nhất đối với nhóm người khuyết tật và cộng đồng LBGB (cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới) trong gia đình.
Pháp luật cần vươn rộng cánh tay bảo vệ các nhóm yếu thế
Tại Hội thảo chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật PCBLGĐ sửa đổi với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức xã hội tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện tháng 7/2021, bà Trịnh Thị Lê – Điều phối viên dự án Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gần gấp 4 lần so với trẻ em không khuyết tật và dễ trở thành nạn nhân của bạo hành và xâm hại hơn trẻ không khuyết tật. Hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ về BLGĐ với trẻ khuyết tật nhưng trên thực tế trẻ khuyết tật phải trải qua rất nhiều câu chuyện BLGĐ. Người gây ra bạo lực với trẻ em có thể là anh chị em của trẻ, những người thiếu kiên nhẫn hoặc thiếu tôn trọng trẻ em khuyết tật.
Ở một góc độ khác, ông Lương Thế Huy – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) nhấn mạnh, nhóm người trong cộng đồng LGBT cũng là nhóm đang phải chịu hành vi BLGĐ là sự kỳ thị giới, giới tính. Ông Huy chia sẻ: “Những người LGBT bị bạo lực bởi nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội nhưng bị bạo lực nhiều nhất bởi chính những người trong gia đình. Trẻ em LGBT vẫn bị xem là “ngộ nhận”, “đua đòi” và “cần chữa trị”, hay nhẹ hơn là “định hướng giáo dục lại cho đúng” hay trì hoãn sự chấp nhận thay vì hỗ trợ giúp đỡ tiếp cận tới các thông tin đúng vì cho rằng như thế là “chịu thua” hay “khuyến khích con cái lệch lạc”. Các hình thức bạo lực thể xác khá phổ biến do bố mẹ nghĩ rằng con mình bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc hoặc xâm phạm đời sống riêng tư”.
Cũng theo ông Huy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhưng nguyên nhân gốc rễ chính là các định kiến về giới và tình dục. Bạo lực với người LGBT chính là bạo lực trên cơ sở giới, tuy nhiên Luật PCBLGĐ vẫn chưa nhắc đến nhóm những người LGBT. Do vậy, các gia đình, chính quyền và các cơ quan liên quan và chính những người LGBT chưa nhận thức được việc áp dụng luật này để phòng và bảo vệ họ khỏi bạo lực từ chính những người thân trong gia đình.
Từ những chia sẻ này, ông Huy đưa ra các đề xuất: “Rất cần thiết có các chương trình truyền thông sâu rộng để những người dân ở cộng đồng, thành viên gia đình, lãnh đạo địa phương, công an, những người làm công tác giáo dục và chính bản thân người LGBT nhìn nhận rõ hơn về vấn đề bạo lực với họ cũng như các hậu quả của nó. Việc hiểu rõ bản chất của các bạo lực này cũng sẽ giúp cho việc áp dụng hiệu quả hơn các khung pháp lý về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ và bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam. Ngoài ra, việc bổ sung các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, việc làm, giáo dục, pháp lý cho người LGBT và thành viên gia đình của họ là việc quan trọng. Các chương trình PCBLGĐ và bảo vệ trẻ em cần phải đưa nhóm LGBT vào là một nhóm đối tượng được pháp luật về gia đình bảo vệ”.
Tăng mức phạt với hành vi BLGĐ mà nạn nhân là người khuyết tật, bởi đây là nhóm yếu thế, không có khả năng tự vệ - đó là quan điểm của bà Trịnh Thị Lê – Điều phối viên dự án Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng. “Chúng tôi đề nghị các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính (như giáo dục bắt buộc, phạt lao động công ích...) nhằm đa dạng hóa hình thức xử phạt, tăng tính khả thi cũng như tăng hiệu quả răn đe, giáo dục của các chế tài xử lý vi phạm hành chính. Cần tăng mức phạt tiền đối với các hành vi BLGĐ mà nạn nhân là trẻ khuyết tật, bổ sung một số chế tài đối với một số hành vi BLGĐ đang xảy ra phổ biến trên thực tế như hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng, đặc biệt là đối với trẻ khuyết tật”, theo bà Lê.