Tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của nhân dân
Báo cáo tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó thủ tướng cho hay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật…
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật” được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9.93%; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến; tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến; chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến; thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị Nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.
Theo Phó thủ tướng cho biết, dự thảo luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…).
Về chế độ sử dụng các loại đất, ý kiến đóng góp tập trung vào thời hạn sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung cho công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo… Ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa đất công do nhà nước quản lý, trong đó có đất an ninh quốc phòng để có chế độ quản lý đất công đặc thù.
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu chính sách tài chính đất đai, giá đất
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị rà soát tên gọi một số khoản thu ngân sách từ đất đai, được quy định tại Điều 149.
Cụ thể, Điều 149 quy định, các khoản thu ngân sách từ đất đai bao gồm: Tiền sử dụng đất khi được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê; Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai; Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai… Đại biểu cho rằng cần ghi rõ tên các loại thuế để đảm bảo chính xác, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, dự thảo Luật sửa đổi chưa thể hiện rõ nội dung chính sách nhằm thu thêm từ đất không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, cũng như điều tiết phần giá trị tăng thêm này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nội dung này cùng các giải pháp tổ chức thực hiện tạo lập và sử dụng các nguồn điều tiết, theo đó có thể bổ sung thêm nội dung thu từ điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất do nhà nước đầu tư thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không phải do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, để có cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần làm rõ, mở rộng hơn phạm vi về vùng phụ cận để đảm bảo sát với thực tiễn áp dụng luật trong thực tế, cần xem xét các khu vực có tiềm năng tăng giá trị để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở để tăng thu nguồn lực này.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất dù đây là vấn để khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường.
Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 3 thì khó có thể sắc chính xác đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất quy định tại khoản 4 Điều 150. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước.