Sửa Luật để tăng cường hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn đề nhức nhối liên quan tới vấn nạn bạo lực gia đình hiện nay là không ít nạn nhân chưa được xem xét giải quyết đầy đủ, thậm chí còn bị đổ lỗi.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập của pháp luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, vấn đề tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình sẽ được đặc biệt quan tâm.

Hình minh họa

Hình minh họa

Liên tiếp tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực gia đình

Đầu giờ chiều ngày 13/8/2021, tổng đài 1900 96 96 80 tiếp nhận cuộc gọi của chị N.T.N về việc xin tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam do bị chồng bạo lực. Ngay lập tức, khoảng 13h50 cùng ngày, phòng Tham vấn Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hỗ trợ 3 mẹ con trong tình trạng khẩn cấp.

Chị N đến trong tình trạng bị bạo lực nghiêm trọng, toàn thân bị đánh, tinh thần hoảng loạn. Ba mẹ con đến xin tạm lánh khi trên người không mang theo được bất kỳ thứ gì, giấy tờ tùy thân đã bị người chồng xé hết, người mẹ chỉ kịp mang theo 2 đứa con đi tìm kiếm sự an toàn.

Đây là một trong những trường hợp giải cứu khẩn cấp của Ngôi nhà Bình yên ở thời điểm nhiều tỉnh, thành cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 1900 96 96 80 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình (BLGĐ).

Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về BLGĐ đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị BLGĐ của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam.

Để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân BLGĐ, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển mới đây đã tổ chức hội thảo hỗ trợ người tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên với sự tham gia của các ban, ngành liên quan.

Tại Hội thảo, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát Triển, Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong quá trình hỗ trợ người tạm trú, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà bình yên gặp không ít khó khăn trên hành trình họ đang theo đuổi.

Đơn cử như trường hợp cụ thể của một phụ nữ bị BLGĐ, chị đến Phòng Tham vấn nhưng không có giấy tờ tùy thân bởi đã bị người chồng bạo lực giữ hết. Qua trao đổi, nhân viên của Ngôi nhà Bình yên nhận thấy chị bị BLGĐ ở cả 4 dạng (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế).

Tuy nhiên, vấn đề bạo lực của chị chưa được chính quyền địa phương xem xét giải quyết đầy đủ, nạn nhân bị đổ lỗi. Do vậy, Ngôi nhà Bình yên gặp khó khăn trong công tác phối hợp, giải quyết vấn đề bạo lực của nạn nhân. Vấn đề an toàn của chị và các con chưa được quan tâm, đảm bảo.

Tăng cường tối đa bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực

Sau 13 năm Luật Phòng chống BLGĐ áp dụng vào cuộc sống, tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực. Song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng.

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. Chính vì thế, việc tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007 là rất cần thiết.

Hiện nay, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) đang được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ VH-TT&DL lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, thời gian góp ý trước ngày 1/12/2021. Khắc phục những bất cập, hạn chế từ Luật hiện hành là quyết tâm của ban soạn thảo trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Cụ thể, Bộ VH-TT&DL cho biết, dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính: các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống BLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống BLGĐ.

Theo ban soạn thảo, Luật Phòng chống BLGĐ sửa đổi có tác dụng “đi tắt, đón đầu” ngăn ngừa phòng chống BLGĐ với nhiều điểm mới được xác định như: nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi BLGĐ; quy định rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung và đối tượng của truyền thông, giáo dục về phòng chống BLGĐ; mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong phòng chống BLGĐ; nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ;

Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ phòng chống BLGĐ; quy định rõ các điều kiện đảm bảo cho công tác PCBLGĐ, trong đó HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hằng năm trong Nghị quyết phải có danh mục phân bổ kinh phí chi cho lĩnh vực gia đình (trong đó có phòng chống BLGĐ); xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng chống BLGĐ.

Đọc thêm