Suất cơm ấm lòng người nghèo khó
Gần một tháng nay, vào khoảng11h các trưa thứ 2, thứ 4, thứ 6 quán cơm Yên Vui nằm trên đường Phùng Khắc Hoan, phường Hưng Dũng, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) lại có hàng loạt người xếp hàng để được vào mua cơm. Phần đa khách ăn cơm là những bệnh nhân đang điều trị tại một số bệnh viện gần đó như Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Mục đích hoạt động của quán Yên Vui nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những lao động nghèo, bệnh nhân khó khăn. Thực đơn của quán có đủ món mặn, xào, canh, hoa quả tráng miệng… nhưng giá chỉ có giá 2 nghìn đồng.
Chị Phạm Thị Thủy, quản lý quán cơm chia sẻ: Yên Vui là một trong chuỗi các quán cơm từ thiện của Quỹ Bông Sen trên nhiều tỉnh thành cả nước và là quán cơm đầu tiên tại Nghệ An. Quán mở cửa một tuần ba bữa, phục vụ cơm trưa các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6. “Mức giá 2 nghìn đồng chỉ mang tính tượng trưng để thực khách không cảm thấy áy náy khi vào ăn. Còn phần lớn chi phí thực phẩm, nấu nướng, mặt bằng... đều được các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tài trợ. Tất cả tấm lòng thơm thảo bằng tiền hoặc hiện vật gửi tặng quán đều được ghi chép lại cẩn thận. Không chỉ phục vụ bệnh nhân nghèo mà bất kỳ ai khó khăn khi đến với quán đều được ăn suất cơm đủ dưỡng chất với giá 2 nghìn đồng”, chị Thủy cho biết.
|
Khách hàng của quán đa phần là người nhà bệnh nhân nghèo. |
Vừa ăn xong suất cơm nóng hổi, em Trần Đình Bảo (11 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nhận xét: “Cháu thấy cơm ở quán Yên Vui rất ngon, hợp với khẩu vị của cháu. Dù đang đau bệnh, nhưng cháu vẫn ăn gần hết suất cơm này. Cháu cảm ơn cô chú rất nhiều”. Bảo hiện đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Cách đây ít tháng, Bảotình cờ phát hiện cục hạch ở cổ và từ đó đến nay đã theo mẹ xuống viện điều trị. Dù đau đớn, nhưng Bảo tỏ ra rất quyết tâm để chữa khỏi bệnh, sớm trở lại trường cùng các bạn.
Đứng xếp hàng dài đợi đến lượt mua phiếu nhưng ông Phan Thanh Huyền (quê Diễn Châu, Nghệ An) người đang điều trị ung thư dạ dày khá điềm tĩnh. Căn bệnh hiểm nghèo khiến ông đi viện như cơm bữa, cứ mỗi đợt điều trị kéo dài đến vài tuần. Đều đặn ngày hai bữa ông mua cơm bụi ăn, buổi sáng lót dạ tạm chiếc bánh mì hay bắp ngô.
“Với người nghèo như chúng tôi một nghìn cũng quý. Bình thường tôi chỉ dám ăn suất cơm bụi 20 nghìn để có sức dùng thuốc. Từ hôm quán cơm này mở, tuần ba buổi trưa tôi ra đây ăn. Suất 2 nghìn đồng nhưng có thức ăn mặn, cơm, rau, canh, hơn cả cơm 20 nghìn vẫn mua. Hàng quán sạch sẽ, cơm canh ngon, thái độ phục vụ chu đáo...”, ông Huyền cho hay.
Lan tỏa tình người
Chị Thủy cho biết, đa số những người phục vụ ở đây từ đầu bếp, nhân viên bưng bê, hướng dẫn, bán phiếu đều là tình nguyện viên, làm việc không lương.Mỗi người có một nghề riêng nhưng cứ đến hôm quán mở cửa lại sắp xếp đến dọn dẹp, chuẩn bị bát đũa, phục vụ các bệnh nhân. Ai nấy đều muốn đóng góp một chút sức nhỏ của mình để phục vụ những hoàn cảnh khó khăn.
Chị Phạm Thị Thanh Hoa (35 tuổi, quê xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là một điển hình. Chị Hoa là mẹ của 4 đứa con thơ. Để nuôi các con và bố mẹ, chị mở một quán bán đồ ăn sáng nhỏ tại địa phương. Thu nhập vừa đủ để chị trang trải cuộc sống, lo học hành cho các con.
Dù vậy, từ khi biết đến quán cơm Yên Vui, người phụ nữ trẻ này đã giảm bớt công việc của mình để đến quán sớm. “Vào các ngày quán cơm hoạt động, tôi lại chủ động thu xếp việc kinh doanh, vượt 15 km để vào đây. Đến khi quán dọn dẹp xong xuôi thì tôi lại đi xe máy về nhà. Tôi làm vì cái tâm, mình không có nhiều tiền thì đóng góp chút công sức để quán cơm hoạt động hiệu quả”, chị Hoa chia sẻ.
|
Những suất cơm đủ dưỡng chất có gía 2000 đồng. |
Cũng mang tinh thần thiện nguyện, một tuần ba buổi, anh Nguyễn Trung Hiếu lại xin phép quán ăn nơi mình đang làm việc để được đến phục vụ quán cơm Yên Vui. Là nhân viên quán ăn lâu năm nên những công việc tại quán Yên Vui không còn xa lạ với anh. Chàng trai 32 tuổi lại tỏ ra nhanh nhẹn trong việc sắp xếp khách vào quán, dọn dẹp, bưng bê.
Vào thời điểm cao điểm, không kể quản lý hay nhân viên, không cần phân công, mỗi người đều đảm trách từ bưng bê, tiếp cơm, canh, rửa khay bát để quay vòng phục vụ được nhiều khách hơn. Thực khách sau khi ăn cơm đều tự động đứng dậy thu dọn khay bát, phụ giúp quán rửa dọn.
Hiện nay, mỗi buổi quán phục vụ 100 suất cơm nhưng dự trù thêm 20-30 suất vẫn không đủ. Thậm chí khi thức ăn hết nhẵn mà khách vẫn xếp hàng dài, quán phải đề nghị đổi sang mì tôm trứng để đảm bảo không ai đến quán mà nhịn đói ra về.
Quán cơm phi lợi nhuận nên ngoài thức ăn mặn thuê một khách sạn nấu để đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như chất lượng và chi phí thuê mặt bằng, toàn bộ quản lý, nhân viên, phục vụ ở đây đều làm việc không lấy tiền. Dù vậy, các tình nguyện viên đều làm việc với tinh thần trách nhiệm, chu đáo. Bởi với họ, việc được giúp đỡ người khác dù chỉ là công sức nhỏ cũng là niềm hạnh phúc lớn.