Sức chịu đựng trước giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  "Giá đất bị đẩy lên vô tội vạ, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân. Với giá đất bị “thổi” như hiện tại, TP HCM khó thực hiện chương trình xây nhà ở xã hội (NƠXH)", là một trong những nhận định được nêu ra tại Hội thảo khoa học quản lý đất đai trên địa bàn TP HCM, do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TP HCM tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều số liệu được phân tích tại Hội thảo khiến dư luận không khỏi giật mình. Số liệu về số dự án được cấp phép năm 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy gần 90% căn hộ kinh doanh, chỉ 10% căn hộ cho người lao động, thu nhập thấp. Cụ thể, nhà ở thương mại có 126 dự án với 55.732 căn hộ, NƠXH chỉ 9 dự án với 5.526 căn. Tính đến cuối 2023, giá bán bình quân căn hộ ở TP HCM là trên 60 triệu đồng/m2.

TP HCM đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 xây 35.000 NƠXH, bình quân 6.100 căn/năm. Chỉ riêng người dân TP HCM, có hơn 244.000 người thiếu nhà ở. Với tốc độ này, TP HCM cần đến… 40 năm mới giải quyết được chỗ ở cho dân, không kể phát sinh mới. Bình quân diện tích nhà ở theo đầu người của Việt Nam hiện là 10m2 và một chuyên gia cho rằng “thực tế còn thấp hơn. Người lao động, thu nhập thấp không có nhà để ở nhưng nhiều người khác lại sở hữu hàng chục căn nhà. Có DN tư nhân có quyền sử dụng đến hàng trăm, hàng nghìn ha đất”.

Có cùng nhận định, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP nói rằng, có tổ chức tư vấn nước ngoài đã nhận định Việt Nam có đến 90% số người giàu có từ 1 triệu USD trở lên và có đến 99% số người siêu giàu từ 30 triệu USD trở lên có nguồn thu nhập chính từ đất đai, bất động sản. "Đây là con số đáng suy nghĩ", đại diện Hiệp hội nói.

Giá đất tại TP HCM đang bị đánh giá quá cao, khiến chi phí, giá thành sản xuất, kinh doanh của các sản phẩm nhà đất tại TP HCM bị ảnh hưởng. Giá đất quá cao cũng sẽ cản trở thu hút đầu tư của TP. “Giá đất bị đẩy lên vô tội vạ, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân. Với giá đất bị “thổi” như hiện tại, TP HCM khó thực hiện chương trình xây NƠXH", TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (thí điểm cơ chế đặc thù cho TP) nhận định rõ và cho rằng cơ quan thẩm quyền còn chưa sử dụng hiệu quả các công cụ tài chính, quy hoạch trong quản lý đất đai.

Thực tế trên tại TP HCM cho thấy thị trường không thể tự giải quyết được vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, mà cơ quan chức năng cần vào cuộc; quy định pháp luật cần được bổ sung như xem xét đánh thuế cao hơn với những người đầu cơ có quá nhiều nhà bỏ không; xem xét quy hoạch phạm vi, giới hạn đất sử dụng cho nhà ở thương mại; mở rộng các trường hợp đấu thầu thực hiện dự án… Có như vậy mới có thể đạt được các mục tiêu rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo; bảo đảm chỗ ở cho mọi công dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội.

Đọc thêm