Sức ép với đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đang được UBND TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến; đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15m2/người; khu vực ngoại thành 8m2/người (17 huyện và thị xã Sơn Tây).

Nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng pháp luật đã quy định công dân có quyền tự do cư trú; rằng đã bỏ hộ khẩu giấy, sao còn siết chuyện đăng ký hộ khẩu thường trú; rằng điều kiện có khắt khe quá hay không?

Một số thắc mắc trên đã được nhiều chuyên gia pháp lý trả lời rõ ràng trên báo chí. Công dân có quyền tự do cư trú, đi lại, chọn nơi sinh sống; nhưng chuyện đăng ký thường trú lại là vấn đề khác. Bỏ hộ khẩu giấy chỉ là bỏ phương thức quản lý theo cách cũ, chứ không quốc gia hay xã hội nào có thể bỏ mảng quản lý nhân khẩu.

Vậy còn ý kiến đánh giá “quy định khắt khe” thì sao? Thực tế nhiều năm qua cho thấy dân cư Hà Nội chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, đặc biệt là quận mới như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, gây áp lực cho chính quyền trong việc đảm bảo trật tự an toàn, an sinh xã hội. Sĩ số lớp học bậc tiểu học ở nhiều quận thường xuyên trên 50 em mỗi lớp, trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em/lớp; nhiều tuyến đường ùn tắc thậm chí không phải vào giờ cao điểm, ngập lụt khi mưa lớn. Sức ép tăng dân số với Thủ đô là vô cùng ghê gớm.

Trong tờ trình, UBND TP Hà Nội cũng lý giải cơ sở pháp lý để xây dựng dự thảo là Luật Cư trú 2020. Điều 20 của Luật quy định người thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú phải đáp ứng điều kiện diện tích về nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người; và với một số địa phương đang có áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh, Luật quy định HĐND cấp tỉnh quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú. Quy định như trên nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp yêu cầu quản lý về cư trú và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; đồng thời cũng để các tỉnh, thành có thể điều tiết phân bổ dân cư thông qua điều kiện đăng ký thường trú.

Trên thực tế, Hà Nội đã áp dụng quy định diện tích nhà ở tối thiểu 15m2/người để đăng ký thường trú với trường hợp nhà thuê từ 2013 (Nghị quyết số 11 HĐND TP). Năm 2016, HĐND TP ban hành văn bản kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết đến hết 2020.

Dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn trên, UBND Hà Nội cho rằng việc ban hành văn bản quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết và có tính khả thi. TP cho hay khi nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết đã “bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội”.

Dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến, bất cứ công dân nào cũng có quyền được đóng góp quan điểm của mình vào vấn đề này. Tuy nhiên, cũng cần phải nắm bắt được căn cứ của cơ quan dự thảo như trên, để cuối cùng cơ quan thẩm quyền ra quyết định phù hợp, hài hòa nhất.

Đọc thêm