Sức mạnh toàn dân với tinh thần bất diệt (tiếp theo và hết)

(PLO) - Mặt trận Hà Nội được tổ chức làm ba liên khu. Liên khu 1 là khu vực trung tâm, lực lượng có hai tiểu đoàn (145, 101), 5 đội quyết tử đánh tăng, 1 tổ du kích đặc biệt, 1 đại đội tự vệ Hoàng Diệu, 7 đội tự vệ Thành của 7 khu hành chính, 1 trung đội công an xung phong. 
Các chiến sĩ trận địa Pháo đài Láng chuẩn bị chiến đấu

Liên khu 2 là khu vực Nam Hà Nội, lực lượng có 2 tiểu đoàn (77, 212), 4 đội đánh tăng, một số trung đội công an xung phong. Liên khu 3 là khu vực Tây Nam thành phố, lực lượng có Tiểu đoàn 523, 4 đội đánh tăng, một số tổ du kích đặc biệt, 5 đội tự vệ Thành của 5 khu hành chính. Bộ máy chỉ huy, lãnh đạo Hà Nội cũng được kiện toàn. Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận, ủy ban kháng chiến thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến, đồng chí Vương Thừa Vũ, Khu trưởng Khu 11 làm Phó Chủ tịch, đồng chí Trần Độ làm Chính trị ủy viên khu.

Phối hợp chặt chẽ, phòng thủ phù hợp

Các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, tự vệ Thành, tự vệ xí nghiệp, công an xung phong, dân quân tự vệ ngoại thành đã phối hợp chặt chẽ, phân bố lực lượng phòng thủ phù hợp với khả năng của mình. Vệ quốc đoàn phòng thủ ở những nơi quan trọng, các lực lượng vũ trang Thủ đô đảm nhiệm phòng thủ ở các tiểu khu, đường phố, cơ sở, xí nghiệp... Liên khu 1 là khu chiến đấu hạt nhân, vừa tiêu diệt, tiêu hao địch, vừa thu hút lực lượng chúng tạo thế cho Liên khu 2, Liên khu 3 đánh địch bên ngoài. Liên khu 2, Liên khu 3 đánh địch ở vòng ngoài, ngăn chặn các cuộc tiến công của địch ra ngoại ô, cùng Liên khu 1 hình thành thế trận trong ngoài cùng đánh, hỗ trợ, chi viện cho nhau để tiêu diệt, tiêu hao địch, giam chân chúng trong thành phố.

Sau đợt chiến đấu ban đầu, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội điều chỉnh lại lực lượng để hình thành thế trận “trùng độc chiến” (đánh địch cả phía trong và phía ngoài) đã dự kiến trước. Tiểu đoàn 101 cùng các lực lượng tự vệ Liên khu 1 co về khu vực trung tâm, cố thủ, chiến đấu dài ngày; Liên khu 2 và Liên khu 3 bố trí lại lực lượng để đánh địch tiến công theo các trục đường ra cửa ô. Các liên khu đều bố trí lực lượng hình thành nhiều khu vực, mỗi khu vực có nhiều ổ đề kháng, dựng chiến lũy, chướng ngại vật, dùng chiến thuật “cài then cửa”, buộc địch phải giành giật với ta trên từng đường phố; tại các cửa ô đều tổ chức một lực lượng dự bị thích hợp để sẵn sàng kết hợp cùng lực lượng phòng ngự đánh địch; các đội cảm tử chuyên dùng bom ba càng đánh địch, các tổ du kích đặc biệt bố trí ở các điểm bất ngờ, kiểm soát các ngã ba, ngã tư trọng yếu, chuyên làm nhiệm vụ nghi binh, quấy rối, bắt tỉa và lưu động phục kích. Đồng thời, Bộ Tổng chỉ huy đã tăng cường lực lượng cho Hà Nội, ra quyết định thành lập Trung đoàn Liên khu 1 (Trung đoàn Thủ đô) trên cơ sở các lực lượng vệ quốc đoàn, tự vệ công an xung phong của liên khu, và sáp nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2, để Mặt trận Hà Nội trở thành tiền phương của Khu 2.

Có thể nói, việc tổ chức, sử dụng lực lượng ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang đứng trên địa bàn, hình thành thế trận trong ngoài cùng đánh, toàn dân đánh giặc, toàn dân kháng chiến tiêu diệt, tiêu hao quân địch, giam chân chúng suốt 60 ngày đêm, thực hiện vượt mức nhiệm vụ của Trung ương giao.

Một nội dung quan trọng nữa trong tổ chức, sử dụng lực lượng Thủ đô những ngày đầu kháng chiến đó - là việc tổ chức lực lượng cung cấp, tiếp tế, bảo đảm chiến đấu dài ngày trong thành phố. Thành ủy, Uỷ ban thành phố và Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chỉ đạo chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men và tổ chức các lực lượng tiếp tế, bảo đảm từ trước. Từ tháng 11 năm 1946, nhiều cán bộ của Uỷ ban bảo vệ thành phố, vệ quốc đoàn, tự vệ Thành, công an xung phong đã tỏa xuống các khu phố vận động tổ chức nhân dân tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, mua sắm vũ khí... Trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã vận động được nhiều gia đình đóng góp và tham gia tích trữ lương thực thực phẩm khô, bông băng, thuốc men bảo đảm cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

Về tổ chức các lực lượng bảo đảm, Thành ủy và Uỷ ban thành phố tổ chức Ban vận tải, các đội vận tải, các tổ hồng thập tự, cứu thương, các trạm cấp cứu, bệnh xá, các tổ nuôi quân... ở ngoại thành, các huyện, xã đều tổ chức ban tiếp tế. Thành viên của các đội bảo đảm này được chọn lọc trong các tổ chức quần chúng, các đội viên tự vệ nội, ngoại thành. Đặc biệt trong tổ chức lực lượng bảo đảm cứu thương, Hà Nội đã vận động được nhiều bác sĩ, sinh viên y khoa, y sĩ, y tá tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ ở các tổ cứu thương, các trạm cấp cứu, bệnh xá. Để đảm bảo vũ khí, ngoài các xưởng đã có của Quân giới cục, Mặt trận Hà Nội còn huy động các đoàn thể, doanh nghiệp tư nhân thành lập các xưởng quân giới như: xưởng Hoàng Văn Thụ của Tổng bộ Việt Minh chế tạo lựu đạn và súng Sten; xưởng Tương lai chế tạo bom ba càng; Công ty Vũ khí Phan Đình Phùng (có nhân dân góp vốn) chế tạo lựu đạn và sửa chữa vũ khí cho tự vệ; Công ty Cơ khí Cao Thắng của tư nhân sản xuất phần cơ khí và vỏ lựu đạn cho các xưởng quân giới...

Nhờ có sự chuẩn bị trước và tổ chức tốt lực lượng, Hà Nội đã phát huy được sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm vật chất sinh hoạt, vũ khí, đạn dược, cứu chữa thương binh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu giam chân địch ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Hà Nội đã giành được thắng lợi vẻ vang. Mặc dù còn những khiếm khuyết của những ngày đầu kháng chiến, song nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng của Mặt trận Hà Nội thực sự góp phần quan trọng, quyết định thắng lợi của đợt chiến đấu giam chân địch - một thành công điển hình của nghệ thuật toàn dân đánh giặc và nghệ thuật tác chiến của chiến tranh du kích ở thành phố những ngày đầu kháng chiến.

Đọc thêm