Suốt 33 năm qua, ông Nguyễn Tú Lâm đã dành nhiều tâm huyết, tiền bạc để mua, rút thuốc và trưng bày những trái bom “chết” trong vườn. Mục đích của ông là lưu giữ chứng tích chiến tranh, làm bài học giáo dục đạo đức, lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ông Lâm (xóm 1, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) ao ước lập bảo tàng nhưng điều kiện chưa cho phép. Ông đành làm nhà tạm để trưng bày những trái bom cho bất cứ ai cũng có thể đến thăm.
Khi đó, ông lại đồng thời là người giới thiệu về quê hương, những chiến công mà các cựu chiến binh trong vùng đã làm được, về những trái bom mà ông đã sưu tầm được.
Ông Lâm với bộ sưu tập bom mìn của mình |
Hàng trăm trái bom lớn nhỏ được dựng đứng, hoặc xếp ngay ngắn trong khu vườn cây rộng, ngay sát tỉnh lộ 744 nối từ Thủ Dầu Một đến huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương). Và dù biết trong đó toàn bom “chết”, không còn khả năng sát thương nhưng tôi vẫn rùng mình khi bước vào đó.
Thấy khách có vẻ còn e ngại, ông Lâm trấn an: “Không quả nào còn thuốc cả, nếu mua được quả còn thuốc thì tôi đã nhờ chính quyền và cơ quan chức năng tháo luôn rồi. Chẳng còn quả nào có thể nổ nổi nữa, yên tâm”.
Những trái bom lớn được dựng đứng, theo hàng lối, tiện cho khách quan sát. Trái nhỏ hơn, nhiều hơn được ông Lâm đặt nằm hàng ngang, ai muốn đếm cũng tiện. Còn vỏ pháo thì phải đặt thành đống. Bản thân ông Lâm cũng không thể biết hết tên các loại bom, mà chỉ biết gọi theo cách dân gian: Bom cá mập, bom lu, bom heo, bom B 52, đạn cối…
Theo tìm hiểu, trong thời kỳ chiến tranh xã Thanh Tuyền từng nằm trong khu tam giác sắt (An Tây – Thanh Tuyền - Củ Chi) sát với địa đạo Củ Chi, là nơi máy bay địch thường xuyên trút bom sau mỗi lần oanh kích trở về. Địa phương ngày đó đã ước tính, bình quân mỗi người dân đã phải chịu hơn 1 tấn bom các loại.
Sau khi kết thúc chiến tranh, rất nhiều bom, mìn còn chưa nổ vẫn nằm trong lòng đất, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Từ năm 1977 trở đi, phong trào rà phá bom mìn nơi đây rất rầm rộ. Không ít người đã dùng những mảnh bom để rèn dao, rựa…
Gia đình ông Nguyễn Tú Lâm ngày đó làm nghề rèn, không ít người đã mang vỏ bom đã cưa đến bán nhưng ông Lâm từ chối. Sau đó, ông nghĩ mình từ chối thì người dân sẽ đem bán cho người khác, vỏ bom sẽ bị phá ra.
Phải đến năm 1981, ông Lâm sang thăm khu di tích địa đạo Củ Chi, thấy khách nước ngoài cứ chăm chú nhìn ngắm những trái bom được trưng bày. Rồi những vị khách trong nước nói về sức công phá khủng khiếp của những trái bom này đã trút xuống đầu người dân, vậy mà người dân vẫn anh dũng chiến đấu, bảo vệ đất nước, dành độc lập từ các loại vũ khí thô sơ, ông nghĩ: “Người ta nói về bom như thế, mà ta lại đi xóa bỏ dấu tích đi thì sao đành".
“Tôi đành quyết định thu mua những vỏ bom, đạn để về gìn giữ, coi đó là chứng cứ về sự quật cường của người dân ta”, ông Lâm tâm sự.
Để sưu tầm vỏ bom, đạn, toàn những thứ nặng nề mà cũng tốn kém. Bao nhiêu tiền dành dụm của gia đình đã “đội nón ra đi”, vơi dần theo số lượng “thần chết” được mang về. Cũng bởi ban đầu còn sẵn, mua với giá phế liệu, sau người ta tìm kiếm nhiều.
Khi vỏ bom đạn vơi đi, ông Lâm phải mua với giá rất đắt. Ban đầu ông bị vợ con phải đối. Ông Lâm nói: “Lúc đó, con tôi vẫn tuổi ăn tuổi học, nhà còn nghèo, nhiều người vẫn bảo lo cái ăn đi đã, chứ cứ mua thứ sắt vụn đó về để đó, nó gỉ ra thì phí quá. Tôi phải thuyết phục họ mãi về ý nghĩa của nó, nên mọi người mới ủng hộ”.
Để thỏa sự tò mò, khách nhiều nơi đến khu vườn của ông Lâm xem thăm, một số đến tìm hiểu, một số “đại gia” đến gạ mua để về tạo dựng trong sân vườn. Nhưng ông Lâm từ chối. Ông cho biết, những công ty nào có ý định xây dựng nhà truyền thống, bảo tàng nào muốn vài ba trái để trưng bày, hay những đồng đội thân muốn có một hai trái làm kỷ niệm, ông sẽ nhượng cho, chứ không trao cho người bình thường hoặc dùng làm kinh doanh.
Năm nay đã bước sang tuổi 64, dẫu chẳng dư tiền bạc, nhưng hễ nghe ở đâu có vỏ bom đạn, hoặc người dân đào được là ông Lâm đến để mua. Nhiều người đặt cho cái bảo tàng nhỏ của ông là “Ngôi nhà ký ức” và ông tiếp tục làm giàu có ngôi nhà ấy.
Ước tính đến nay, số tiền đầu tư cho bộ sưu tập đã đến gần 2 tỷ đồng. Nhiều khi, chỉ một trái bom nhỏ cũng “nuốt” của ông Lâm cả chỉ vàng. Nhiều người cho hành động đó là gàn dở, nhưng với ông Lâm, chỉ cần những vị khách đến, hiểu được giá trị của nó, một số người nhìn và nhớ về bài học đạo đức, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta, thế là đủ rồi.
Vì rất gần, tiện trong tuyến du lịch về địa đạo Củ Chi, đền Bến Được, Bến Đình… nên khách cũng coi “Ngôi nhà ký ức” của ông Lâm là một địa chỉ không thể bỏ qua.
Với ông Lâm, thế đã là vui rồi, bởi ông làm cốt cũng chỉ để gìn giữ một giá trị tinh thần, một thông điệp lịch sử. Mà nếu ông không quyết tâm, thì ắt hẳn nhiều điều giá trị cũng sẽ bị mai một bởi thời gian.
Hà Khánh