Tạm gác lại những dự định của bản thân, các bạn trẻ ấy đã biết tự vấn mình “Ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” để sẵn sàng góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ quê hương, thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước.
Khắp phương trời cùng chung một khát vọng
Ngày 16/2/2019 tại lễ gặp mặt thanh niên tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ 2019 và kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, có thông tin đặc biệt gây ấn tượng đã được nêu ra. Đó là mùa tuyển quân năm 2019 có rất nhiều tân binh 9X đã tốt nghiệp đại học tình nguyện lên đường nhập ngũ để được rèn luyện trong môi trường quân đội.
Trước đó 1 năm, năm 2018, trong đợt giao quân cũng đã có gần 3.500 thanh niên Thủ đô nhập ngũ. Trong số này gần 1.200 người viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã nhận lệnh, sẵn sàng lên đường, có nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu là cử nhân đại học, đảng viên trẻ hay lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… đặc biệt có 5 nữ thanh niên viết đơn lên đường nhập ngũ....
Tân binh Nguyễn Doãn Hiệp (24 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội vừa tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, đã viết đơn tình nguyện để được gia nhập quân ngũ năm 2019. Hiệp chia sẻ: “Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mình đã được tìm hiểu qua sách báo và cảm phục những người lính Cụ Hồ, nên mình đã có mơ ước được vào quân ngũ. Đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của bản thân”. Hiệp sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em.
Hiệp là con út và cũng là con trai duy nhất, nhưng gia đình Hiệp vẫn ủng hộ để vào quân đội vì cho rằng đó là một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thanh niên với Tổ quốc. “Bố mình luôn động viên là thanh niên nên có những trải nghiệm mới, để rèn luyện tốt bản thân và sau này cống hiến cho đất nước. Bố cũng dặn dò ở nhà đã có bố mẹ, anh chị lo lắng rồi, cứ yên tâm lên đường nhập ngũ để không phụ công của mọi người” - Hiệp cho biết.
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Bác Hồ, ước mơ lớn nhất của cậu thanh niên sinh năm 1993 Hà Trung Đức là trở thành bộ đội. Tốt nghiệp đại học loại khá, trong khi các bạn làm hồ sơ xin việc thì Đức viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Đức là một trong 204 thanh niên Nghệ An có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhập ngũ lần này. “Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Môi trường quân ngũ là một trường học lớn để em rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu trưởng thành hơn” - tân binh Hà Trung Đức cho biết.
Sinh năm 1999 nhưng Nguyễn Mạnh Tuấn (ở ấp 2, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã đứng trong hàng ngũ của Đảng được gần một năm. Ở địa phương, trước khi nhập ngũ, Tuấn tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại Ban CHQS xã và cũng tại đây nhờ lối sống đạo đức tốt và học tập, tu dưỡng phẩm chất chính trị cùng với năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tuấn được kết nạp Đảng.
Đợt tuyển quân năm nay, Tuấn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tuấn cho biết: “Em đã sẵn sàng và đang mong từng ngày, từng giờ để được mặc trên mình màu xanh áo lính, khoác ba lô lên vai thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Là đảng viên trẻ, em thấy mình phải có trách nhiệm hơn, góp phần bảo vệ Tổ quốc”.
Lê Văn Nam, tân binh ở thôn Bái, xã Yên, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cho biết, em sinh ra trong một gia đình thuộc diện kinh tế khó khăn, bố mẹ làm ruộng, nhà có 3 anh em trai. Anh trai em là Lê Văn Thiện sau khi học xong THPT, năm 2017 đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, hiện đang phục vụ trong quân đội; em trai là Lê Hồng Minh, học sinh Trường THCS Yên Thành, còn Nam học xong THCS thì đi học nghề và đi làm xa nhà tận Quảng Ninh.
Cứ mỗi mùa tuyển quân đến, năm sau nhiều hơn năm trước, có hàng trăm thanh niên ưu tú trên khắp cả nước đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Ảnh minh họa |
Vẫn biết mình là thuộc diện được tạm miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ vì có anh trai đang phục vụ tại ngũ trong quân đội, nhưng Nam vẫn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nam chia sẻ: “Ngay từ khi còn học phổ thông, em đã mong muốn được đứng trong hàng ngũ quân đội. Thế nên, tuy đang đi làm xa nhà, nhưng nhận được lệnh em đã về ngay để sơ, khám tuyển”.
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”
Thông điệp này trong sáng tác “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng được rất nhiều người thích, nhưng ít người biết rằng tứ này đã được nhạc sĩ nhắc lại từ một câu hỏi nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 19/1/1955, tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Câu nói này đã được Báo Nhân dân số 326 ngày 21/1/1955 đăng tải.
Và cũng trong bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” còn có câu hát: “Dù lên rừng, hay xuống biển/Vượt bão dông, vượt gian khổ/Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước người ơi”. Câu hát này đã thể hiện được suy nghĩ của rất nhiều thanh niên ngày nay.
Còn nhớ đợt tuyển quân năm 2017 tại TP HCM, trong số gần 4000 công dân thành phố lên đường nhập ngũ, có 5 nữ tân binh cùng gia nhập vào Trường Quân sự Quân khu 7. Họ là 5 trong số hơn 2.000 bạn trẻ ở TP HCM tình nguyện viết đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cô gái Trần Thị Giao Linh (sinh năm 1992) nổi bật trong số các tân binh vì vẻ ngoài xinh đẹp của mình.
Nói về nhan sắc của Linh, không mấy bất ngờ khi cô từng là Á khôi 1 cuộc thi Duyên dáng Áo dài, Á khôi Miss Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành và Linh cũng từng tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016. Lí do mà Linh cống hiến đời mình cho quân đội là: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai?
Sau khi tốt nghiệp em cũng có nhiều cơ hội việc làm nhưng em quyết tâm dự thi để được trúng tuyển lên đường nhập ngũ. Em cho rằng khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S này thì mỗi cá nhân đều có trách nhiệm đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm đó không phân biệt bạn là nam hay nữ. Và em mong rằng ngày càng có nhiều bạn nữ sẵn sàng tiếp bước. Một cá nhân như em chưa thể làm nên điều gì lớn lao nhưng nhiều người hợp sức sẽ làm nên tất cả”.
Suy nghĩ của Trần Thị Giao Linh nghe thật quen thuộc, bởi đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều thế hệ cha anh đi trước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, biết bao thế hệ con người Việt Nam đã sống, cống hiến và hy sinh cuộc đời mình vì quê hương, Tổ quốc. Với họ “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù !” và “Cuộc sống chỉ cao quý khi con người ta có lý tưởng !” như lời nói của Anh hùng Lê Mã Lương - một người từng là biểu tượng của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong những năm tháng đánh Mỹ.
Tại lễ gặp mặt thanh niên tiêu biểu tình nguyện lên đường nhập ngũ 2019, nhạc sĩ Trương Quý Hải - nhân chứng lịch sử tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đã kể lại những kỷ niệm khi gác bút nghiên lên đường nhập ngũ và cho rằng quãng đời trong quân ngũ là thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất của tuổi trẻ.
“Khi ấy (năm 1981) tôi đã trúng tuyển Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhưng thấy bạn bè nô nức tòng quân, mình không thể lặng lẽ vào trường, nên đã thuyết phục bố mẹ và viết đơn tình nguyện vào quân ngũ”, nhạc sĩ kể. Ông Hải đã cùng đồng đội lên biên giới nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang). Chia sẻ về hành trình ký ức đẹp, hào hùng trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nhạc sĩ Trương Quý Hải nói với các tân binh: “Các bạn đang sở hữu phần đời đẹp nhất của mình”.
Để thay cho phần kết của bài này xin nhắc lại kết quả khảo sát thanh niên trước thềm Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2014-2019): Giá trị xã hội quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay của phần lớn thanh niên TP HCM là “sống có lý tưởng hoài bão”; hơn 2/3 thanh niên được khảo sát chọn giá trị sống có ích cho xã hội, coi trọng lẽ sống công bằng, sống có lý tưởng, hoài bão tốt đẹp, khẳng định vai trò của bản thân và sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng, vì Tổ quốc.
Với bạn, với tôi, với mọi người, Tổ quốc là khái niệm tất cả đều biết nhưng chẳng ai có thể mô tả đầy đủ, mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim mỗi người bởi: “Quê hương nếu ai không có/Sẽ không lớn nổi thành người”...