Ông Hùng bên tác phẩm “Thông điệp hòa bình” dự triển lãm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. |
Những tác phẩm để đời
Bốn bức tượng vĩ nhân đặt trên đài sen bên con đường Hồ Chí Minh thuyền thoại đoạn qua xã Kỳ Tân, cách Cột mốc số 0 (huyện Tân Kỳ) khoảng 3km, ai đi ngang qua cũng dễ dàng nhận thấy. Trong bốn bức tượng thì bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là bức nổi bật nhất trong bốn bức, bên cạnh Bác là bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi hỏi đến tác giả của bốn bức vĩ nhân này ai cũng biết đó là của ông Thái Văn Hùng – một người dân sống trong xã. Khi nhắc đến tên ông, những người dân nơi đây hay gọi ông là ông “thợ mộc gàn”, vì ông làm những việc mà người khác không làm. Tìm đến nhà ông trong một ngày đầu thu, ông đang say sưa bên gốc cây khô với các dụng cụ đục đẽo. Chỉ đến khi chúng tôi đến gần thì ông mới biết nhà có khách, ông nói: “Tui đang nghiên cứu để đục bốn cái chân cột làm nhà thờ”.
Bên bát nước chè, ông Hùng kể, ông không biết điêu khắc là gì, cũng không học qua lớp học nào về đúc tượng hay tạc tượng. “Bố mẹ là bộ đội, qua những câu chuyện về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… tôi trở nên ngưỡng mộ các bậc vĩ nhân của đất nước. Vì thế, luôn đau đáu làm điều gì đó thật ý nghĩa coi như một món quà, từ tấm lòng thành của mình”, ông Hùng nói. Trong những lần vào Đà Lạt, vào Đà Nẵng, ông cố gắng nhìn thật kỹ những bức tượng về bác và các vĩ nhân rồi “gói” ý tưởng đúc tượng trong đầu mang về âm thầm thực hiện. Tự mình mày mò suốt 12 tháng, quên ăn, quên ngủ để hoàn thành tâm nguyện của mình.
Bốn bức tượng bằng chất liệu bằng xi măng và cát làm hoàn toàn bằng tay không có khuôn đúc hay máy móc gì can thiệp vào, ông đã đặt tên cho bức tượng là “tứ bất tử của thế kỷ XX”, bức tượng hoàn thành cũng đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bốn bức tượng được ông dựng bên cạnh đường Hồ Chí Minh để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, khu đất ông đặt tượng hiện nay đang ông nhường cho một doanh nghiệp làm mặt bằng kinh doanh nên đang đợi vị trí mới để đặt tượng.
Tác phẩm phù điêu “tứ bất tử của thế kỷ XX” bên đường Hồ Chí Minh |
Người nghệ sỹ “gàn”
Kể về “con đường nghệ thuật” của mình, ông Hùng chia sẻ, có một phần năng khiếu từ bố, có sẵn đam mê trong con người nên mọi thứ đều tự tay ông mày mò mà ra. Ban đầu là những vật dụng nhỏ nhất trong gia đình, rồi người khác đến chơi thấy lạ nên xin về, tiếng lành về ông thợ mộc tốt bụng đồn ra khắp xóm. Bắt đầu có những người đưa gỗ đến thuê ông đục đẽo, tạc tượng, tiền công đôi khi chỉ là một vài gói kẹo, chai rượu… Ngôi nhà của gia đình ông không có gì đáng giá ngoài những tác phẩm của ông làm ra, bởi ông không làm ra sản phẩm để bán mà chỉ để chiêm ngưỡng cho thỏa đam mê. Cũng nhiều tay chơi đồ gỗ nổi tiếng tìm đến gạ ông bán lại nhiều sản phẩm, nhưng ông kiên quyết chối từ, đôi khi gặp phải người nào đam mê, sành chơi đồ gỗ thì ông lại biếu không cần lấy tiền.
“Mình làm để thỏa đam mê là chính, tiền bạc không thành vấn đề nên nhiều người không hiểu, cũng có người gọi là “kẻ lập dị”, hay “lão thợ mộc gàn”, người gọi là “dị nhân”… ban đầu nghe cũng hơi kì cục nhưng mãi rồi cũng quen. Ai nghĩ gì mặc, mình làm vì mình thích thôi”, ông Hùng vuốt ve bức tượng gỗ cười nói. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, đứa con trai đầu năm nay 26 tuổi phải nghỉ học giữa chừng, theo nghiệp bố, hiện đã là ông chủ của một cơ sở phù điêu, tạc tượng có tiếng ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Nói về chồng mình, bà Lê Thị Thân (vợ ông Hùng) nói: “Tính ông rứa rồi thì cứ để ông làm, mình có can cũng không được. Thấy ông vui vì khi một tác phẩm đục đẽo xong mình nhìn cũng thấy đẹp, cũng vui lây...”.
Trong số những tác phẩm của ông, có bức phù điêu mang tên “Thông điệp hòa bình”, sau khi trưng bày ở Hội Sinh vật cảnh của tỉnh, được tuyển chọn mang ra Hà Nội triển lãm tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bức phù điêu đó ông thực hiện ròng rã suốt hai năm trời, với bức tượng Bác Hồ đang khoan thai ngồi làm việc, xung quanh hội tụ đầy đủ “tứ linh” long, ly, quy, phượng. Ông Hùng cho biết, tại triển lãm, bức tượng bằng gỗ lim này đã được định giá 3.000 USD, sau có người trả giá gần 100 triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán mà mang về để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, vì ngôi nhà không có cửa kín đáo nên kẻ xấu đột nhập trộm mất khi ông đi mua phôi gỗ về để đục tượng khiến ông và rất nhiều người tiếc hùi hụi.
Ngoài ra, trong ngôi nhà có rất nhiều bức tượng gỗ được ông tạc ra, có cái thì bán, cái để ngắm không bán, cái có thể cho, biếu tặng người cùng sở trường. Trong đó, có bức tượng gỗ mang tên “Cô gái Việt”, theo ông Hùng ý nghĩa của bức phù điêu gỗ này là hình ảnh người con gái với tà áo dài và cây đàn mang theo khát vọng mang âm nhạc Việt đi khắp toàn cầu. Hay như bức “Tiên Dung – Chử Đồng Tử”, “Nàng Kiều”… tất cả đều được ông thể hiện bằng cả một cái tâm, bằng sự đam mê của mình trong mỗi tác phẩm. Mỗi ngày thức dậy, ông lại quần quật với gỗ và đục đẽo có khi quên ăn, quên ngủ. Giờ đây, tay nghề của ông cũng được nhiều người biết đến, một số người mang gỗ đến thuê ông đục đẽo lấy tiền công nên ông cũng có đồng ra đồng vào hơn trước đây.