Tác nghiệp trong “thời chiến”…
Khi dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện, mọi hoạt động thường lệ đột nhiên xoay chuyển. Bên cạnh việc thúc giục tác nghiệp để có những bài báo chất lượng thì những lời nhắc nhở từ Ban Biên tập về việc tuân thủ quy định tác nghiệp mùa dịch, giữ an toàn cho bản thân luôn được phóng viên thuộc nằm lòng.
Khẩu trang mọi lúc mọi nơi, hạn chế đến các sự kiện đông người, hạn chế các chuyến đi không cần thiết, các chuyến công tác cũng được đắn đo suy nghĩ để làm sao đảm bảo an toàn nhất trong mùa dịch mà vẫn duy trì tốt hoạt động tác nghiệp và xây dựng bài vở, chuyên trang.
Chúng tôi vẫn nhớ như in chuyến công tác vào tháng 3/2020 cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương lên Lạng Sơn với mong muốn tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông sản mùa vụ xuất khẩu (XK) qua cửa khẩu. 10h đêm trước chuyến đi, UBND TP Hà Nội họp khẩn khi có thông tin một ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Vậy là, trong suốt chuyến công tác, thông tin xoay quanh ca nhiễm COVID-19 này được cập nhật từng giờ từng phút. Đặc biệt, thông tin người dân Hà Nội kéo đến, ken đặc các siêu thị, chen lấn thanh toán tạo ra một cảnh tượng chưa từng xuất hiện...
Chuyến công tác hôm ấy kết thúc rất nhanh chóng để cả đoàn quay về Hà Nội sớm nhất, kịp xử lý hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra trong buổi sáng...
Cuộc họp với sự có mặt của tất cả các đại diện siêu thị lớn ở Hà Nội được triệu tập gấp. Nhóm phóng viên chỉ kịp ăn trưa qua quýt ở vài hàng ăn vặt ngay trước cổng Bộ Công Thương để tham dự cuộc họp khẩn được chuẩn bị nhanh nhất trong lịch sử. Tại cuộc họp này, tất cả các siêu thị đều khẳng định “không thiếu hàng”, điều duy nhất thiếu là thiếu… lối đi cho nhân viên cung ứng thêm hàng vào các quầy hàng đã hết… Việc còn lại của chúng tôi là lên tin bài nhanh nhất, để kịp thời trấn an những lo lắng trong dư luận, để người dân yên tâm, tránh đổ xô đi mua hàng khiến cho áp lực lại gia tăng lên cuộc chiến phòng chống dịch…
Đến làm báo online…
Giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động đông người… Trong khi các thông tin liên quan đến dịch bệnh đầy ắp cập nhật từ giờ thì phóng viên kinh tế (PVKT) phải căng mình như một chiếc ra-đa thu nhận thông tin. Dù có muốn tác nghiệp trực tiếp cũng không thể bởi nhiều cơ quan, đơn vị “cấm cửa” người ngoài ngay từ cổng bảo vệ.
Có một câu chuyện mà PVKT tác nghiệp “mùa” COVID-19 còn nhớ mãi là điều hành XK gạo hồi tháng 3-4/2020 khi lần đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ trong thời gian rất ngắn liên tục có các quyết định điều hành gần như trái ngược nhau.
Thoạt tiên, tại cuộc họp thường trực Chính phủ (23/3) Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng XK gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành XK gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Nhưng sau đó chỉ 2 tuần, chính Bộ này lại đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục XK gạo ngay trong tháng 4 với số lượng 400 nghìn tấn. Đề xuất này đã được Thủ tướng đồng ý theo Thông báo ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.
Nhưng cũng trong ngày này, Bộ Tài chính lại có Công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị chỉ cho phép XK gạo với những DN đã trúng thầu, ký hợp đồng và giao gạo với các Cục Dự trữ nhà nước khu vực và cũng chỉ được thực hiện XK gạo sau ngày 15/6; Ngày 15/4 Bộ Công Thương có Công văn hỏi Bộ NN&PTNT xem gạo nếp có phải mặt hàng dự trữ quốc gia không; Ngày hôm sau Bộ NN&PTNT có văn bản phúc đáp trong đó dẫn Nghị định nào quy định về vấn đề đó.
Ngày 20/4, Bộ Tài chính có Công văn gửi Bộ Công an đề nghị điều tra, xác minh tiêu cực trong hoạt động XK gạo, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin tiêu cực trong quản lý hải quan đối với XK gạo. Cùng thời điểm đó, Bộ Công Thương cũng quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành XK gạo…
Điểm lại những mốc văn bản chính này để biết rằng các PVKT chỉ ngồi một chỗ nhưng phải tiếp cận với rất nhiều đầu mối, chưa kể DN, hiệp hội DN để triển khai bài viết… Tìm đúng địa chỉ để hỏi đã khó, nhưng để khai thác được thông tin lại là điều khó hơn vì hầu như ai cũng từ chối, kể cả DN với lý do đây là vấn đề nhạy cảm. Ban Kinh tế phải lên kịch bản, phân công từng phóng viên tiếp cận cận các bộ ngành, DN. Nếu chỉ đưa tin văn bản, nhất là đối với báo giấy không ổn, không có ý kiến của các cơ quan quản lý thì phải xoay ra phỏng vấn chuyên gia, DN, phải dựng trang với những thông tin thuyết phục nhất…
Cứ như vậy, những kinh nghiệm tác nghiệp trong mùa dịch dần dần được tích lũy qua từng làn sóng dịch COVID-19. Nhóm PVKT cũng nâng cao kỹ năng tiếp cận nguồn tin trong mùa dịch để đảm bảo có được thông tin nhanh nhất và đầy đủ nhất. Và mỗi ngày, bức tranh kinh tế vẫn được vẽ lên từng trang báo với đầy đủ các quyết sách từ vĩ mô đến vi mô, từ những nỗ lực không ngừng của các địa phương đến các bộ, ngành và Chính phủ để từng ngày một, hy vọng cuộc sống trở về với nhịp sống thường ngày.
Chuyên gia giao thông trả lời hàng ngàn câu hỏi của báo chí
TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Kinh tế vận tải (Bộ GTVT), nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT được làng báo gọi là chuyên gia giao thông. Ông vừa xuất bản cuốn sách “Chuyên gia phản biện độc lập và 1.000 câu hỏi về giao thông”, tập hợp khoảng 250 tác phẩm báo chí điển hình mà ông trả lời phỏng vấn. Trong đó, nhiều bài viết của Báo PLVN được ông lựa chọn in vào cuốn sách. Đặc biệt, bài “Giấc mơ tàu điện ngầm và chuyện BRT “sai đường” ở Hà Nội” của PLVN được TS Nguyễn Xuân Thủy lựa chọn đăng ngay phần đầu cuốn sách.
TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá cao các bài viết, bài phỏng vấn của Báo PLVN, từ cách lựa chọn vấn đề, đặt vấn đề và nội dung phản ánh. “Tính phản biện, tính thời sự trong các bài viết của Báo PLVN rất cao. Trong hơn 5.000 câu hỏi mà báo chí đã hỏi tôi, có những câu hỏi của Báo PLVN làm tôi rất tâm đắc và tôi đã dốc hết kiến thức, tư duy của mình để trả lời”- TS Nguyễn Xuân Thủy nói và mong muốn báo chí tiếp tục phát huy vai trò thông tin cách mạng của mình, đồng thời bày tỏ sẵn sàng được hợp tác, trả lời phỏng vấn với mong muốn góp một tiếng nói để vấn đề phát triển giao thông, đô thị được tốt hơn. Minh Hữu
“Một trong những yêu cầu quan trọng của nghề báo là phải tiếp xúc trực tiếp, phải cảm nhận để có hơi thở cuộc sống trong từng câu, từng chữ. Làm báo đã khó, nhưng làm báo trong điều kiện làm việc online tưởng nhẹ nhàng hơn nhưng đúng là khó hơn. Phải suy nghĩ nhiều hơn, phải tư duy nhiều hơn. Không phải cứ có mấy cuộc điện thoại là ra được bài báo mà lao động quá khứ của nhà báo rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Chắc chắn làm việc online không bằng offline, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, báo chí vẫn phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Phóng viên Ban Kinh tế (Báo PLVN) nhận giải báo chí viết về ngành Tài chính. |
Trong bối cảnh đó, thời gian vừa qua, báo chí nói chung trong đó có Báo PLVN đã phản ánh rất đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, truyền được thông điệp “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” cũng như những chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia.
Tuy nhiên, vì làm báo online nên cũng không tránh khỏi hạn chế, đó là chưa phản ảnh những khó khăn thực tế của người dân và DN trước đại dịch COVID-19 một cách sinh động, thuyết phục nhất để Chính phủ có những quyết sách kịp thời, phù hợp...
Báo chí là lực lượng xung kích và trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, các nhà báo cần được ưu tiên tiêm vắc xin trước để thực sự thực hiện tốt chức năng của mình...”.
(TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)