Cả nước cùng chung tay, góp sức
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946 của Hồ Chủ tịch “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực hiện triệt để trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 hiện nay. Rất nhiều các hình thức góp sức, từ nhỏ đến lớn, từ góp cho Chính phủ đến bệnh viện, các tỉnh thành, thậm chí, những góp sức còn đến tận các y bác sĩ đang căng mình trên tuyến đầu chống dịch…
Những doanh nghiệp lớn với nguồn lực lớn đóng góp số tiền lớn cho trận chiến khốc liệt ở thời bình này, từ DN nhà nước đến DN tư nhân. Có thể kể đến như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Quốc gia góp 400 tỷ đồng/đơn vị cho Quỹ vắc xin phòng dịch Covid-19; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam góp 200 tỷ/đơn vị cũng cho Quỹ vắc xin…
Khối DN tư nhân có những đóng góp đa dạng hơn, từ tiền của đến vật chất và cả tinh thần cho đội ngũ phòng chống dịch. Thống kê cho thấy, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Tập đoàn Vin Group đã đóng góp cả tiền của, vật chất khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Sun Group đóng góp sức người, thiết bị cho các bệnh viện dã chiến ở các tỉnh vùng tâm dịch.
Các DN tư nhân lớn khác cũng tùy vào sức của mình, góp hàng chục, hàng trăm tỷ cho nguồn lực chống dịch. Điển hình như đơn vị sở hữu sân golf Long Thành đã góp 500 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin.Các DN tư nhân đóng góp hàng chục tỷ đồng thì khá nhiều, không thể kể hết…
Trong số các DN đầu tư nước ngoài, Ford Việt Nam đã có một sự trợ giúp thật sự bất ngờ đối với nền y tế Việt Nam. Đó là tài trợ cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương một xe Ford Transit cứu thương áp lực âm.
Trước khi Ford thông báo tài trợ, y tế Việt Nam vẫn sử dụng các loại xe cấp cứu thông thường vận chuyển bệnh nhân. Điều này, theo đại diện Bệnh viện, thực sự nguy hiểm khi cả bệnh nhân và nhân viên y tế cùng chung một không gian thở, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Do đó, chiếc xe cứu thương áp lực âm được Ford trao tặng là phương tiện đầu tiên tại Việt Nam chuyên dụng cho vận chuyển bệnh nhân Covid-19, giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc và ngăn lây nhiễm ra môi trường bên ngoài.
Đại diện Ford Việt Nam cho biết, chiếc xe này là do một đối tác của Ford ở Trung Quốc chủ động tặng cho Ford Việt Nam và Ford Việt Nam đã gửi tặng Bộ Y tế, để trao lại cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nhớ lại ngày đưa chiếc xe y tế chuyên dụng chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam về, đại diện Ford cho biết, khi nhận được lời đề nghị từ đối tác ở Trung Quốc, Ford đã lập tức báo cáo với Bộ Y tế và được Bộ Y tế cũng như các cơ quan liên quan hỗ trợ nhiệt tình trong công cuộc đưa xe về Việt nam.
“Nhưng không ngờ cũng phải mất đến 2 tháng chiếc xe ấy mới hoàn thành thủ tục để về đến cửa khẩu của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng chiếc xe về kịp ngay trong đợt Covid-19 đầu tiên nhưng không được. Mãi đến khi đợt dịch thứ nhất tạm lắng xuống chiếc xe này mới về đến nơi. Xe “ế”, không được sử dụng cũng là một điều may mắn” - đại diện Ford chia sẻ.
Tuy nhiên, có lẽ cả Ford lẫn Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đều không ngờ, chỉ sau khoảng 3 tháng tạm lắng, Covid-19 lại xuất hiện và chiếc xe cứu thương áp lực âm đã có thể thực hiện sứ mệnh của nó. Hiện nay, theo đại diện Bệnh viện, chiếc xe này đang được sử dụng triệt để với tần suất sử dụng cao nhất để vận chuyển bệnh nhân, tránh được mọi nguy cơ khi cuộc chiến phòng chống dịch COVID đang trong giai đoạn căng thẳng.
Ai có thứ gì thì hỗ trợ thứ nấy
Có thể nói, tất cả cộng đồng DN đã không có một ai đứng ngoài cuộc chiến với virus corona. Bởi có những DN vừa và nhỏ với nguồn lực vừa phải cũng đã có những đóng góp rất thiết thực cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
Từ hỗ trợ các thiết bị phòng dịch như khẩu trang, bảo hộ phòng dịch các cấp độ đến các sản phẩm thực phẩm chế biến, sẵn có của các công ty, đơn vị đều đã được gửi vào tâm dịch, gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 này.
|
Trong đó phải kể đến cách góp sức khá đặc biệt của Công ty cổ phần phát triển dịch vụ nhà sạch HMC (Jupviec). Anh Phan Hồng Minh, đại diện Jupviec cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y bác sĩ Hà Nội đã phải lên đường hỗ trợ các tỉnh thành lân cận chống dịch khá gấp. Có những người chưa kịp chuẩn bị lương thực, thực phẩm, cũng có gia đình cả bố và mẹ cùng tham gia chiến dịch, để lại hậu phương “với mẹ già và con nhỏ” không ai trông nom, chăm sóc…
Trước thực tế khốc liệt của đợt dịch thứ 4, với mong muốn góp một phần nhỏ bé công sức để thể hiện lòng biết ơn đối với các “chiến sĩ áo trắng” đang căng mình chống dịch, JupViec đã quyết định tặng 1.000 ca làm giúp việc theo giờ tới đội ngũ y bác sĩ đang tham gia phòng chống dịch tại Hà Nội.
Thông tin được đăng trên trang cá nhân của anh Minh đã được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Chỉ sau 3 tiếng đăng tải thông tin này, ca giúp việc đầu tiên cho “chiến sĩ tuyến đầu” đã được thực hiện…
Anh Minh cho biết, ngay trong tuần đầu tiên có hàng chục gia đình bác sĩ đăng ký, Jupviec đã chuẩn bị nguồn lực với khoảng gần 100 nhân viên giúp việc để tham gia chương trình này.
“Điều mà chúng tôi vui và tự hào nhất là tất cả nhân viên tham gia chương trình đều tình nguyện tham gia miễn phí khi chúng tôi đặt vấn đề. Đó thực sự là một nguồn động viên lớn đối với chúng tôi bởi những người tham gia lao động trong lĩnh vực này thì kinh tế thường không khá giả. Nhưng vì mong muốn được góp một chút sức nhỏ bé của mình cho công cuộc phòng chống dịch, họ đã không ngần ngại góp sức cho chương trình” - đại diện Jupviec chia sẻ.
Chưa hết, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác đã đồng hành cùng với cuộc chiến chống dịch cũng bằng chính sản phẩm bảo vệ sức khỏe do mình làm ra, với hy vọng góp thêm được một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc “chống dịch như chống giặc này”.
Từ doanh nghiệp ở miền Nam đến doanh nghiệp ở ngoài Bắc, từ doanh nghiệp trong vùng chưa có dịch đến doanh nghiệp trong tâm dịch… Tất cả vẫn đang nỗ lực hết sức mình, vừa chống dịch, vừa sản xuất, vừa đóng góp những phần quà nhỏ bé cho tuyến đầu với hy vọng tiếp lửa để những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch có thêm sức lực để tiếp tục cuộc chiến đấu.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã đi được một chặng đường dài nhưng chưa biết khi nào mới kết thúc. Các nguồn lực từ cộng đồng DN vẫn đều đặn được gửi đến các cấp, ngành và chiến sĩ tuyến đầu theo đúng lời kêu gọi của Bác năm nào dù chính họ cũng đang phải gồng mình lên thực hiện sản xuất an toàn và cố gắng từng bước một giữ việc làm cho người lao động.
(Bài/ Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NĐ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)