Câu chuyện thứ nhất là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vừa xảy ra ở Quảng Nam làm 13 người tử vong tại chỗ, 4 người khác bị thương nặng (đã được Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin tới bạn đọc). Chỉ trong chớp mắt, ngày vui của đôi trẻ thành đại tang vì nạn nhân là người trong một gia đình hoặc có họ hàng thân thích. Không đau lòng, không gây “dư chấn” sao được.
Đây là vụ “tai nạn giao thông thảm khốc, hết sức nghiêm trọng”, như đánh giá của người đứng đầu ngành GTVT. Tại sao đường tốt, có đầy đủ biển báo, đèn chiếu sáng lại xảy ra tai nạn oan khốc như vậy? Cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân.
Theo nhận định ban đầu của những người có trách nhiệm là “có thể do tài xế xe rước dâu buồn ngủ”, tức là chủ quan, còn khách quan “tuyến đường có nguy cơ cao” thì muôn thuở, bởi hạ tầng giao thông đường bộ bao giờ cũng yếu kém và bị “phố hóa”.
Vâng, tai nạn do lái xe buồn ngủ đã từng xảy ra nhiều. Lái xe kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, bị sức ép về doanh thu, sức ép về các loại chi phí “rải đường” đang tạo ra sức ép lớn, đẩy nhiều lái xe vào tình trạng tâm, sinh lý không tốt khi điều khiển phương tiện giao thông lưu thông.
Bài học về quản lý của Công ty Du lịch Văn Minh (Nghệ An) cho thấy: duy trì tốc độ ổn định, lái xe luôn có thời gian nghỉ ngơi, thay nhau dọc tuyến hành trình thì không bao giờ xảy ra tai nạn. Thực tế là trong 10 năm hoạt động, Hãng này không có sự cố hành trình nào.
Vụ chấn động thứ hai cuối tháng 7 là vụ truy sát làm 3 người chết, 11 người thương vong ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Can phạm đang được đưa đi giám định tâm thần. Tuy nhiên, những vụ án mạng đau lòng do người tâm thần gây ra không phải là mới. Năm 1996 người viết bài này, qua tổng hợp tình hình trật tự xã hội diễn ra, qua báo cáo hàng ngày của công an các tỉnh, thành phố đã phát hiện án mạng do người tâm thần gây ra không ít và đã viết bài báo đặt vấn đề về quản lý người tâm thần sinh sống giữa cộng đồng. Đáng tiếc, hơn 20 năm qua, không có gì thay đổi, án mạng đau lòng vẫn xảy ra.
Hiện nay có gần 15% dân số (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Tuy nhiên, mới chỉ có 15 - 20% số bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, quản lý. Có nghĩa là nguy cơ rất cao.
Bao giờ chúng ta “kiểm soát” được để xã hội không bị sốc vì những chuyện đau lòng? Chắc chắn rất khó, nếu không ai để ý đến nguy cơ...