Câu hỏi đặt ra là Việt Nam được ví như “đất nước của bão”, chúng ta cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai nhưng bão lũ ngày càng tàn khốc hơn, hậu quả nặng nề hơn. Thiên tai cộng hưởng với nhân tai, nhiều khi gây nên tai họa khủng khiếp.
“Thủ phạm” phá rừng, khai thác cát…
Việt Nam là đất nước “ưỡn ngực” ra biển Đông với chiều dài 3.260 km bờ biển. Chiều dài bờ biển, lãnh hải là tài nguyên, nhưng đồng thời, do vị trí “địa thời tiết” như vậy nên hàng năm Việt Nam thường phải hứng chịu nhiều cơn bão.
Thực chất bão là một cách "xả nhiệt" cho đại dương. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7, 8, 9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi.
Trong 45 năm (1956 - 2000) có 311 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến Việt Nam. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng năm 2007, thiên tai đã làm thiệt hại 11.600 tỷ đồng, hơn 400 người chết, mất tích; làm ngập và hư hại 113.800 ha lúa, phá huỷ 1.300 công trình đập, cống thủy lợi.
So với nhiều năm trước, năm 2018 (dẫu còn 1 tháng nữa) không nhiều bão. Bão số 9 di chuyển chậm, khi đổ bộ vào đất liền cường độ suy yếu dần nhưng cũng đủ để gây ra thiệt hại không nhỏ: 1 người chết, 51 ngôi nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn, 46 chiếc tàu bị chìm, hỏng, trong đó, riêng Bình Thuận có 38 chiếc tàu.
Có 99 lồng bè bị chìm, tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận và hơn 700 ha lúa bị ngập úng. Về giao thông, có hai vị trí đường sắt bị sự cố tại Ninh Thuận; 1.500m đường quốc lộ bị ngập tại Bình Dương; 170m đường tỉnh bị sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, nhiều thứ không tính được bằng tiền: ví dụ, thiệt hại về người, hoàn lưu bão gây mưa, úng ngập tại TP HCM...
Vậy tại sao lũ lụt ngày càng gây ra những thiệt hại nặng nề? Nói đến bão, hoàn lưu bão gây lũ ống, lũ quét, xói lở... không thể không nói đến “đồng minh” của bão là con người. Đó là phá rừng, việc khai thác cát sỏi và hệ thống đê đập.
Các cuộc nghiên cứu và điều tra ở Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đã chứng minh rằng nguyên nhân hàng đầu của lũ lụt là có quá nhiều mưa xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi. Trong khi đó, việc phá rừng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc xảy ra lũ lụt trong các lưu vực hạn hẹp như ở miền Trung.
Bởi cây cối có khả năng giữ nước cũng như giảm thiểu việc đất đai sạt lở. Khi rừng bị chặt phá, một vùng đất trơ trọi sẽ khiến dòng nước cùng đất đá bị cuốn đi, mực nước ở các vùng hạ lưu tăng lên.
Việc khai thác bừa bãi cát sỏi ở các dòng sông cũng làm gia tăng mức độ lũ lụt. Tình trạng này làm cho nhiều đoạn bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng. Việc sụt lở các bờ sông cũng như việc bồi lấp các cửa sông cản trở việc thoát lũ và khiến cho lũ lụt lớn hơn và kéo dài hơn.
Khác với sông Hồng ở miền Bắc và sông Cửu Long ở miền Nam, các sông ngòi ở miền Trung không có hệ thống đê ngăn lũ. Ngoài ra cũng không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng. Cho nên các khu đông dân cư ở hai bên bờ sông luôn phải đối mặt với nguy cơ ngập úng khi có mưa bão lớn.
Những năm gần đây Liên Hợp quốc cảnh báo nhiều nguy cơ thiên tai từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế là, BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiều loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô và tần suất ngày càng lớn. Tại Hội nghị LHQ về BĐKH (COP 23) ở Born, Đức (11/2017), số liệu thống kê cho thấy trên toàn thế giới, từ 1996 - 2016, thiên tai do BĐKH làm chết 520.000 người, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỷ USD.
Việt Nam được dự đoán bị tác động nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1oC và nước biển dâng cao 1m. Đặc biệt, theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất 10% GDP. Đặc biệt, 20% diện tích TP HCM sẽ bị ngập.
Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua do bão, lũ và sạt lở đất theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Nói tóm lại, BĐKH tại Việt Nam sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nói chung là cuộc sống của người dân Việt Nam.
Luật pháp chưa nghiêm?
Để chủ động phòng chống thiên tai nói chung và bão lụt nói riêng, năm 1993 Việt Nam đã có Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão; năm 2000 là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão. Hiện nay là Luật Phòng, chống thiên tai (Luật số 33/2013/QH13).
Ngoài việc xây dựng Luật, các chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), BĐKH... Chính phủ cũng thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT làm nhiệm vụ điều phối liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo công tác PCTT trên phạm vi toàn quốc. Nói như thế để thấy rằng, PCTT được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.
Những năm gần đây, nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần 7, BCH TƯ khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Để triển khai đồng bộ, Chính phủ cũng ra Nghị quyết số 08/NQ-CP (23/1/2014) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Đảng, nhằm mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; phải đạt được những chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững… hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Thủ tướng cũng ký Quyết định ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017. Ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.
Tuy nhiên, điều dễ thấy là chúng ta vẫn “thiếu” về nhiều vấn đề để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Dễ nhận thấy nhất là quy hoạch dân cư, quy hoạch đô thị. Càng phát triển “nóng” đô thị càng thấy chưa mưa đã ngập và tắc.
Dễ thấy, ở việc không kiểm soát được phá rừng, khai thác cát sỏi làm biến dạng các dòng chảy tự nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học... Dễ thấy là nguồn lực tài chính đầu tư cho PCTT hạn hẹp... Đặc biệt, nhận thức về pháp luật hạn chế, tâm lý chủ quan trước thảm họa và PCTT.
Hình như luật pháp về PCTT còn nằm “trên trời”? Nhân dân còn ít nhận biết kỹ năng, kinh nghiệm PCTT. Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng tránh thiên tai là: Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, dự báo tình hình mưa lũ để người dân nắm được và biết cách phòng tránh; đồng thời các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị mình, địa phương mình, đặc biệt là phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy - lực lượng - hậu cần -phương tiện tại chỗ). Nếu mỗi người dân biết cách phòng tránh và có ý thức tốt về phòng tránh thiên tai tự bảo vệ mình thì sẽ tránh thiệt hại về người ít nhất.