Bạo hành con dễ dàng vì… là cha ruột
Ngày 11/12, Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 2 tháng đối với Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô) về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con trai 10 tuổi của mình là bé Trần Gia K.
Cơ quan công an cũng khởi tố bị can đối với Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, mẹ kế của bé K.). Công an quận Cầu Giấy cho đối tượng tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh, nằm trong sự quản lý, giám sát của cơ quan CSĐT.
Trước đó, ngày 7/12, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) tạm giữ hình sự đối với Trần Hoài Nam để lấy lời khai, điều tra về hành vi hành hạ con trai 10 tuổi trong thời gian dài. Tại cơ quan công an, Nam khai do con trai là cháu Gia K. quá nghịch ngợm, nhiều lần nhắc nhở nhưng không được khiến Nam dồn nén bực tức và đánh đập con trai.
Nam còn khai, để “dạy bảo” con, đối tượng này đã sử dụng nhiều móc áo cuộn tròn lại thành một chiếc roi sắt và các dụng cụ nấu bếp như muôi canh, đũa cả... để đánh đập con nhiều lần. Thậm chí Nam còn thẳng chân đá vào con khiến cháu bị gãy nhiều xương sườn.
Vụ việc bại lộ khi tối 5/12, cháu Trần Gia K. bắt xe bus tìm về nhà bà nội ở đường Hoàng Hoa Thám (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) trong tình trạng hoảng sợ, sút cân trầm trọng. Theo lời kể của cháu K., thời gian ở với bố đẻ và mẹ kế, cháu thường xuyên bị đánh, không được đi học và phải làm việc nhà. Hiện tại bé trai đang được mẹ ruột chăm sóc tại nhà.
Trong khi cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý vụ việc trên thì trên mạng xã hội đăng tải thông tin và hình ảnh về bé Tr.D.Ng. (SN 2008) tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội có rất nhiều vết thương chằng chịt trên cơ thể bị nghi là do cha ruột gây ra.
Theo miêu tả của chị Phạm Quỳnh Liên (32 tuổi, mẹ bé Ng.), bố của Ng. rất gia trưởng và thường xuyên đánh đập vợ khi còn chung sống. Sau khi bố mẹ ly hôn, Ng. ở với bố và bà nội ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ng. nhiều lần bị bố bỏ đói và dùng dây điện đánh vào mông, tay, người khiến cháu có nhiều vết thương trên cơ thể. Bé Ng. cũng cho biết thêm, mỗi khi bố đánh những trận đòn roi như vậy đều đóng kín cửa trong khi bà nội đi bán hàng nên không ai hay biết. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Trẻ chịu bạo hành vì “đèn nhà ai nấy rạng”?
Câu chuyện của cháu K. khiến dư luận bàng hoàng, thương xót cho nạn nhân và cả phẫn nộ trước sự thờ ơ của gia đình, họ hàng, nhà trường, chính quyền và cộng đồng địa phương khi để cảnh “địa ngục trần gian” do chính cha ruột gây ra đối với cháu K. suốt thời gian dài, đến nỗi từ đứa trẻ khỏe mạnh, hoạt bát trở thành một đứa trẻ xanh xao, ngơ ngác mà chính bà nội cũng không nhận ra khi cháu tìm đến cầu cứu.
Hay như lời kể với VOV của anh L., người thuê trọ ở tầng 4, ngay trên phòng cháu K. ở cùng bố và mẹ kế cho biết: “Từ khi họ chuyển về đây, tôi chỉ thấy cháu K. một lần, đó là lần cháu ra hành lang trước phòng trọ đứng. Hôm đó tôi mới biết nhà anh Nam có trẻ con ở cùng. Tôi ở ngay phòng trên, nhiều lần nghe thấy phòng đó phát ra âm thanh lạ. Đã có lần tôi trực tiếp đi báo công an về sự việc bất thường này. Mới đây nhất, tôi nghe âm thanh giống tiếng trẻ khóc thét trong đêm, tôi ra lan can nói vọng xuống: “Anh chị làm gì mà trẻ khóc nhiều thế?”. Khi đó, một người phụ nữ nói với ra: “Con tôi, tôi xót, liên quan gì đến anh”. Thấy vậy, tôi không nói gì nữa, cho đến hôm đọc báo tôi mới biết cháu bị bố mẹ bạo hành”.
Vẫn biết cuộc sống ở thành thị không hòa đồng như ở vùng nông thôn. Nhưng trong câu chuyện của cháu K., câu “đèn nhà ai nấy rạng” được áp dụng triệt để đến nỗi không ai mảy may quan tâm để có thể nhận ra có sự tồn tại của cháu K. trong căn nhà hay những dấu hiệu bất thường trong cuộc sống của cháu K. như việc cháu không xuất hiện bên ngoài, không đi học…
Các chuyên gia về tâm lý cho biết, bạo hành, xâm hại không chỉ gây ra những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, thân thể của trẻ, mà còn để lại những sang chấn về mặt tâm lý, lo lắng, hoảng sợ, làm lệch lạc việc thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác. Thậm chí trẻ có thể gặp phải những rối loạn, có xu hướng gây hấn, bạo lực với những người xung quanh bằng nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Vì vậy, cần phải gia tăng các biện pháp thực thi, giáo dục pháp luật cũng như các hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức để phòng ngừa xâm hại, bạo hành và bảo vệ trẻ em. Mới đây, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em”, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (MSD) dưới sự hỗ trợ của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) tổ chức khoá tập huấn và Chương trình đối thoại “Lan toả yêu thương - Chấm dứt hình phạt thể chất và tinh thần & Thúc đẩy kỷ luật không bạo lực với trẻ em” nằm trong Chiến dịch Ngừng đánh con - Ngừng quát mắng con – Cùng con tìm giải pháp.
Qua đó tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ về loại bỏ những hình phạt về thể chất và tinh thần (PHP) với trẻ em, đồng thời hướng dẫn, đưa ra những phương pháp kỷ luật với con trẻ không dùng bạo lực hay phương pháp kỷ luật tích cực.
Đây chỉ là một trong rất nhiều chiến dịch phòng chống bạo hành, bạo lực đối với trẻ em đã được phát động. Tuy nhiên, những chiến dịch, hoạt động này chưa “phủ sóng” đến được toàn cộng đồng, chưa đủ sức làm thay đổi nhận thức của nhiều bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ con bằng các phương pháp giáo dục con “không đòn roi” như khẩu hiệu “Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành Công ty “Bạn của bé”, trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành. Vì vậy, để phạt con hiệu quả mà không cần đòn roi, cha mẹ cần nhớ nguyên tắc của kỷ luật không nước mắt: Không nạt nộ, đánh đập mà phải cho con biết mình cùng “phe” với con để chống lại hành vi xấu, từ đó mở ra cách đối xử “chúng ta sẽ không để bị đánh nữa nhé!”.
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên còn cho rằng, nhiều phụ huynh dùng phần thưởng để “hối lộ” trẻ thực hiện các yêu cầu của cha mẹ sẽ khiến trẻ sinh hư. Có nhiều tình huống, cha mẹ có thể đưa ra phần thưởng trước để trẻ có tinh thần cố gắng. Nhưng phần thưởng không được quá lớn hơn so với thành tích của trẻ. Ngoài ra, cần có “luật chơi” trong gia đình để cha mẹ và con cùng tuân thủ, tạo thành nền nếp cho trẻ vì “trẻ làm theo những gì cha mẹ làm chứ không phải lời cha mẹ nói”.
Không để “Đường dây nóng” bị “nguội”
Cùng nỗ lực bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn hành vi cho trẻ trong gia đình thì cộng đồng xã hội cũng phải là nhân tố tích cực để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị bạo hành. Mới đây, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 (Đường dây nóng 111) được ra đời thay cho “Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567”, đặt trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin tại 3 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang.
Các trung tâm này sẽ tiếp nhận các cuộc gọi ở khu vực phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM. Đường dây nóng 111 sẽ hoạt động 24/24 giờ. Các cuộc gọi vào ca đêm ở Đà Nẵng và An Giang sẽ được tự động chuyển về 111 Hà Nội để xử lý, giải quyết.
Đường dây nóng 111 sẽ tiếp nhận, cung cấp, giải đáp thông tin cho trẻ em và cha mẹ về các vấn đề của trẻ em; tư vấn sâu về tâm lý, kết nối can thiệp, bảo vệ trẻ em; hỗ trợ miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý do bị xâm hại tình dục, bạo lực, trẻ bị mua bán và bị các rối nhiễu về tâm lý. Việc thành lập Đường dây nóng 111 được kỳ vọng sẽ ghi nhận các thông tin thông báo, tố giác về xâm hại, bạo hành trẻ em để kịp thời phát hiện và xử lý, bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, Đường dây nóng 111 sẽ “nguội” nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng xử lý thông tin, giải quyết vụ việc hay nói cách khác là không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Như trường hợp của cháu K., nếu việc anh L. báo công an về âm thanh lạ trong nhà cháu K. được xử lý thì cháu K. không phải chịu cảnh bị hành hạ thêm.
Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 18 về tăng cường giải pháp xử lý xâm hại trẻ em, yêu cầu Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC rà soát lại các sự việc còn tồn đọng, đối với những vụ việc mới phát sinh phải ưu tiên để xử lý. Thủ tướng có yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm trễ trong việc hỗ trợ hoặc không can thiệp các vụ việc về xâm hại trẻ em. Nghị định 56 quy định chi tiết quy trình xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cũng đã quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc xử lý.
Vì vậy, việc cần làm là thực thi đầy đủ các quy định về bảo vệ trẻ em với trách nhiệm cao nhất đối với trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước, xử lý nghiêm tất cả các hành vi xâm hại trẻ em, tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục để phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.