Làm lễ tạ ơn để được đặt tên
Theo nhà Hán học Ngô Đức Thọ, ở Việt Nam, tục lệ kiêng huý có thể đã có trong dân gian từ thời Bắc thuộc, được du nhập từ Trung Quốc. Nhưng quy định chính thức về kiêng huý thì chỉ mới bắt đầu từ thời Trần. Về hình thức kiêng huý bao gồm: Kiêng dùng các chữ huý để viết văn bản, đặt tên đất, tên người; kiêng âm khi đọc và nói.
Ở Huế, sau khi sinh con, đúng 100 ngày sau cha mẹ mới làm lễ tạ ơn “mười hai bà mụ” cho đứa trẻ và bấy giờ mới đặt tên chính thức. Tại một số địa phương khác, trong dịp lễ tổ, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ cho các con, ngày đó mới có tên chính thức, được họ hàng công nhận.
Trong khi vào sổ, họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm húy thì phải đổi tên. Ở nông thôn, các vị có uy vọng trong làng, trong họ, thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.
Không những thế, trong cuộc sống, con cháu kiêng không nói tên ông bà, cha mẹ. Nếu có những tiếng trùng với tên của các bậc này, con cháu sẽ gọi tránh đi, hoặc tìm một tiếng đồng nghĩa để thay vào. Chẳng hạn Hà Đông thành Hà Đương, thịt đông gọi là thịt đặc, hồng gọi là hường, hoa gọi là huê, xuân gọi là xoan, quả bưởi gọi là quả bòng…
Cho đến đầu thế kỷ XX, việc kiêng húy vẫn là một tập tục căn bản và quan trọng của người Việt Nam. Ở thôn quê, làm dâu làm rể mà không biết kiêng những tên quan trọng bên vợ bên chồng thì có khi mất vợ mất chồng hay ít ra cũng phải nghe những lời trách cứ nặng nề. Ở trong Nam, để bày tỏ lòng tôn kính với người chết, người ta không gọi tên thật mà đặt tên mới, gọi là tên hèm (tên cúng cơm), tên thụy để khấn vái lúc cúng tế.
Đối với người sống cũng thế, người ta ít khi gọi tên thật, chỉ gọi theo thứ bậc trong gia đình (Cả, Hai, Ba, Tư…); đặc biệt, với người có địa vị, người ta chỉ gọi bằng chức tước (ông Tham, cụ Thượng, ông Ấm Năm…). Đối với thành hoàng làng, người ta cũng kiêng gọi thẳng tên ra, hoặc tránh đặt tên trùng với tên thành hoàng.
Thời xưa, các gia đình sợ đặt tên con phạm húy |
Sự kiêng kỵ về cách đặt tên, gọi tên còn đúng cả trong trường hợp tên vua hay hoàng tộc. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, việc phạm húy tên của vua và hoàng tộc còn bị coi là tội, phải chịu quở trách hoặc nặng hơn thì phạt theo luật. Kể từ triều Trần, các hoàng đế khi lên ngôi vua, một trong những việc làm đầu tiên là công bố các chữ quốc huý cho thần dân biết để tránh.
Theo ghi chép của sử sách thì từ thời Trần đến cuối triều Nguyễn, đã có 40 lần ban bố lệnh kiêng huý. Trong đó, dưới triều Nguyễn, lệnh kiêng huý được ban hành nhiều nhất. Trong thời gian trị vì đất nước, Gia Long đã 2 lần, Minh Mệnh 5 lần, Thiệu Trị 8 lần, Tự Đức 4 lần ra chỉ dụ về kiêng huý. Về các chữ huý, bao gồm tên vua, tên hoàng hậu, tên cha mẹ, ông bà của vua và những người thân thích khác trong hoàng tộc.
Riêng triều Trần còn có lệ kiêng huý họ ngoại (cha mẹ của hoàng hậu), triều Nguyễn kiêng huý tên hoàng thái tử. Nhìn chung, tên vua, tên hoàng hậu, tên cha mẹ và ông bà của vua thì vương triều nào cũng liệt vào chữ quốc huý. Còn tên của những người thân thích khác trong hoàng tộc thì mỗi triều vua quy định có khác nhau.
Dưới triều Nguyễn, các quy định về kiêng huý lại càng cụ thể và chặt chẽ hơn, nhất là về cách đọc và cách viết. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Năm Gia Long thứ 2 (1803), nhà vua đã “sai bộ Lễ kính gửi chữ huý cho khắp trong ngoài. Phàm tên người, tên đất giống chữ thì phải đổi đi, hành văn thì tuỳ theo ý nghĩa mà đổi sang chữ khác”.
Luật pháp triều Nguyễn xử phạt khá nặng đối với các văn bản tâu trình lên nhà vua và các giấy tờ khác mắc lỗi phạm huý: “Phàm dâng thư và tâu việc lỡ ra phạm đến tên vua và tên huý của các miếu thì phạt 80 trượng. Còn các giấy tờ việc quan khác lỡ ra phạm đến chữ huý thì phải phạt xuy 40 roi. Nếu là tên hay tên tự lỡ ra phạm đến chữ huý (không phải chỉ là nhầm lỡ một lần mà đã bị người ta nhắc nhở) thì phạt 100 trượng”. Triều Nguyễn còn quy định: Đối với văn thư ngoại giao của nước ta gửi cho nhà Thanh, khi soạn thảo cũng phải chú ý tuân theo tục lệ kiêng huý của họ.
Ngoài ra, luật lệ kiêng huý ngoài chữ viết còn phải kiêng cả âm. Khi nói hoặc đọc các âm huý thì phải biến âm, có nghĩa là phải đọc chệch sang âm khác, khi đặt tên đất, tên người không được trùng với âm huý, nếu đã đặt rồi thì phải đổi tên khác. Sử sách đã ghi chép rất nhiều trường hợp do kiêng âm huý mà đã phải nói, đọc biến âm và đổi gọi tên đất, tên người.
Đơn cử, người Việt Nam nào cũng ít nhiều biết được tên thật của vua Gia Long (1802- 1819), người khai sáng triều Nguyễn, là Ánh - Nguyễn Phúc Ánh. Thế nhưng, theo bộ tộc phả mới nhất của họ Nguyễn Phúc lại ghi húy của vua Gia Long là Anh. Vì thế trong dòng họ đều kiêng và đọc trại ra chữ Anh thành Yên, anh em thì đọc thành yên em.
Cùng với đó, bởi vua Gia Long đã khởi nghĩa từ miền đất phương Nam, nên theo truyền thống văn hóa Việt, để bày tỏ sự kính trọng và thương mến người chủ mới của đất nước, dân miền Nam đã kiêng tên Nguyễn Phúc Ánh nên họ gọi ánh sáng thành yến sáng từ đó. Các vua nhà Nguyễn khi còn bé cũng có tên gọi chơi như Mệ Tríu (Dục Đức), Mệ Mến (Hiệp Hòa), Mệ Vững (Bảo Đại), và bà Từ cung húy là Hoàng thị Cúc nhưng tên tục là Khế hồi nhỏ ở Mỹ Lợi nên sau này trong kinh thành Huế gọi cữ trái khế là “trái khến”.
Càng về sau, danh tự và ngự danh là trọng húy, là quốc húy, cả nước phài kiêng phải tránh. Vì vậy từ sau năm 1848, là năm vua Tự Đức lên nối ngôi, dân Huế gọi hoa hồng là bông hường, màu hồng là màu hường, cả nước phải nói trách nhiệm thay cho trách nhậm, thời gian thay cho thì gian. Vì vậy, các sử thần Nhà Nguyễn khi chép sử, nói đến húy của các vua đã không dám viết ra chữ thật mà phải viết theo lối chiết tự, nghĩa là tách chữ ra để nói, ai muốn biết là chữ gì thì tự ghép lại.
Chợ Đông Ba ở cố đô Huế vốn có tên là chợ Đông Hoa |
Ngày nay ở Chợ Đông Ba, ngôi chợ lớn nhất cố đô Huế, vốn có tên thật là chợ Đông Hoa - cửa Đông Ba xưa cũng gọi là cửa Đông Hoa. Chỉ vì tránh phạm húy mà người Huế phải gọi trệch ra là Đông Ba, vì tên Hoa là tên của bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng, được phong Tá Thiên Nhân hoàng hậu, gốc người Biên Hòa (Nam Bộ). Bởi thế, ở Huế cũng như nhiều miền đất khác, khi đặt tên, các cô gái tên Hoa đã được đặt là Huê, Hồng đã được gọi là Hường…
Nếu ta nghe người Huế xưa gọi “Ánh sáng” là “Yến sáng’” thì cũng không có gì ngạc nhiên vì dấu xưa còn lại chút này, từ xa xưa, họ sợ phạm húy bởi “Ánh” là tên vua Gia Long nên phải đổi ra thành Yến. Lão thi ông Ưng Bình Thúc Giạ khi làm thơ cũng đổi chữ “cánh phồn hoa” ra “cánh phiền ba” bởi hơn ai hết, ông phải kỵ húy vì ông là người trong Hoàng tộc…
Về sau này, trong thời đại Hồ Chí Minh, vào mỗi giai đoạn lịch sử, chúng ta vẫn gặp đâu đó khi các gia đình vẫn lựa chọn đặt tên con theo một số tên chính khách mà họ yêu mến, kính trọng…