Có khoảng 176.000 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi - con số ấy thật đau lòng. Có những đứa trẻ không còn cơ hội sống vì bị bỏ rơi hoặc bị mẹ giết từ khi mới sinh. Nhưng, điều đáng nói là những bà mẹ vô lương ấy vẫn không phải chịu bất kỳ một sự trừng phạt nào, dù trong pháp luật hình sự có tội danh “giết con mới đẻ”...
|
Một cháu bé may mắn được cứu thoát sau khi bị mẹ bóp mũi ngạt thở. |
Xót lòng những hài nhi bị chối bỏ
18h ngày 3/3/2013, khoa Bệnh lý sơ sinh của bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM tiếp nhận từ khoa Sản một bé trai sơ sinh 36 tuần tuổi trong tình trạng không thở được, hai cánh mũi bầm dập, trầy xước do bị bóp mũi. Bé trai nghi bị mẹ bóp mũi rồi vứt thùng rác đã qua cơn nguy kịch nhưng có thể phải chịu di chứng nặng nề do thiếu o xy não quá lâu.
Con số trẻ em bị bỏ rơi đang gia tăng Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH trong năm 2012, 10 tỉnh có số lượng trẻ em bị bỏ rơi nhiều nhất là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Đồng Nai, Nam Định, Lạng Sơn, Long An, An Giang, Điện Biên, Hà Nội và Thái Bình. Nguyên nhân có thể do vấn đề kinh tế, văn hoá, giới tính, có thai ngoài ý muốn hay trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV, khuyết tật…., nhưng thiếu các dịch vụ hỗ trợ nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc nuôi dưỡng khiến nguy cơ bỏ rơi con lại càng tăng cao. |
Đau xót hơn, khoảng 12h ngày 29/1/2013, khi đang đi chăn bò, người dân thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nghe tiếng khóc của trẻ con ở một khu đất. Tìm đến, họ thấy một trẻ sơ sinh đang bị hòn đá đè lên mặt.
Ngày 30/10/2012, sau khi tự sinh xong, một nữ công nhân 19 tuổi (Nghệ An) bỏ con vào túi nilon cột chặt vứt vào thùng rác đặt trong khu trọ ở thị xã Thuận An - Bình Dương. Ngày 10/11/2012, một nữ sinh lớp 10 (15 tuổi, TP HCM) đã bỏ con vào cặp học sinh rồi vứt vào bụi cỏ tại một khu đất trống...
Điều đáng nói là những bà mẹ vô lương đang tâm quẳng đi “núm ruột” của mình như vứt một bịch rác vẫn không phải chịu bất kỳ một sự trừng phạt nào, dù trong pháp luật hình sự có quy định về tội danh “Giết con mới đẻ”. Cho dù trong nhiều trường hợp, việc xác định thủ phạm không có gì là khó, thậm chí còn biết đích danh là người nào, ở đâu ...
Pháp luật "bất lực" trước những người mẹ vô lương?
Hẳn chưa nhiều người quên việc các cơ quan chức năng "nương tay" cho tội trong vụ vứt bỏ con tại phía sau khu nhà trọ khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 của phụ nữ tên Bùi Thị Lan ngày 16/11/2010. Hành vi vứt con của Lan vi phạm Điều 94 Bộ luật Hình sự.
Đánh giá vụ án, cơ quan điều tra nhận xét, đây là vụ giết con mới đẻ do Bùi Thị Lan thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp do bị ảnh hưởng tư tưởng lạc hậu và trong hoàn cảnh đơn chiếc, do sợ dư luận và bế tắc.
Tuy nhiên, về ý thức chủ quan thì Lan không mong muốn cháu bé sẽ chết, thể hiện rõ Lan chỉ cột hai quai túi nilon lại với nhau để có không khí vào, trong vòng hai giờ bị bỏ rơi đứa trẻ vẫn sống.
Vị trí để đứa bé sát sau nhà thuận lợi có người qua lại dễ phát hiện để cứu đứa trẻ. Vì vậy, xét về mặt dấu hiệu pháp lý, việc đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Trong trường hợp này, tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.
Sự “hòa cả làng” và “vị tha” không đúng chỗ ấy đã vô tình bỏ lọt tội phạm và Lan đã thoát sự truy cứu của pháp luật.
Ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cha mẹ bỏ rơi con là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con của cha mẹ cũng được quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình.
Sau khi sinh con, cha, mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất quyền trẻ em. Người có hành vi này phải bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra người vi phạm còn bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì phải bị xử lý hình sự về tội "Giết con mới đẻ" theo quy định tại Điều 94 BLHS, bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vứt bỏ con khác lại chưa có điều khoản nào quy định. Và cũng chưa có ai nghĩ đến việc phải truy tố những người vứt bỏ con. Phải chăng pháp luật đang còn những kẽ hở?.
Bảo Châu