Những năm gần đây, các phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Thế nhưng ở những góc khuất, hàng trăm hàng ngàn người của cộng đồng LGBT vẫn đang từng ngày, từng giờ sống đau đớn trong hiện thực đầy khốc liệt, những định kiến của xã hội.
Nhiều người gọi cộng đồng LGBT là nơi dành cho những kẻ dị hợm lạc loài, gọi đồng tính là “bệnh” và cần chữa trị. Trầm cảm, áp lực, tự tử là hậu quả đau đớn nhất dành cho nhiều bạn trẻ khi quyết định công khai giới tính.
Không chỉ bất bình đẳng đối với giới tính thứ ba, phụ nữ tại Việt Nam cũng đã và đang sống chung với những định kiến cổ hủ của xã hội, họ bị bạo lực, bị vuột mất cơ hội thăng tiến dù có năng lực.
Đồng Thị Quyên, cô gái mang trên mình khiếm khuyết về đôi chân nghẹn ngào chia sẻ: "Chúng tôi là những người mang trên mình khiếm khuyết nhưng chúng tôi cũng là con người. Chúng tôi không có sự lựa chọn để sinh ra lành lặn hay khuyết tật. Chúng tôi cũng không có quyền lựa chọn sinh ra mình là nam hay là nữ".
|
Chị Vũ Thị Quyên, một phụ nữ khuyết tất đấu tranh vì bình đẳng giới |
Bị kì thị khi là con gái mà lại lựa chọn theo học chuyên ngành tự động hóa, đó là câu chuyện của cô nữ sinh Phạm Thùy Dương, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. “Tôi thực sự choáng ngợp khi bước chân vào lớp. Chỉ có một mình tôi trên 51 bạn của lớp là con gái, hơn thế khi về quê gốc Thái Bình, tôi còn sốc khi biết rằng nếu sinh con gái thì dòng họ đó sẽ bị coi là dòng họ không biết sinh con".
|
Chị Phạm Thùy Dương - Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Đã đến lúc ngừng im lặng!
Phá tan vỏ bọc của sự im lặng trước bất bình đẳng giới là việc làm cần thiết và cấp thiết. Có tới trên 25 quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng giới. Hàng loạt các tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT ra đời. Nhiều cá nhân tiêu biểu chống bạo hành và ngăn chặn bất bình đẳng với phụ nữ ngày càng tạo được uy tín với cộng đồng.
Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Bách, đại diện hình ảnh chiến dịch "Vì những người phụ nữ quanh ta" cho rằng: "Giải phóng phụ nữ, tôn trọng cộng đồng LGBT sẽ khiến cho cộng đồng tốt đẹp hơn". Anh cũng tin tưởng, chỉ cần có tình yêu thương, có sự tôn trọng nhau trong xã hội thì xã hội sẽ phát triển văn minh.
|
Nhạc sĩ, ca sĩ Hoàng Bách, đại diện hình ảnh chiến dịch "Vì những người phụ nữ quanh ta" |
“Tại sao nam giới được quyền biểu hiện sức mạnh còn nữ giới thì không? Tại sao nữ giới đi chơi khuya bị nhận xét đánh giá còn đàn ông thì lại coi là bình thường?”, Trần Trọng Phước, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nam giới tiên phong thành phố Đà Nẵng đặt ra câu hỏi, bản thân anh cho rằng nam giới phải đi đầu trong "trận chiến" chống bất bình đẳng này.
|
Trần Trọng Phước, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nam giới tiên phong |
Chu Thanh Hà, nhà vận động chính sách về quyền của cộng đồng LGBTIQ+ trong bài phát biểu của mình tại sự kiện "Lên tiếng vì bình đẳng giới" năm 2018 khẳng định: Không chỉ người nữ chịu định kiến mà cả những người LGBT cũng chịu sự bất bình đẳng tương tự. Chính vì vậy phải song hành cùng nhau thì cuộc chiến mới có những kết quả cuối cùng. "“Hôm nay tôi là một người chuyển giới nam, tôi tình nguyện đồng hành cùng tất cả mọi người trong phong trào lên tiếng chống bất bình đẳng giới”, anh tuyên bố.
|
Chu Thanh Hà, nhà vận động chính sách vì quyền của cộng đồng LGBT |
Phụ nữ hay người khuyết tật, người đồng tính, song tính, chuyển giới, họ đều có quyền được hưởng hạnh phúc một cách thực chất, được sống an toàn. Điều đó sẽ được hiện thực hóa nếu cả cộng đồng chung tay chống bất bình đẳng giới, cùng phá bỏ sự im lặng trước kì thị và bạo lực giới.