Tại sao tai nạn đuối nước ở trẻ giảm chậm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao và hầu như giảm không nhiều trong những năm qua, dù không ít nỗ lực từ nhiều phía. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Cần cho trẻ học bơi để an toàn khi ở dưới nước.
Cần cho trẻ học bơi để an toàn khi ở dưới nước.

Vì sao tỉ lệ đuối nước ở trẻ cao ngất ngưởng?

Theo số liệu thống kê, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Một nửa số trường hợp đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Đáng nói là tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chiếm đến 90%, chủ yếu sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Thống kê cũng cho thấy, năm 2019, tỷ suất trẻ đuối nước là 6,8/100.000 trẻ. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15.

Một thực trạng đáng lưu ý là tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Các số liệu cũng ghi nhận tình trạng đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Thời gian vừa qua, liên tục những vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước khiến phụ huynh nói riêng và cả xã hội nói chung e ngại. Chỉ mới cách đây vài ngày, tại bờ biển Tuy Hòa, Phú Yên, 3 nam thiếu niên tắm biển bị đuối nước đã được đội cứu hộ đưa vào bờ, nhưng đáng tiếc là hai em đã tử vong.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, ở Phú Yên đã xảy ra 10 vụ đuối nước, trong đó có 7 vụ do tắm biển làm 9 người tử vong. Cuối tháng 3 đến nay, Đắk Lắk xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Vùng ĐBSCL, An Giang năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1/2022 có bốn trường hợp trẻ đuối nước. Tiền Giang từ năm 2021 đến nay có 13 trẻ em đuối nước, tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 7 trường hợp trẻ đuối nước…

Theo Cục Trẻ em, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, cả nước có 113 trẻ tử vong do đuối nước. Mùa hè sắp tới, trẻ em được nghỉ học, có nhiều hoạt động ngoài trời, cũng chính là thời điểm đáng lo ngại nhất cho sự cố về đuối nước ở trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao ngất. Có thể kể đến các nguyên nhân như nhận thức về thực trạng đuối nước trẻ em còn thấp, gia đình, nhà trường chưa chú trọng đến vấn đề này, thậm chí chủ quan, phó mặc. Cạnh đó, tỉ lệ trẻ em Việt Nam biết bơi còn khá thấp, đặc biệt là trẻ sống ở vùng nông thôn.

Đây là một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến thực trạng đuối nước ở trẻ. Việt Nam có sông ngòi, kênh đào, hồ, biển nhiều, trải đều khắp các địa phương, nhưng hầu như chỉ có trẻ ở các thành phố lớn được chú trọng việc học bơi lội. Trẻ con vùng nông thôn có tỉ lệ được học bơi, biết bơi rất thấp. Đơn cử như tại Nghệ An, địa phương có nhiều kênh, ao, hồ trên các địa bàn dân cư. Tuy nhiên, tại một buổi làm việc mới đây về công tác phòng chống đuối nước cho trẻ đã cho thấy số liệu đáng giật mình. Nghệ An có 875.825 trẻ em, theo thống kê chỉ có khoảng 29.000 trẻ em trên địa bàn biết bơi (chiếm tỉ lệ hơn 3,3%).

Thống kê cuối năm 2021 cho thấy, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi ở Việt Nam biết bơi.

Những thách thức cần vượt qua

Nhận thức về đuối nước còn thấp, tỉ lệ trẻ biết bơi từ thấp đến rất thấp là một trong nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng đuối nước cao ở trẻ. Tuy nhiên, cạnh đó có không ít nguyên nhân “chí mạng” khác khiến số vụ đuối nước vẫn diễn ra đều trên cả nước hằng năm. Một trong số đó là việc trẻ được học bơi nhưng chưa có kĩ năng xử lý sự cố trong nước. Trên thực tế, không ít trường hợp trẻ biết bơi, nhưng kĩ năng sinh tồn, xử lý tình huống còn kém, dẫn đến gặp nguy hiểm khi sự cố xảy ra.

Chị Lê Ngọc Lan Anh, giáo viên tiểu học, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12 chia sẻ bài học “xương máu” con suýt đuối nước dù biết bơi: “Do lo sợ con gặp nhiều rủi ro nếu không biết bơi, tôi đã cho con trai đi học bơi từ lúc 6 tuổi. Năm nay cháu đã 8 tuổi, học bơi được 2 năm, bơi khá tốt so với trẻ em cùng lứa. Thế nhưng tháng 4 vừa qua, cháu gặp một sự cố suýt chết khi đi bơi ngay tại hồ bơi gần nhà. Cháu xuống bơi, tôi ngồi trông trên bờ. Một lát không nhìn thấy cháu đâu, tôi hốt hoảng hô hoán. Có người nhảy xuống tìm, kéo được con tôi lên bờ thì cháu đã uống khá nhiều nước nhưng rất may là cháu không sao. Sau đó mới biết con tôi đang bơi thì bị chuột rút, cháu bị bất ngờ nên mất đà, uống nhiều nước, càng vùng vẫy càng chìm xuống, không ngoi lên được. May mà cháu được phát hiện kịp thời, nếu trễ một chút có lẽ cũng đã xảy ra chuyện không hay. Đây cũng là bài học đối với tôi, không dám ỉ lại vào chuyện con biết bơi, chủ quan, rời mắt khỏi cháu ở các hồ bơi công cộng”.

Sự xao nhãng, bất cẩn của các bậc cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự cố đuối nước ở trẻ. Theo thống kê, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.

Có thể thấy, tại Việt Nam, môi trường sống tiềm ẩn rất nhiều rủi ro có thể khiến trẻ đuối nước nơi công cộng: Từ sông, hồ, suối, kênh đào cho đến hố nước mưa, cống ngầm, thậm chí cả thau, lu chứa nước lớn trong nhà. Vừa qua, đã có trường hợp cháu bé chết đuối trong chính xô chứa nước trong nhà tắm của gia đình. Trước đó, cũng đã xảy ra những trường hợp nhiều trẻ bị đuối nước trong hố vôi, hố nước công trình. Thậm chí, có sự việc người cha dẫn con đi chơi công viên, do mải bấm điện thoại, cháu bé đến khu vực hồ cảnh có vòi phun nước và trượt chân ngã, chết đuối mặc dù nước hồ khá cạn… Những sự cố từ thường gặp đến hi hữu nói trên cho thấy, trẻ em Việt Nam ngoài việc không biết bơi, bơi yếu do không được dạy bơi căn bản, thì trẻ cũng không được học các kĩ năng phòng tránh nguy hiểm đuối nước. Các em nhỏ thì cứ thấy nước là nghịch, chơi, bất chấp nguy hiểm. Các em ở tuổi thiếu niên thì vô tư tắm biển, tắm sông ở những khu vực nước xoáy, báo động. Thậm chí nhiều trường hợp gặp nước sâu, nguy hiểm, bạn đuối nước, trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu vẫn nhào xuống cứu bạn và cùng gặp nạn.

Cạnh đó, sự chủ quan từ phía các đơn vị quản lý cũng vẫn còn nhiều. Không ít vùng biển không hề có cờ cảnh báo khi nước sâu, nước xoáy, nhiều nơi mang tiếng khu vui chơi, resort nhưng đội cứu nạn, cứu hộ chỉ để “cho có” chứ không có tính chuyên nghiệp, cũng không túc trực để sẵn sàng xử lý sự cố. Có những hồ bơi người lớn và trẻ nhỏ để cạnh nhau, trẻ có thể thoải mái sang hồ bơi người lớn mà không ai nhắc nhở, cũng không có biển cảnh báo cho phụ huynh và học sinh chú ý. Nhiều hồ bơi hoành tráng, đẹp nhưng thiết bị thiếu an toàn cũng khiến sự cố thương tâm có thể xảy ra, như vụ cháu bé quốc tịch Nhật tử vong do bị hút vào tấm thoát nước hồ bơi tại một resort Việt Nam gây xôn xao dư luận mới đây.

Đuối nước không chỉ là một thực trạng hay số liệu. Đằng sau mỗi vụ đuối nước trẻ em là những nỗi đau đớn, ân hận không bao giờ nguôi ngoai, những vết thương không lành trong trái tim của các bậc phụ huynh, các gia đình. Làm sao để tỉ lệ đuối nước ngày một giảm, giảm sâu đến mức tối thiểu là mong muốn của mỗi người, của xã hội. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản, nhiều chương trình và đề án nâng cao nhận thức, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước đặc biệt ở trẻ em.

Để hiện thực hoá mục tiêu giảm thiểu tai nạn đuối nước, cần có sự chung tay của rất nhiều ban ngành hữu quan, của nhiều cơ sở, đơn vị công lập đến kinh doanh liên quan. Và chắc chắn không thể thiếu được sự quan tâm đúng mức của các bậc cha mẹ đến vấn đề bảo vệ con trẻ, chủ động rèn luyện kiến thức, kĩ năng bảo vệ bản thân trước môi trường nước cho các con.

Hy vọng rằng, những nỗ lực hôm nay sẽ đem lại một kết quả đáng phấn chấn cho những tháng ngày sắp tới.

Đọc thêm