Tài xế xe buýt hé lộ nguyên nhân của "những chuyến xe hung thần" trên đường phố

(PLO) - Điểm chờ ngày càng tăng lên mà thời gian cho một lượt chạy vẫn giữ nguyên, lượng dầu cấp cho xe mỗi ngày bị hạn chế, ý thức tham gia giao thông của lái xe còn kém và “cậy mình” là xe công ích... đó có phải là lý do  khiến xe buýt biến thành "hung thần đường phố"?
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)

Điểm chờ tăng, thời gian không tăng

Việc phục vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân một cách nhanh chóng, thuận tiện là một trong những tiêu chí của các xí nghiệp xe buýt. Các tuyến mới được khai thác và đưa vào vận hành, các điểm đón trả khách ngày được tăng lên, phần nào đáp ứng được sự hài lòng của hành khách.

Tuy nhiên việc tăng điểm chờ, đón trả khách tăng lên như vậy lại làm tăng áp lực cho cánh lái xe, đặc biệt là cánh lái xe chạy tuyến nội đô, trong khi đó thời gian chạy cho mỗi lượt lại không tăng. Tiếp xúc với một số lái xe buýt về việc tăng điểm đón trả khách, hầu như ai cũng có vẻ “ngán ngẩm” thở dài.

Một lái xe tuyến 35 (Trần Khánh Dư – Mê Linh) cho biết: “Trước đây, xe chạy một lượt đi phải qua 43 điểm dừng đón trả khách, giờ tăng lên 47 điểm. Lượt về trước đây là 49 điểm, giờ tăng lên 53 điểm đón trả khách, trong khi đó thời gian chạy cho mỗi lượt chỉ có 2 tiếng, mỗi chuyến chỉ có 5 – 10 phút nghỉ giải lao, ăn uống.

Xe chạy trong nội đô rất vất vả, đường thì chật, lưu lượng người tham gia giao thông dày đặc, các điểm dừng đỗ chủ yếu trong nôi đô, hành khách lên xuống rất nhiều, đó là chưa kể tắc đường… làm mất rất nhiều thời gian để cho lái xe chạy đúng giờ. Vì thế lúc nào đường vắng là phải chạy nhanh hơn hoặc cố mà “len lỏi” cho kip thời gian. Vì là xe công ích nên việc “len lỏi”, lạng lách, hay đi vào làn dành cho xe máy, hoặc vượt “ẩu”, đi “ẩu” một chút cũng ít khi bị CSGT phạt, trừ khi vượt đèn đỏ một cách “quá đáng” ”.

Tương tự, lái xe tuyến 07 ( Cầu Giấy – Nội Bài) cho hay, trước đây cả tuyến chỉ có 17 điểm đón trả khách, giờ thêm 3 điểm nữa là 20 điểm. Thêm 3 điểm đã mất bao nhiêu thời gian cho lái xe chạy đúng giờ rồi, trong khi thời gian cho phép là 1giờ 5 phút/ lượt. Nhiều khi anh em lái xe về bến chỉ kịp uống chén nước là phải quay đầu xe đi luôn, thậm chí có xe vì về muộn không có thời gian nghỉ. Việc phóng nhanh, vượt ẩu là khó tránh khỏi nếu không kịp giờ, muộn vài phút đã bị phạt gần triệu bạc rồi.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, việc lái xe chạy đi và về đúng giờ thì không sao, nếu muộn quá 3 phút là bị phạt, mà sớm quá 3 phút cũng bị phạt. Nếu chẳng may có sự cố trên đường hoặc về muộn quá thời gian cho phép thì sẽ có xe khác chạy thay lượt tiếp theo, và lượt đó coi như lái xe chạy công không. Ngoài tiền phạt ra, lái xe còn bị trừ tiền thưởng, tiền lương, tiền chất lượng phục vụ khách hàng, mất chuyến, mất lượt…nên lái xe rất “ngại” chạy không đúng giờ.

“Nhiều khi chạy xe cho kịp giờ, phải gọi điện về quán cơm bảo làm sẵn, xe vừa dừng vào bến thì phải nhanh chân vào ăn, ăn suất cơm và vệ sinh cá nhân trong vòng 5 phút là phải chạy tiếp. Có lần ăn bát mỳ tôm, nóng quá phải xin thêm mấy cục đá bỏ vào cho nhanh nguội để mà ăn cho kịp thời gian.”. Lái xe tuyến 32 chia sẻ.

Vì “cơm áo gạo tiền”

Ngoài việc tăng các điểm đón trả khách và hạn chế thời gian cho các lái xe buýt thì chuyện “dầu mỡ” cũng làm cho cánh lái xe buýt phải “tính toán”. Trước đây việc bơm dầu cho xe buýt không được quản lý chặt nên lái xe thường phải tính toán làm sao để tiết kiệm dầu nhiều nhất để có thể “hút” trộm dầu. Nhưng bây giờ xăng dầu đã được quản lý chặt bằng cách khoán định mức số lượng dầu theo ngày, theo chuyến lượt, nên không còn hiện tượng “hút” trộm dầu.

Không ít trường hợp lái xe phóng nhanh để giành khách (Ảnh chỉ mang tính minh họa - Internet)
 Không ít trường hợp lái xe phóng nhanh để giành khách
(Ảnh chỉ mang tính minh họa - Internet)

Việc khoán định mức dầu cho xe buýt chạy trong một ngày, nhiều hay ít tùy thuộc vào “lốt” ngắn hay dài và cho phép thừa định mức 4 lít/100km. Nên việc chạy “khéo” để giữ định mức là phụ thuộc vào lái xe, nếu chạy đúng định mức thì lái xe được hưởng 4 lít/100km đó, nếu thiếu thì bị trừ định mức dẫn đến việc lương sẽ giảm, mà thừa thì lái xe cũng không được hưởng.

Một lái xe cho biết: Khoán định mức như thế nên anh em lái xe hạn chế bật điều hòa để đỡ tốn dầu, nếu bật điều hòa cùng với việc chở quá tải, thường xuyên ách tắc giao thông, thì dầu sẽ thiếu rất nhiều. Chạy đúng như thế thì lương thấp đi, vợ con ở nhà ăn cháo. Xe chạy trong nội đô, không đi nhanh được, thường xuyên đèn xanh đèn đỏ và tắc đường, rất hao dầu, nên đi đoạn nào đường thoáng thì tranh thủ đi nhanh, vừa đỡ hao dầu vừa cho kịp thời gian.

Bên cạnh đó, một lái xe đã “giải nghệ” “bật mí” thêm: trên các cung đường có nhiều tuyến xe buýt chạy qua thì việc đi ẩu, vượt ẩu để “tranh giành” khách là thường xuyên. Có khi xe cùng tuyến, cùng xí nghiệp cũng “tranh” nhau chưa nói đến khác xí nghiệp. Việc này liên quan đến doanh thu bán vé và việc “ăn vé” của phụ xe. Khi phụ xe và lái xe “ăn dơ” với nhau, việc lái xe phóng nhanh vượt ẩu để “giành khách” là để giúp phụ xe hoàn thành đạt chỉ tiêu doanh thu bán vé, còn khách lên xe mà đi vé ngày thì tạo điều kiện cho phụ xe “ăn vé”, để ăn chia với lái xe.

Theo thông tin của Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết: Tổng công ty đã gắn thiết bị định vị trên xe buýt nhằm hạn chế tốc độ nên việc xe chạy nhanh đã giảm rất nhiều. Việc cắm biển chờ xe buýt do bên Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội khảo sát và cắm biển. Còn thời gian quy định đặt ra cho một lượt được khảo sát tính toán kỹ lưỡng và thường tính toán thời gian theo giờ cao điểm để đặt ra. Hiện tại thời gian chạy của mỗi lượt là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội thì lại thừa nhận những việc trên là có sự thật, hiện tượng lái xe lạng lách đi ẩu là còn xảy ra.

Ông Hải cho hay: “Chúng tôi chỉ yêu cầu lái xe buýt chấp hành tốt luật giao thông và chạy đúng biểu đồ, đúng lộ trình. Còn việc cắm biển là đúng với quy định của luật giao thông đường bộ. Sở GTVT Hà Nội không gây áp lực về thời gian và quy định phạt về thời gian của lái xe, mà trong hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ ghi cố gắng phấn đấu chạy đúng theo biểu đồ đã đặt ra. Ngoài ra cũng điều chỉnh, tính toán cụ thể về thời gian chạy của lái xe, giờ cao điểm chạy bao nhiêu lượt, giờ bình thường chạy bao nhiêu lượt… để sao cho lái xe không bị áp lực về thời gian.

Để khắc phục tình trạng này các công ty kinh doanh vận tải không được gây áp lực về thời gian cho lái xe và tuyên truyền cho lái xe nhận thức được ý thức tham gia giao thông.”.

Đọc thêm