"Tam đại đồng đường" theo nghề giáo

Đại gia đình với hơn 30 người lớn nhỏ nhiều năm qua sống chung hòa thuận cùng nhau trên mảnh đất vùng Kinh Bắc. Các thế hệ trong gia đình luôn biết trân trọng, tự hào về nếp nhà và gia phả dòng tộc Lê Nho của mình.

Đại gia đình với hơn 30 người lớn nhỏ nhiều năm qua sống chung hòa thuận cùng nhau trên mảnh đất vùng Kinh Bắc. Các thế hệ trong gia đình luôn biết trân trọng, tự hào về nếp nhà và gia phả dòng tộc Lê Nho của mình.

Dòng tộc 7 đời làm nghề giáo

Trong ngôi nhà có mảnh sân rộng rãi, mít, bưởi trĩu cành, cụ Lê Nho Bảo, 82 tuổi dáng vẻ nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào vồn vã mời khách ngồi xơi nước. Mảnh vườn này là nơi để gần 20 cháu nội, ngoại của cụ vui đùa.

Gia đình
Đại gia đình cụ Lê Nho Bảo

Nhấp chén trà xanh, cụ kể về dòng tộc mình với niềm tự hào lớn: Dòng họ Lê Nho ở thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh nổi tiếng là hiếu học của vùng Kinh Bắc xưa nay, với bề dày truyền thống tới 7 đời liên tục theo nghề dạy học. Cụ Lê Nho Bảo là đời thứ 5 và 7 người con cùng các cháu của cụ đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án.

Cũng như những gia đình nghèo ở đất Kinh Bắc, trước đây vợ chồng cụ chật vật, ngược xuôi nuôi 8 người con (4 trai, 4 gái) ăn học. Thời xưa, lương giáo viên rất thấp, không đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình. Cụ tăng gia sản xuất tại trường để dành dụm tiền mua sách vở, mảnh vải may áo cho các con.

Cụ bà thì ở nhà tay cày, tay cuốc, đắp đất trồng khoai, cấy lúa và trồng thêm rau màu tạo ra sản phẩm, thêm phần lương thực cho gia đình. Có ngày phải xuống sông lấy rong bón cho cây trồng, nuôi thêm gà, vịt… chắt chiu từng đồng nuôi các con ăn học. Thấy bố mẹ vất vả, ngoài thời gian học tập, các con cụ tự giác phụ giúp bố mẹ mọi công việc nhà.

Anh Lê Nho Đề, sinh năm 1967, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Quang Bật, xã An Bình (Thuận Thành)- con trai út của cụ Lê Nho Bảo tâm sự: “Tuổi thơ của mấy anh chị em chúng tôi mỗi khi chăn trâu hay cắt cỏ cũng mang sách theo để học. Mẹ tôi sáng bắt cua, chiều làm việc đồng áng, còn đồng lương ít ỏi của bố tôi cũng không sao đủ cho  8 anh em ăn học. Vì thế cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại đạp xe từ trường Đại học Sư phạm I về quê cùng bố và các anh vác đất đóng gạch kiếm sống…”.

Cụ Bảo luôn tâm niệm một điều: “Dù ở hoàn cảnh nào, tôi cũng nhắc nhở các con “Giấy rách phải giữ lấy lề”, thiếu cơm, thiếu áo nhưng không được thiếu chữ. Học tập phấn đấu để làm người mới thực sự là nguồn tài sản quí giá nhất trong cuộc sống”. Lời răn dạy của cụ đã thấm dần trong suy nghĩ và khát vọng vươn lên của các con và đến nay là các cháu.

82 tuổi vẫn dạy chữ Hán Nôm miễn phí

Thời gian trôi qua, lần lượt 8 người con của cụ đều tốt nghiệp Đại học và trên Đại học. Ngoài chị Lê Thị Thủy làm việc ở nhà máy ở thị xã Từ Sơn ra thì 7 người đều nối nghiệp cụ  giảng dạy ở các cấp học khác nhau trong và ngoài tỉnh. Ở họ luôn cháy bỏng một tình yêu thương với những thế hệ học trò. Anh Lê Nho Ánh, Thạc sỹ Khoa học, giáo viên trường THPT Chuyên Bắc Ninh - con trai thứ 2 của cụ chia sẻ: “Theo đuổi nghề dạy học, tôi thấy mình hạnh phúc vì đào tạo được nhiều thế hệ trò giỏi. Đó là vinh dự, là lẽ sống cũng là trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội”.

Tìm hiểu qua hàng xóm của đại gia đình cụ Lê Nho Bảo thì từ trước đến nay, gia đình cụ đều giữ gìn được khuôn mẫu của một gia đình truyền thống và các giá trị văn hóa. Gia đình cụ Lê Nho Bảo nhiều năm liền được huyện, tỉnh công nhận là “Gia đình văn hóa”.

Đặc biệt, dù bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Bảo vẫn tham gia dạy miễn phí chữ Hán Nôm cho người dân khắp vùng tại đình làng. Cứ một tuần 2 buổi, thứ 7 và chủ nhật, lớp thầy Bảo lại chộn rộn tiếng đọc Hán Nôm.

Học trò của cụ có đủ các độ tuổi từ 20 đến 85 tuổi và hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu là cựu giáo chức và cán bộ hưu trí. Qua gần mười năm, cụ đã đào tạo được hơn 50 học trò biết đọc thông viết thạo chữ Hán Nôm, có thể dịch được các thư tịch cổ, văn bia, hoành phi, câu đối… nhằm tìm hiểu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Nói về công việc đặc biệt này, cụ Bảo khiêm tốn: “Ngoài việc dạy chữ, tôi cùng các thành viên trong CLB Hán Nôm xã An Bình còn sưu tầm, dịch thuật vốn văn bản Hán Nôm của xã và giúp đỡ các địa phương khác; thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh để học hỏi, trao đổi, đàm đạo về chữ nghĩa và đạo làm người của ông cha ta ngày xưa.”

Hàng ngày, ngắm nhìn hình ảnh thầy giáo 82 tuổi vẫn hăng say giảng dạy bên bảng đen, phấn trắng, các con cháu trong nhà tự hào lắm. Từ tấm gương của ông, cha, họ bảo nhau luôn tự giác học tập, cố gắng phấn đấu và sống có ích cho gia đình và xã hội.

Thùy Dương

Đọc thêm