Gắt gao “tầm” tuấn mã
Là vùng đất của ngựa nhưng không phải tất cả ngựa Bắc Hà đều là ngựa đua. Muốn có một con tuấn mã truy phong trên thảo nguyên hay lội suối, ngược dốc trèo non thì phải tuyển chọn hết sức kỹ càng.Vì vậy, ầm ĩ trong những chợ ngựa hay lặng lẽ trong mỗi bản làng, người Bắc Hà luôn muốn tìm cho mình một tuấn mã tuyệt đích.
Ông Ngô Văn Huân, Cán bộ phòng Văn hoá – Thông tin huyện Bắc Hà tuy không phải là người bản địa nhưng lại am tường rành rọt những truyền thống tuyển ngựa của bà con dân tộc vùng đất này. Chẳng vậy mà những ai yêu ngựa, đến cao nguyên đều tìm gặp ông Huân như một chỉ dẫn chính xác về cái nôi của ngựa.
Người Bắc Hà không gọi công việc truyền thống của mình là “tuyển”. Họ dùng chữ “tầm” để miêu tả về cung cách lẫn những chuyến đi xa cả tháng để tìm tuấn mã đẹp phục vụ giải đua ngựa hàng năm. Người Mông, người Tày, người Nùng ở Bắc Hà đều sành ngựa.
|
Đua ngựa là nét đẹp ngày xuân ở Bắc Hà |
“Tầm” ngựa đối với người Bắc Hà có cảm giác được nâng thành nghi thức hoặc nghi lễ cao quý như những kỵ sĩ thời trung cổ trọng danh dự, phẩm giá. Sự am hiểu về ngựa là không thể thiếu với mỗi người. Họ có thể xem tướng ngựa bằng cách nhìn khoang khoáy xem có phải là con ngựa phản chủ.
Nếu ngựa phản chủ mà tốt đến cỡ nào, dù có đạp mây lướt gió cũng không ai mua. Loài ngựa phản chủ chỉ có thể đem giết thịt, nấu thắng cố hoặc bán cho người xuôi muốn làm gì thì làm.
Muốn tường minh những chuyện “tầm” ngựa thời hiện đại nên chúng tôi tìm đến người từng vô địch giải đua ngựa ba năm liền là anh Vàng Văn Huỳnh. Huỳnh là kỵ sĩ tiếng tăm ở cao nguyên, ở bản Na Áng (xã Na Hối), nơi quy tụ nhiều ngựa bậc nhất Bắc Hà.
Con ngựa khó tính mà Huỳnh đang làm chủ chính là con tuấn mã đã ba lần đưa anh đến chức vô địch. Ngựa nặng đến 250 kg, lại to con với vô khối cơ bắp ở các khớp chân khiến dân yêu ngựa ngưỡng mộ, ao ước.
Huỳnh kể, con ngựa này tuyển được trong một lần đi “tầm” ở các bản làng xa xôi. Nghe tin một người Mông có con ngựa tuyệt đẹp nên mò đến, nhưng khi Huỳnh có mặt thì lại sợ.
“Sợ chứ không chê vì con ngựa bất kham. Sức lực của nó thì có thể đánh bại tất cả các con tuấn mã khác. Nhưng tính cách con ngựa này lại bướng bỉnh và dữ dằn. Người lạ mon men vào là nó đá, nó cắn chứ không bình thường”, Huỳnh nhớ lại. Không nhớ nổi mất bao nhiêu ngày, anh mới thuần hóa được con vật “lắm tài nhiều tật” nêu trên.
“Nói chung tuyển ngựa khó như tuyển hoa hậu. Ngoài dáng cao lớn, hùng hổ và mạnh mẽ thì tướng ngựa phải phóng khoáng. Nếu có khoáy phản chủ thì phải loại. Mà điều phổ biến là ngựa đẹp thì lại hay có khoáy phản chủ nên mới khó để lựa chọn”, Huỳnh bật mí.
Đua ngựa xưa và nay
Anh Vàng Văn Cương, cựu vô địch giải đua ngựa Bắc Hà cho biết, đua ngựa là môn thể thao dân tộc độc đáo của huyện từ lâu đời. Ngày xưa, vào mùa xuân, thanh niên trai tráng người Mông, Tày, Nùng rủ nhau đi chơi Tết thường đi thành từng đoàn.
Vì đi đường xa hàng chục cây số đường núi nên họ mang theo ngựa và rủ nhau cùng đua. Ai đến đích trước thì bữa tiệc hôm đó được ngồi mâm trên và được quyền chọn sơn nữ xinh đẹp nhất làm vợ.
Trước những năm 1930, giải đua ngựa ở Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa Xuân và có tính chất quy mô toàn vùng. Chuyện thắng, thua có ảnh hưởng đến danh dự dân tộc, dòng họ, vùng miền nên các kỵ sĩ đều “quyết tử” giành chiến thắng.
|
Những "nài" ngựa với trang phục không thể đơn giản hơn |
Theo các cao niên ở Bắc Hà, hồi đó đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích đến là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng. Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn năm phát súng vào tấm bia cách chỗ đứng vài chục mét.
Sau đó lên cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi nước đại, quay ngược lại điểm xuất phát. Giải nhất thuộc về người nào phi ngựa nhanh nhất và bắn giỏi nhất.
Sau năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức đúng một buổi diễu hành với 200 con tuấn mã đi khắp cao nguyên, sau đó thì không tổ chức nữa.
Bẵng đi gần 40 năm, giải đua ngựa Bắc Hà đi vào quên lãng, mãi đến năm 2007 mới trở lại nhưng chỉ có đua ngựa mà không có thi bắn súng. Đoạn đường đua cũng không vắt vẻo, gấp khúc như trước nữa mà thi chạy trên đường bằng.
Ông Lý Seo Thống cho biết: “Bây giờ đua ngựa khác xưa nhiều quá. Nhưng trang phục tự do hồn nhiên kiểu “có gì dùng nấy” thì giống trước”.
Ở những nơi khác, người ta gọi kỵ sĩ là “nài”. Ở Bắc Hà, từ “nài” có vẻ lạ lẫm, vì đi với “nài” bao giờ cũng là trang phục bảo hộ đến tận chân răng. Các kỵ sĩ Bắc Hà cùng lắm chỉ có một chiếc mũ bảo hiểm xe gắn máy không biết đồ xịn hay đồ rởm, một đôi giầy vải và một chiếc áo mỏng ghi số.
Kỵ sĩ ép xác
Đua ngựa là một môn thể thao đầy mạo hiểm, đòi hỏi các kỵ sĩ phải có sức khoẻ, bản lĩnh và kỹ thuật điêu luyện. Tuy nhiên, mỗi kỵ sĩ lại có một vài “bí Tay đua Vàng Văn Huỳnh cho biết, trước kỳ thi khoảng vài tháng, các kỵ sĩ đều phải chọn cho mình một con ngựa tốt. Tốt về mọi mặt, từ hình dáng, kích thước đến tốc độ và sự dẻo dai. Muốn ngựa được dẻo dai thì phải chăm sóc, vỗ béo cho ngựa để chúng có sức khoẻ đối chọi với hàng trăm con tuấn mã khác.
Trước giai đoạn cho ngựa đi đua càng cần phải chú ý kỹ hơn đến khẩu phần ăn của ngựa. Lúc này phải cho ngựa ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, thậm chí cả trứng gà sống, nhưng cũng không được để ngựa béo quá, nặng bụng, chạy nước đại sẽ nhanh mệt.
Trong khi ngựa được chăm sóc, vỗ béo và huấn luyện cho thành thục thì bản thân kỵ sĩ lại không được phép tăng cân hoặc nghỉ ngơi. Thậm chí, có một sự thật là kỵ sĩ phải bằng mọi cách ép cân tới mức tối đa để ngựa không bị mệt mỏi trong cuộc đua tốc độ.
|
Đua ngựa Bắc Hà |
Theo anh Huỳnh, có rất nhiều phương pháp, cách thức “ép xác” khác nhau. Một trong những cách ép xác đáng sợ nhất là chui mình vào “lò hấp”. Theo cách này, kỵ sĩ phải ngồi vào trong một chiếc thùng lớn, trên có nắp đậy chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ để đưa không khí vào trong.
Dưới đáy thùng, kỵ sĩ được ngồi trên lớp gạch cao khoảng 20cm. Sau đó, người ta sẽ tăng nhiệt độ trong thùng bằng cách đốt lửa đáy thùng. Với cách hành xác lạ lùng này, mồ hôi của kỵ sĩ vã ra như tắm. Mất nước nhiều, lại kết hợp với uống thuốc, trong khoảng hơn 10 ngày có thể sút đến 30kg để có thể tham gia cuộc đua.
Kỹ thuật đua ngựa thì cũng có vô vàn. Người kỵ sĩ phải nắm vững tất cả kỹ thuật khi đua như cách bẻ cua, kìm cương, lấy đà, bức tốc... Nhưng quan trọng hơn cả là phải làm cho người và ngựa “cùng nhịp” với nhau. Tuy nhiên, làm thân kỵ sĩ dù nắm vững kỹ thuật đến mấy vẫn có thể bị ngựa đá gãy xương sườn, gãy chân, cắn đứt tay. Điều này ở Bắc Hà không hiếm, thậm chí nhiều kỵ sĩ bị thương tích rất nặng nề vì ngựa. Giải thưởng cho người và ngựa về nhất chỉ có 20 triệu đồng nhưng ai cũng muốn tham gia, vì dân kỵ sĩ Bắc Hà rất trọng danh dự. Có khi, tiền thu được không đủ để khao bản làng, nhưng cái được là đem danh dự về cho quê hương.