(PLO) - Má tôi là người gốc Huế, sinh ra và lớn lên trong Thành nội. Nhưng vì cuộc binh đao của đất nước, rồi sự an phận của tuổi tác, gia đình, mà quê hương của má với chúng tôi chỉ còn nằm trong những câu chuyện kể và những món ăn ngày Tết. Nhưng không vì thế mà hương vị của Tết Huế bị lãng quên…
Tết là dịp để má trổ tài món Huế, dù rằng nhiều nhất cũng chỉ một đến hai món mà thôi. Ít vậy vì ngày xưa kinh tế khó khăn, ngày nay thì tuổi má đã cao, chị em tôi lại quá bận rộn với cuộc sống riêng. Bánh tét là món mà Tết nào gia đình tôi cũng có. Ngày còn nhỏ, tôi thường gọi nó là “bánh toét” khiến cả nhà cười lăn.
Trong tâm thức của người miền Trung, bánh tét có vị trí không khác gì bánh chưng ngoài Bắc, khác chăng cũng chỉ ở hình dáng và sự đa dạng của nhân bánh. Bánh tét Huế có hình dáng thuôn dài tương tự như cách gói giò của người Bắc. Trông thì đơn giản như gói bánh tét không hề dễ, vì phải gói, lăn sao cho nhân nằm ở giữa trục bánh tròn, buộc dây bánh cũng phải chặt tay.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Tôi còn nhớ phải đến ba, bốn cái Tết gì đó, các chị của tôi mới gói được cái bánh tạm thời giống bánh của má, còn lại thì trước đó đều là “bánh toét” cả. Thời khó khăn nên trước Tết hàng tháng, má đã tích dần nếp, đỗ để chuẩn bị cho nồi bánh. Năm nào cũng vậy, cận Tết má lại đạp xe ra ngoại thành xin về một nắm lá nếp thơm, rửa sạch, giã nát trộn vào nếp làm cho bánh vừa xanh vừa dậy mùi hương nếp. Bánh tét má gói cắt ra miếng bánh tròn xoe, nhân nằm chính giữa hình tròn, trông thật hấp dẫn. Sở thích ăn bánh chưng rán của tôi bây giờ, có lẽ bắt nguồn từ những miếng bánh tét rán dòn của má từ ngày ấy.
Tôi còn nhớ, vừa gói bánh má vừa nhẩn nha kể, ngoài bánh tét, bánh chưng, người Huế còn thích ăn một số bánh khác như bánh su sê (phu thê), bánh măng, bánh sen chấy, bánh dừa mận... Bánh su sê làm bằng bột sắn có nhân đậu xanh ngào đường với dừa hay tôm chấy (tôm chấy là tôm tươi được rang xát cho nhỏ tơi ra), gói lá dừa đem hấp cách thủy. Còn bánh sen chấy làm bằng hạt sen nấu chín, nhào với đường đem láng cho mỏng, nướng lên, cuộn tròn, để vào thẩu đậy kín để ăn dần.
Bánh dừa mận thì dùng xôi nếp giã nhuyễn ngào với dừa và nước đường, đem cán mỏng, cắt thành miếng vuông vừa, bên ngoài bọc lớp mè (vừng) rang, gói lại bằng giấy bóng. Bánh măng thì làm bằng măng tươi thái chỉ đem rim kỹ với đường, nấu lẫn với bột nếp. Sau đó cắt miếng, phủ lớp bột hoàng tinh bên ngoài rồi bọc bằng giấy bóng... Lời má đến đâu chị em tôi nuốt nước bọt đến đến vì thèm.
Món thứ hai không thiếu trong cái Tết Huế của gia đình tôi là dưa món. Trước Tết khoảng nửa tháng, thấy má mua củ cải, cà rốt, đu đủ, su hào (vì sống ngoài Bắc nên má bổ sung thêm su hào cho nhiều vị) về là chị em tôi đã biết sắp sửa có dịp để trổ tài… làm hỏng. Bình thường khi chế biến củ cải, cà rốt, đu đủ, su hào làm dưa món người ta chỉ thái miếng, nhưng má cầu kỳ dạy chị em tôi tỉa hoa từ những loại củ đó.
Chị thứ ba khéo nhất nhà nên những hoa hồng, hoa ngọc lan chị tỉa từ củ rất giống thật, còn tôi với mấy chị còn lại chỉ thành công nhất với loại hoa phẳng lỳ 6 cánh vì đơn giản khía tròn xung quanh củ là xong. Thành phẩm tỉa xong sẽ đem phơi vài nắng cho săn lại. Chưa lúc nào cái nắng hanh hao của mùa đông miền Bắc lại có tác dụng như lúc này, chẳng mấy chốc cả mâm củ đã săn sít lại chỉ còn hơn nửa.
Má cẩn thận xếp từng lớp hoa củ vào lọ ken những quả ớt tỉa hoa vào rồi đổ nước mắm đã được đun sôi với dấm, đường, tỏi lên đủ vị chua, mặn, ngọt. Khoảng chưa đến tuần sau, mấy cái mồm háu ăn của chị em tôi đã nhì nhèo đòi má cho nếm dưa món.
Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết, nhất là ở phần lễ nghi, cúng kiếng. Nếu ở ngoài Bắc, người ta coi lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ khởi sự cho một cái Tết và tổ chức rất trọng thị, thì ở Huế lễ cúng ông Táo có phần đơn giản hơn.
Ðối với nhiều gia đình người Huế, ngày 23 tháng Chạp đơn thuần chỉ là ngày thay bát nhang, quét dọn bàn thờ gia tiên và tiễn “ba ông đầu rau” bằng đất nung thờ trên trang bếp ra chân tường ngôi miếu hay gốc cổ thụ nơi đầu xóm để thay bằng ông Táo mới. Cái không khí Tết thực sự cảm nhận được phải từ sau ngày 25 tháng Chạp, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề, cũng là lễ cúng tất niên.
Tôi mạng con gái nhưng tính khí con trai nên cái ngày chưa cấm đốt pháo, nhặt pháo lép, pháo rơi là thú chơi tôi khoái nhất trong mấy ngày Tết. Vậy nên, mùng Một chỉ mong sao trời mau sáng để tông cửa ra hè đường nhặt pháo. Tối giao thừa, trước khi đi ngủ, que hương, diêm, túi nilon đựng pháo đã để sẵn đầu giường chờ “chủ nhân”. Nào ngờ, sáng ra vừa vén màn định thò chân xuống đất đã nghe tiếng má tặng hắng: “Con đi đâu đấy, không nhớ má dặn gì sao?”. Tôi lăn lại vào chăn, nằm nghe tiếng pháo đì đẹt lũ bạn đốt mà lòng bao ấm ức…
Sau này, tìm hiểu về văn hóa vùng miền tôi mới biết, trong quan niệm của người Huế đêm giao thừa là lúc gia đình đoàn viên. Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân.
Mấy năm gần đây, Nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã biết ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa. Ấy là bởi cái “tục đạp đất”. Người Bắc cũng có lệ xông đất, nhưng dân Huế đã gọi rất đúng tên cổ tục này là: đạp đất. Không ai muốn về nhà sau giao thừa cũng bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình. Người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng mồng Một Tết là những người chức sắc, có học vấn, hay là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó.
Nhiều gia đình ở Huế còn “ra lệnh” cho con cái, đứa nào nặng vía thì sáng Mồng 1 không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đã được cha mẹ dặn từ đêm giao thừa, đặt chân xuống đất trước, lúc đó những đứa khác mới được ra khỏi giường...