Nghề giáo không có thắng và thua!
Trong khuôn khổ chương trình, Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng 68 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ giáo viên cả nước cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Đó là sự tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của các thế hệ thầy và trò, những yêu thương, ân tình của thầy và trò ở mọi miền Tổ quốc trong hành trình “trồng người”.
GS.TS NGND Vũ Minh Giang chia sẻ, tình thầy trò thiêng liêng nhưng đâu đó có hiện tượng khiến chúng ta đau lòng bởi có những người thầy quên sứ mệnh của mình, chạy theo vật chất. Học trò cũng có những “trò không ra trò”, đó là những “lỗ hổng” trong giáo dục.
GS.TS Vũ Minh Giang nhận định: “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy làm người và dạy chữ chính là hai chức năng lớn. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển mà tinh hoa của nền văn hoá quốc gia chính là giáo dục, đào tạo. Do đó, chúng ta có thể đi học khắp thế giới nhưng cuối cùng cái quan trọng nhất vẫn là đứng trên đôi chân của mình. “Tôi mong muốn, chúng ta phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế thì Việt Nam mới có thể hùng cường”.
GS.TS Vũ Minh Giang cũng bày tỏ: Quyền uy của người thầy nằm ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn.
Theo ông, “Tôn sư trọng đạo” là đạo lý ngàn đời nay, không chỉ theo nghĩa chỉ là kính trọng thầy cô, mà còn phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, trí tuệ, lý trí hơn, với mong muốn khơi dậy khát vọng của dân tộc, để hướng tới tương lai. Đất nước phát triển hay không, sánh vai với cường quốc được hay không là nhờ công của thầy, trò.
Cùng quan điểm về sứ mệnh người thầy, NGƯT. TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò. Nếu có giáo viên giỏi sẽ cảm hoá được học sinh. Nghề giáo không có thắng và thua, chỉ có niềm tự hào và nỗi ân hận.
Theo TS Lâm, nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói mà chủ yếu phải được hình thành từ sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh, giúp học sinh thấy rõ những cái lợi, cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, nếu nhà trường chỉ chạy theo thành tích, thi cử, mà quên mất “dạy người”, thì đó là mô hình giáo dục chúng ta không mong muốn. Nhưng thả nổi học sinh, để các em “tự bơi”, học được chữ nào hay chữ đó theo kiểu “Makeno” (mặc kệ nó) là vô trách nhiệm.
Thầy Lâm đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò, sứ mệnh của người thầy, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt, trong đổi mới giáo dục hiện nay phải làm sao rõ được sứ mệnh của người thầy, để người giáo viên nhận thức được sứ mệnh của mình. Vì không có được người thầy tốt, thực hiện được sứ mệnh của mình thì không thể có một nền giáo dục tiên tiến và nhân văn.
Bởi thực tế, sứ mệnh của người thầy chính là phải thực sự hiểu học trò, khích lệ, động viên để mỗi học trò trong những điều kiện, hoàn cảnh của mình đều phát triển được, chứ không phải sự áp đặt, buộc học trò phải tuân theo.
TS. Nguyễn Tùng Lâm kể câu chuyện, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đã tìm ra được thủ phạm đốt pháo trong nhà trường. Sau đó, học sinh này bị đuổi học. Nhưng sau 5 năm thì cô mới nhận ra được rằng, trong số những học sinh bị đuổi học có em tiếp tục học bổ túc, có em làm nghề nhưng có em bị kẻ xấu lôi kéo. Và cô đã rút ra được rằng, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.
Ân hận vì những phương pháp giáo dục của mình chưa phù hợp với học trò, chưa đúng với nguyên tắc giáo dục cụ thể, không giúp học sinh vượt qua chính mình để tồn tại và phát triển trong cuộc sống. Còn tự hào là ngược lại, khi có cách giáo dục phù hợp giúp học trò phát triển vượt qua được chính mình. Nên trong giáo dục hiện đại hiện nay thầy, cô giáo cần được trang bị những kiến thức về tâm lý giáo dục để chủ động tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi học sinh chứ không phải dùng uy lực của thầy cô áp đặt lên học trò thì không thành công.
Đặc biệt, trong giáo dục hiện nay, giáo viên thường không chấp nhận những cá tính, yếu kém của học sinh (theo quan niệm một chiều của giáo viên). Chỉ những học sinh “chăm ngoan” mới được giáo dục. Điều này không đúng. Các thầy cô cần phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.
Một câu nói khích lệ, có thể thay đổi một con người
PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cần phải hiểu rõ được vai trò của người thầy và những đáp ứng trong thời đại mới. Mặc dù, trong xã hội nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp... nhưng hạt mầm quan trọng nhất vẫn là nghề làm thầy. Bởi bản thân nghề giáo viên là nghề duy nhất có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc ở người học. Sau này người học có trở thành những nhà toán học, nhân viên... Người thầy sẽ rất tự hào nếu mình có thể thay đổi, tầm ảnh hưởng đến thế giới quan, nhân sinh quan của người trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, mặc dù giáo viên ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và trách nhiệm trong giảng dạy nhưng nghề này cho phép mỗi thầy cô được thỏa sức sáng tạo, cập nhật liên tục kiến thức trong mỗi bài học. Chỉ nghề giáo mới tạo cho chúng ta cơ hội để thử ngay những ý tưởng mới mẻ. Nghề giáo không còn là người dạy mà như một người cố vấn, huấn luyện viên, người thân trong gia đình... Hơn hết, đội ngũ nhà giáo chính là đội ngũ tiên phong dẫn đầu trong thế kỷ 21.
“Có nhiều người đã nói, một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một người thầy có thể tạo nên sự thay đổi của bất cứ một nền kinh tế hay quốc gia nào. Chúng ta đang cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, người thầy lại là người gieo hạt mầm hứng thú, đào tạo con người để phục vụ nền kinh tế yêu cầu nhiều về năng lực, phẩm chất đạo đức. Vì vậy, nghề giáo không có gì quan trọng hơn thế”…
“Tôi tin là nhiều người trong số chúng ta lúc này đều có thể nhớ tới một giáo viên yêu thích trong những năm tháng học tập của mình. Đó là người đã cho ta một lời khuyên hoặc nói một câu gì đó khiến cuộc đời ta thay đổi! Như vậy, sự ảnh hưởng của những người thầy đối với cuộc sống của mỗi chúng ta to lớn và quan trọng như thế nào”, TS Nguyễn Thành Nam nhận định.
Niềm vui của người thầy chỉ đơn giản như đã giúp cho một học sinh từ học lực yếu và mất hứng thú học tập chuyển biến và đạt điểm 10 trong môn học của thầy nhiều năm trước. Và hiện tại người thầy đều nhìn thấy những thành công xuất sắc của học sinh đó.
Cuối cùng, tại sao chúng ta chỉ quan ngại với những con số giáo viên bỏ nghề mà không nghĩ đến những thầy cô vẫn đang kiên cường gánh vác trách nhiệm “trồng người”? Những người chọn nghề thầy giáo vốn mang sẵn trong mình những giá trị tích cực. Họ yêu trẻ, họ muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của học sinh, họ thích sáng tạo để giúp cho học sinh hứng thú và thay đổi khác biệt mỗi ngày. Họ thích truyền cảm hứng và nhìn thấy những người khác trưởng thành…
Dễ hiểu vì sao, trong tim chúng ta luôn có hình ảnh một người thầy. Có thể đó là ký ức về một miền trong trẻo. Có thể đó là một người thầy đã giúp chúng ta chạm tới khát vọng, tìm thấy bản ngã để trưởng thành. Bởi thế, những người thầy ấy sẽ bên chúng ta, tới suốt cuộc đời…
Dõi theo hành trình trưởng thành của học sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (Trường Tiểu học Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) cho biết, tình yêu nghề giáo được gieo từ các thầy cô đã dạy cô Dung. Trách nhiệm của người giáo viên không dừng lại khi các học sinh ra trường, chuyển cấp mà theo suốt hành trình học tập, trưởng thành để có thêm những bài học, kinh nghiệm trong công tác.
“Tài sản lớn nhất của tôi là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh. Trong đó, tôi nhớ nhất là trường hợp của một nữ sinh trầm cảm do bị xâm hại. Em chọn cách giấu kín nên gia đình không hề hay biết. Tôi đã tự mày mò các phương pháp tiếp cận, đồng hành để lấy lại niềm tin vào cuộc sống cho em. Hiện, em đã trở thành một sinh viên xuất sắc, tấm gương về học tập, rèn luyện và hoạt động vì cộng đồng trong nhà trường”, cô Nguyễn Thị Lê Dung chia sẻ.
Thầy giáo Sùng A Trừ (Trường PTDTBT TH và THCS Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ việc dạy và học ở Chế Tạo nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung còn nhiều khó khăn. Có những học sinh hoàn cảnh, cách xa điểm trường 6 - 7 giờ đồng hồ đi bộ đường núi, đường rừng nhưng các thầy cô vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học.
Là người con của vùng cao, thầy Trừ càng hiểu hoàn cảnh của các em và nỗ lực hơn trong hành trình gieo chữ. Thầy đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh được đến trường, học giỏi như sáng kiến ghép đôi học sinh lớn với đàn em để cùng nhau học tập, rèn luyện.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) gắn bó với việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của trường. Thầy Tùng cho biết học sinh đội tuyển, các trường chuyên có tư duy, khả năng nghiên cứu tốt đòi hỏi giáo viên thường xuyên trau dồi kiến thức. “Học sinh càng giỏi thì giáo viên càng phải trau dồi kiến thức để “chiến đấu”, truyền kiến thức các em”.
Bên cạnh đó, nhiều thầy, cô giáo đã chia sẻ, đề xuất ý kiến liên quan đến công tác giáo dục, hỗ trợ học sinh; xây dựng ngôi trường hạnh phúc, giảm áp lực học tập cho học sinh...